Bất ngờ với sức mạnh răn đe hạt nhân của Ấn Độ

Là quốc gia đi sau trong việc sở hữu ICBM nhưng tên lửa của Ấn Độ lại có sức mạnh và sự tinh vi gấp nhiều lần các nước.

Trong câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa cùng khả năng răn đe hạt nhân, Ấn Độ được xem là kẻ “đến sau” so với các quốc gia khác, đặc biệt là so với người láng giềng Trung Quốc.

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Ấn Độ mãi đến năm 1980 mới được khởi xướng, muộn đến hơn 20 năm so với Trung Quốc.

Loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn đầu tiên của Ấn Độ được phóng thử nghiệm thành công vào năm 1989. Trong khi đó, cùng thời gian trên ở phía bên kia biên giới Trung Quốc đã có loại tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 tầm bắn lý thuyết tới 15.000 km.

ICBM Agni-V bên trong nhà máy sản xuất Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO.

Xét về xuất phát điểm có vẻ như Ấn Độ sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp Bắc Kinh về công nghệ tên lửa. Tuy nhiên, người Trung Quốc có câu châm ngôn “hậu sinh khả úy”, tuy sinh đến sau nhưng Ấn Độ lại có những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ tên lửa.

Ấn Độ chính thức gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu ICBM vào ngày 19/4/2012 khi họ phóng thành công tên lửa Agni-V đạt tầm bắn 5.000 km. Theo quy định của quốc tế, các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 5.000 km trở lên thuộc loại tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.

Agni-V là một sản phẩm đầy tâm huyết và tham vọng của Ấn Độ nói chung và Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO nói riêng. Agni-V là một tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, tên lửa được phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-IV.

Agni-V rời bệ phóng trong lần phóng thử nghiệm đầu tiên vào ngày 19/4/2012, về xuất phát điểm Ấn Độ kém Trung Quốc đến hơn 20 năm.

Động cơ giai đoạn 1 của tên lửa được sử  dụng từ tên lửa Agni-IV, động cơ giai đoạn 2 và giai đoạn 3 được phát triển mới hoàn toàn. Thân tên lửa được làm bằng vật liệu composite công nghệ cao.

Động cơ giai đoạn 1 sẽ đẩy tên lửa lên độ cao khoảng 40 km, động cơ giai đoạn 2 sẽ đưa tên lửa đạt đến độ cao 150 km, động cơ giai đoạn 3 sẽ đưa tên lửa lên độ cao 300 km cuối cùng tên lửa sẽ đạt độ cao tối đa là 800 km và bắt đầu tái nhập bầu khí quyển và tấn công mục tiêu.

Tên lửa có chiều dài 17,5 mét, đường kính 2 mét, trọng lượng phóng 50 tấn, tầm bắn thiết kế từ 5.500-8.000 km. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có trọng lượng 1.500 kg.

Ngoài ra, Agni-V cũng có khả năng trang bị nhiều đầu đạn  nhắm mục tiêu độc lập theo công nghệ MIRV.

Agni-V được phóng từ ray phóng đặt trên khung gầm xe tải hạng nặng, khi hoàn thành tên lửa sẽ được phóng từ ống phóng kiêm container bảo quản tương tự như ICBM Topol-M của Nga.

Ống phóng được làm bằng thép đặc biệt có thể chịu được tải trọng lên đến 300-400 tấn lực đẩy khi tên lửa rời khỏi ống phóng.

Tuy là kẻ sinh sau đẻ muộn nhưng Ấn Độ lại đạt được những thành tựu vượt bậc mà còn lâu Trung Quốc mới có thể đạt được.

Điểm chết người của ICBM Agni-V là nó được trang bị công nghệ dẫn hướng rất tinh vi. Agni-V được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, hệ thống dẫn hướng con quay laser hồi chuyển cùng hệ thống máy tính điều khiển kỹ thuật số, giai đoạn cuối có thể tùy chọn thêm hệ thống dẫn hướng so sánh hình ảnh tương phản.

Trên thế giới hiện nay ngoài Agni-V chỉ có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident-I/II của Mỹ được trang bị hệ thống dẫn hướng con quay laser hồi chuyển.

Nhờ hệ thống dẫn hướng tinh vi nên tên lửa có độ chính xác rất cao. Bán kính lệch mục tiêu CEP (sai số vòng tròn xác suất) của Agni-V chỉ khoảng 150 mét, một con số cực kỳ ấn tượng ngay cả với những cường quốc ICBM như Mỹ, Nga.

Một điểm độc đáo khác là Ấn Độ tự đầu tư nghiên cứu những công nghệ riêng của mình để tạo nên “bản sắc riêng” chứ không sao chép của nước ngoài để rút ngắn giai đoạn. Điều đó lý giải phần nào cho sự chính xác của các tên lửa đạn đạo Ấn Độ, khả năng tấn công chính xác tạo nhiều lợi thế về mặt chiến lược.

Dự kiến ICBM Agni-V sẽ được đưa vào trang bị trong lực lượng tên lửa chiến lược Ấn Độ từ năm 2014. Ngoài ra biến thể nâng cấp Agni-VI có tầm bắn tới 10.000 km cũng đang được xúc tiến phát triển. Dù đi sau nhưng những gì mà Ấn Độ đạt được trong công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến cộng đồng quốc tế phải bất ngờ và trầm trồ khen ngợi những thành quả mà họ đạt được.

Phía bên kia bên giới các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, Ấn Độ đã cố tình tuyên bố giảm tầm bắn của tên lửa xuống 5.000 km để trấn an các nước trong khu vực, tầm bắn thực tế của Agni-V phải đạt trên 8.000 km.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại