Cẩm nang hướng dẫn tiêu diệt xe tăng Abrams

Nguyễn Anh |

(Soha.vn) - Sau khi nghiên cứu và phân tích những trường hợp xe tăng Abrams bị bắn hỏng, các chuyên gia quân sự Nga đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để tiêu diệt vua chiến trường.

Trong nhiều năm qua, các phương tiện thông tin của Mỹ đã tích cực tuyên truyền trên khắp thế giới rằng: Xe tăng M1 Abrams không thể bị phá hủy, nhưng đó chỉ là những thổi phồng quá đáng làm hoang mang và gây ra sự thiếu tin tưởng vào bản thân và vũ khí cho bộ đội của nhiều quốc gia.

Sau khi nghiên cứu kết cấu vỏ giáp, bố trí chung và phân tích những trường hợp bị bắn cháy, hỏng trong cuộc chiến tranh gần đây, các chuyên gia quân sự Nga đã đúc kết thành kinh nghiệm và khuyến nghị các chiến sĩ xe tăng cũng như chống tăng cần biết rõ những vị trí xung yếu của thân và tháp pháo xe tăng M1A1 để tin tưởng, vững tâm sử dụng các loại vũ khí hiện có để tiêu diệt hoặc chí ít cũng làm mất khả năng cơ động và quan sát trong chiến đấu của "Vua chiến trường".

Một chiếc xe tăng Abrams bị bắn cháy bởi súng chống tăng RPG-7 tại Iraq

Thực tế cho thấy nếu sử dụng các phương tiện chống tăng bắn vào vùng chính diện của xe tăng M1 cũng như các biến thể nâng cấp M1A1, M1A2 để phá hủy xe là rất khó vì những tấm giáp của khu vực này (trán tháp pháo và mũi thân xe) đặt ở góc nghiêng tạo ra chiều dày tương đương 550 - 770 mm (phụ thuộc vào biến thể), có thể chịu được đạn xuyên giáp dưới cỡ và cả đạn xuyên lõm. Ngoài ra theo các số liệu thử nghiệm đối với xe tăng M1A1 được lắp tăng cường các tấm giáp uranium nghèo có chiều dày tương đương 550 - 600 mm giúp xe chịu được đạn xuyên giáp dưới cỡ bắn từ cự ly 1.000 m, các tấm giáp này có chiều dày quy đổi tương đương 800 mm chống đạn xuyên lõm. Tuy nhiên chiều dày vỏ giáp xe tăng M1A1 ở các vùng khác nhỏ hơn 50% so với vùng chính diện nên dễ bị đạn xuyên bắn thủng.

Những bằng chứng thực tế từ chiến dịch "Tự do cho Iraq" năm 2003 cho thấy xe tăng M1A1 Abrams có những vị trí xung yếu sau: phần đuôi và sườn thân xe dễ bị bắn thủng bởi đạn của súng chống tăng vác vai sản xuất từ những năm 60, đạn xuyên giáp của pháo 30 mm trên xe BMP-2 ở cự ly 2.000 m dễ dàng xuyên qua đuôi xe, còn loại đạn 30 mm thông thường phải bắn ở cự ly gần hơn. Theo thống kê có tới 55% số xe M1A1 bị bắn hỏng, hủy bởi đạn PG-7V trúng vào sườn tháp pháo, sườn thân xe phía trên bánh tỳ và 70% bị bắn vào nóc tháp pháo.

Tháp pháo xe tăng M1A1 bị đạn xuyên giáp dưới cỡ và tên lửa Maverick bắn thủng

Theo nguồn tin chính thức từ căn cứ tác chiến của Sư đoàn cơ giới số 3 Quân đội Mỹ tiết lộ: các tấm giáp trên nóc, sườn và đuôi thân xe có nhiều vết đạn; nhiều lỗ đạn 30 mm xuyên qua đuôi thân xe; các tấm giáp chắn hệ thống vận hành bên trái và bên phải thân xe bị đạn súng RPG xuyên qua; động cơ có độ tin cậy thấp dễ gây hỏa hoạn; xe dễ cháy khi bị lựu đạn cháy ném vào trong hoặc bị nổ khi khoang chứa đạn pháo bị trúng đạn xuyên giáp dưới cỡ; tấm giáp trán tháp pháo có độ dày lớn đã bị tên lửa Marevick (của Không quân Mỹ) bắn thủng… và không tìm thấy dấu hiệu nào chứng tỏ tên lửa chống tăng hiện đại Kornet của Nga có mặt tại Iraq.

