Sputnik đưa tin, trong bối cảnh quân đội Mỹ và NATO đang “khoe cơ bắp” ở châu Âu, phần lớn các nhà lãnh đạo và chiến lược gia quân sự Mỹ vẫn nơm nớp lo ngại kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Nga.
Trong đó, các tàu khu trục lớp Lider dường như đang khiến Lầu Năm Góc “run rẩy”.
Mỹ đã bắt đầu các cuộc tập trận chung trên không cùng các đồng minh với quy mô lớn nhất tại châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo Sputnik, cuộc tập trận này có vẻ là nhằm thúc đẩy sự tự tin của Washington vào ưu thế quân sự của mình.
Tuy nhiên, các tàu khu trục lớp Lider (Leader) rõ ràng đang khiến các chuyên gia quân sự Mỹ lo sợ, dẫn tới một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề Nga có đủ khả năng hồi sinh ngành công nghiệp quân sự sau khi Liên Xô sụp đổ hay không.
Cuối tháng 6 năm nay, Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Viktor Chirkov tuyên bố Hải quân Nga dự kiến bắt đầu đóng các tàu khu trục mới lớp Lider vào năm 2019.
Những chiếc tàu mới sẽ có lượng giãn nước 17.500 tấn, dài 200m, rộng 20m, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 90 ngày.
Về vũ khí trang bị, tàu khu trục lớp Lider mang theo 60 tên lửa hành trình chống hạm (có thể bao gồm cả tên lửa hành trình đánh đất), 128 tên lửa phòng không (có thể là phiên bản S-500) và 16 tên lửa chống ngầm.
Tất cả các tên lửa này đều được đặt trong các ống phóng thẳng đứng. Ngoài ra, con tàu có thể mang theo 2 trực thăng săn ngầm.
Theo các chuyên gia, Lider sẽ trở thành tàu khu trục hạt nhân đứng thứ 3 thế giới, sau tàu USS Truxtun (DLGN-35) và USS Bainbridge (DLGN-25) của Mỹ.
Song, các nhà thiết kế cho rằng, tàu chiến của Nga sẽ vượt trội hơn các tàu cùng loại của Mỹ.
Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà báo Ben Hernandez cho biết, tàu khu trục lớp Lider mang 2 đặc trưng của tuần dương hạm lớp Kirov thời Liên Xô. Đó là vận hành bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng mang vũ khí lớn.
“Tàu tuần dương 28.000 tấn lớp Kirov có lượng giãn nước gấp 3 lần và khả năng mang vũ khí gấp gần 2 lần các tàu cùng loại của Mỹ, những chiếc tuần dương hạm AEGIS” – nhà báo Hernandez viết.
Cũng theo ông Hernandez, tàu khu trục lớp Lider sẽ dễ dàng đánh bại các tàu chiến lớn nhất của Mỹ hoặc Trung Quốc.
Năng lượng hạt nhân sẽ cho phép chúng thực hiện nhiệm vụ trên khắp thế giới, chỉ bị giới hạn bởi lượng lương thực và đạn dược mang theo. Đây là phương tiện triển khai sức mạnh hải quân hiệu quả nhất chỉ sau các tàu sân bay.
Hải quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận 12 chiếc tàu khu trục lớp Lider vào năm 2025.
Viễn cảnh này đang khiến các chiến lược gia quân sự Mỹ bức bối, khi trước đó họ đã nghi ngờ khả năng của Nga trong việc hoàn thành đúng hạn một dự án quân sự “hoành tráng” như vậy.
Đáng chú là hồi tháng 3, theo chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ, dự án tàu Lider của Nga còn mở ra cơ hội hợp tác với Trung Quốc để cùng tạo ra các hệ thống vận hành bằng năng lượng hạt nhân và nhiều vũ khí hải quân.