Defense News đưa tin, Saudi Arabia đã từ chối đề nghị của Hải quân Mỹ, đó là đóng 4 khinh hạm dựa theo thiết kế mẫu tàu tác chiến cận bờ (LCS) do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo.
Tuy nhiên, các nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết, đây chỉ là một diễn biến mới trong quá trình đàm phán vẫn đang tiếp diễn giữa 2 phía, liên quan tới giá cả và thời gian thi công, không phải là từ chối hoàn toàn thỏa thuận này.
Đó là những phản hồi của Saudi Arabia về bức thư đề nghị của Mỹ hôm 22/11, trong đó có đề cập nhiều chi tiết cụ thể hơn về thỏa thuận mà Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hôm 20/10.
Những con tàu trong kế hoạch được gọi là tàu tác chiến mặt nước đa nhiệm (MMSC), dựa trên thiết kế của tàu LCS nhưng trang bị tên lửa đất-đối-không và hệ thống tác chiến mạnh hơn.
MMSC là hạng mục lớn nhất trong Chương trình mở rộng hải quân II của Saudi Arabia (SNEP 2) nhằm thay thế và hiện đại hóa hạm đội của nước này đang hoạt động tại Vịnh Ba Tư.
Theo SNEP 2, Saudi có kế hoạch đóng 4 tàu chiến mặt nước cỡ lớn (MMSC) cùng với 6 tàu nhỏ hơn – cỡ tàu hộ tống, tất cả các tàu này đều trang bị trực thăng Sikorsky MH-60R của Lockheed Martin.
Thỏa thuận cung cấp trực thăng trị giá 1,9 tỷ USD giữa 2 phía được thông báo vào tháng Năm năm ngoái.
Trực thăng MH-60R Sea Hawk
Ngoài ra, chương trình này còn bao gồm kế hoạch trang bị một số tàu/xuồng cỡ nhỏ khác, cùng máy bay chiến đấu.
Mỹ và Saudi đã tiến hành các cuộc đàm phán về hạng mục MMSC, trong đó có vũ khí, hậu cần, huấn luyện và nhiều dịch vụ khác. Các nguồn tin cho biết, vào cuối tuần trước, Saudi đã từ chối đề nghị mới nhất của Mỹ.
Theo đó, Saudi không đồng ý với mức giá mà Mỹ đưa ra, được cho là từ trên 3 tỷ USD – dưới 4 tỷ USD.
Ngoài ra, nước này không hài lòng với bản kế hoạch tiến độ thi công các khâu: hoàn tất thiết kế chi tiết của tàu, tích hợp các hệ thống, đóng tàu, chuyển giao, lắp đặt các thiết bị cơ sở hạ tầng nâng cấp cho tàu.
Một nguồn tin cho biết, chiếc tàu đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao trong vòng 7 năm và Saudi cho rằng như vậy quá lâu.
Các nguồn tin cho biết Mỹ sẽ nối lại đàm phán sau khi xem xét đề nghị sửa đổi của Saudi.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quyết định giảm năng suất đóng tàu LCS, điều này có thể có lợi cho Saudi Arabia.
Theo các nguồn tin, Saudi đã không có phản ứng nào trước những điều chỉnh mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra hôm 14/12 năm ngoái đối với chương trình LCS của Hải quân Mỹ.
Trong đó, kế hoạch mua sắm của Hải quân Mỹ (gồm LCS và biến thể khinh hạm của nó) giảm xuống còn 40, thay vì 52 tàu, chỉ lựa chọn một thiết kế khinh hạm duy nhất và giảm năng suất thi công từ mức trung bình 3 tàu/năm, xuống mức 1-1-1-1-2 trong vòng 5 năm tới.
Vấn đề này dự kiến sẽ được Hải quân Mỹ trình lên Quốc hội vào tháng Hai năm nay, trong bản kiến nghị về ngân sách năm tài khóa 2017.
Các nguồn tin cho rằng, nếu kế hoạch giảm năng suất đóng tàu LCS của Mỹ được thông qua thì điều này sẽ có lợi cho Saudi, bởi Lockheed sẽ dễ dàng bố trí thời gian dành cho kế hoạch đóng tàu của nước này.
Saudi dự kiến sẽ chi tới 16 tỷ USD cho chương trình SNEP 2. Tuy nhiên, do nguồn thu từ dầu đang giảm và cuộc xung đột tại Yemen trở nên dai dăng hơn, hiện không rõ chính phủ Saudi có thể duy trì cam kết của mình đối với chương trình hiện đại hóa hải quân hay không.
Saudi Arabia là một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Trong chuyến thăm tới Saudi Arabia tháng 11/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi Saudi Arabia là đồng minh “rất quan trọng” của Mỹ.
Song, gần đây trong quan hệ hai nước đã dần có những biểu hiện không tốt. Trong khi đó, Saudi Arabia và Nga hiện ngày càng quan tâm tới vấn đề cải thiện quan hệ song phương.