Theo tài liệu của Cục tăng thiết giáp Mỹ ( TACOM) và Trung tâm thử nghiệm vũ khí Lục quân Mỹ (CALL), Sư đoàn cơ giới số 3 sau 21 ngày chiến đấu đã bị mất 23 xe M1A1 Abrams và M2/M3 Bradley, trong đó có 15 xe gồm: 9 M1A1 và 6 M2/M3 bị phá hủy bởi súng chống tăng vác vai RPG-7.

Tấm giáp sườn thân xe và buồng động lực xe M1A1 bị trúng đạn súng chống tăng vác vai PRG

Để có thể chiến đấu và chiến thắng "con quái vật khổng lồ" M1A1 các pháo thủ xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, pháo chống tăng, các xạ thủ súng chống tăng vác vai và súng máy cần biết rõ và bình tĩnh ngắm bắn vào các vị trí xung yếu sau:

- Dùng hỏa lực súng máy ngắm bắn vào các đầu kính ngắm, kính quan sát trên nóc tháp pháo để vô hiệu hóa khả năng quan sát từ trong xe.

- Dùng pháo xe tăng và pháo chống tăng bắn vào sườn thân xe phía sau và sườn đuôi tháp pháo để làm cháy thùng chứa nhiên liệu, kích nổ phá hủy ngăn chứa đạn.

- Dùng pháo 30 mm (có đạn xuyên giáp) của xe BMP-2 bắn liên tục vào cổ pháo, vào sườn đuôi thân xe, tháp pháo, vào diện tích hình tam giác giữa tháp pháo và nóc thân xe.

- Dùng súng chống tăng vác vai (RPG) bắn vào sườn phần đuôi thân xe và đuôi xe để phá hoại các cụm máy của thiết bị động lực và truyền lực, làm mất khả năng cơ động của xe.

Bắn vào các vị trí xung yếu của xe tăng M1A1

Những vị trí xung yếu chính diện của xe tăng M1A1

Những vị trí xung yếu chính diện của xe tăng M1A1

Ở cự ly đến 2.000m có thể dùng đạn pháo xuyên giáp Kernher bắn vào xe ở góc từ 380 - 900, còn với đạn pháo xuyên giáp thông thường thì phải bắn ở cự ly gần (khoảng 500 m).

Sườn phần đuôi thân xe M1A1 có tấm thép chắn chỉ dày 70 mm, còn tấm thép đuôi xe chỉ dày 30 mm. Vì vậy có thể bắn thủng tấm chắn này bằng pháo 2A42 của xe BMP-2 và pháo 2A72 của xe BMP-3.

Nên sử dụng đạn súng chống tăng kiểu mới PG-7VLPG-7VR (có khả năng xuyên giáp dày 500 - 750 mm) để bắn vào bất kỳ vị trí nào ở phần sườn thân xe và các cụm dễ bị tổn thương ở mặt chính diện xe.

Tấm chắn bằng thép dày 70mm bên sườn thân xe M1A1 và súng chống tăng RPG-7 với đạn PG-7VR

Từ những kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc chiến tranh và xung đột gần đây, một số biện pháp chống xe tăng Abrams được đề xuất như sau

1. Thiết lập các tổ, đội săn diệt tăng chuyên nghiệp và trong đó phải có súng máy với xạ thủ bắn giỏi đi kèm để tiêu diệt các tốp bộ binh yểm trợ xe tăng.

2. Chọn vị trí mai phục chống tăng trên địa hình mà xe tăng đối phương không thể đi tới, đồng thời phải dễ di chuyển sau khi bắn.

3. Khi chiến đấu trong thành phố, cần triển khai một số tổ săn diệt tăng bố trí ở tầng hầm hoặc ở tầng 1 đến tầng 2 của các toà nhà.

4. Để chắc chắn phá hủy được xe tăng M1A1, từ các hướng khác nhau cần đồng thời bắn 5 - 6 phát đạn của súng chống tăng vào một xe./.

Siêu tăng Abrams bị hạ gục bởi RPG-29

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại