Theo tác giả bài viết, khái niệm tàu sân bay "không thể đánh chìm" sẽ sớm trở thành dĩ vãng vì một lý do hết sức đơn giản: Các máy bay mà nó mang theo sẽ bị vô hiệu hóa.
Trong một thời gian dài, tàu sân bay được coi là hệ thống vũ khí uy lực nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới, chỉ đầu đạn hạt nhân mới có thể phá hủy được, tất nhiên là nếu nó may mắn xuyên qua được hàng rào phòng thủ tên lửa vô cùng vững chắc trên tàu.
Song giờ đây, điều này không còn đúng nữa.
Người ta không còn phải lo ngại về hệ thống phòng không hay phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa và ngư lôi nhằm vào tàu sân bay.
Tất cả những gì cần làm là cắt đứt hệ thống liên lạc trên khoang các máy bay với tàu mẹ và gây nhiễu hệ thống nhận diện điện tử "bạn - thù" của chúng.
Theo tác giả, Nga giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tác chiến điện tử và trong triển lãm hàng không MAKS-2015 sắp tới, Moscow sẽ giới thiệu các hệ thống gây nhiễu điện tử mới nhất do nước này sản xuất.
Ngành công nghiệp tác chiến điện tử của Nga đã ghi dấu ấn vào năm 1997, tại triển lãm hàng không MAKS, khi một công ty nghiên cứu và phát triển (R&D) nhỏ giới thiệu thiết bị gây nhiễu điện tử có thể vô hiệu hóa hiệu quả các tín hiệu định vị vệ tinh GPS,
Vì quá ấn tượng, người Mỹ đã đặt mua một số thiết bị này. Trong quá trình thử nghiệm tại Mỹ, họ vô cùng kinh ngạc khi thấy những tên lửa hành trình chính xác cao của mình rối loạn đường bay khi lọt vào tầm ảnh hưởng của thiết bị này.
Từ thời điểm đó đến nay, công nghệ tác chiến điện tử của Nga đã trải qua một chặng đường dài phát triển và giờ đây đã cho ra đời những hệ thống mang lại hiệu quả còn cao hơn nhiều so với những mẫu thiết bị đơn giản từng gây không ít kinh ngạc khoảng 20 năm về trước.
Trong chiến tranh Iraq, tên lửa Tomahawk của Mỹ đã không thể bắn trúng mục tiêu vì thiết bị gây nhiễu của Nga
Từ đầu năm 2003, khi liên minh do Mỹ đứng đầu tấn công Iraq, không một tên lửa hành trình Tomahawk nào của lực lượng này có thể bắn trúng mục tiêu, dẫn tới tổn thất hàng chục tên lửa hành trình chỉ trong 5 ngày.
Sau đó, Mỹ mới phát hiện nguyên nhân là do Iraq sử dụng các thiết bị gây nhiễu của Nga.
Sau khi Washington xác định được vị trí các thiết bị gây nhiễu này và phá hủy chúng bằng một loạt đợt ném bom rải thảm, các tên lửa thông minh của họ mới có thể khôi phục khả năng tấn công.
Tác giả bài viết cho biết, ngày nay, công nghệ này còn có thể được áp dụng để vô hiệu hoá hoạt động của tàu sân bay và đội máy bay trên tàu.
Theo đó. điểm yếu nhất của máy bay trên tàu sân bay là lúc chúng quay về tàu sau khi hoàn tất nhiệm vụ. Thiết bị gây nhiễu điện tử của Nga có thể lợi dụng thời điểm đó để tắt hệ thống nhận diện "bạn - thù" của đối phương.
Khi đó, máy tính trên tàu sẽ nhận diện những máy bay này là UFO và kích hoạt hệ thống phòng không của các khinh hạm hộ tống để bắn hạ chúng.
Đến khi các chỉ huy nhận ra vấn đề và ra lệnh ngừng bắn thì hầu hết các máy bay di chuyển về phía tàu đã bị tiêu diệt, khiến nhóm tác chiến tàu sân bay không thể hoạt động theo đúng mục đích được thiết lập. Chúng đã mất đi sức mạnh của chính mình là các máy bay.