Báo Mỹ ca ngợi hết lời "khẩu AK-47" nặng 40 tấn của Nga

Đức Anh |

Đơn giản trong chế tạo và vận hành, hỏa lực khá mạnh là những lý do để xe tăng T-54/55 tiếp tục phục vụ trong quân đội nhiều nước trên thế giới.

Tạp chí The National Interest (Mỹ) ví von những chiếc xe tăng T-54/55 (nặng 39,7 tấn) như những khẩu AK-47 có sức mạnh thách thức thời gian.

Trong bài viết đăng ngày 26/9, The National Interest nhận định:

Giống AK-47, xe tăng T-54/55 tham gia chiến trường trên toàn thế giới. Đơn giản trong vận hành và bảo trì, "con thú bọc thép" của Liên Xô qua nhiều thập kỷ vẫn phổ biến ở các quốc gia nhỏ và một số lực lượng phi chính phủ - đây thực sự là một mẫu xe tăng "đại chúng".

Lịch sử phát triển


Nguyên mẫu T-54 trưng bày ở một bảo tàng.

Nguyên mẫu T-54 trưng bày ở một bảo tàng.

Vào cuối Thế chiến II, lực lượng xe tăng Liên Xô bao gồm phần lớn xe tăng hạng trung T-34 cùng một số lượng nhỏ xe tăng hạng nặng IS-2 và IS-3.

Mặc dù T-34 thể hiện xuất sắc trong cuộc chiến chống Phát xít nhưng Liên Xô nhận thấy hệ thống treo và pháo 85 mm đã lỗi thời. Dòng xe tăng IS – lấy theo tên nhà lãnh đạo Iosif (Joseph) Stalin - đã chứng minh hiệu quả tốt hơn so với xe tăng Panzer của Đức.

Song, thật không may, ê kíp vận hành phải nạp những quả đạn pháo 122 mm và liều phóng riêng biệt vào nòng pháo, dẫn đến tốc độ bắn chậm và dự trữ đạn dược kém.

Liên Xô cũng từng sản xuất xe tăng T-44 ít tiếng tăm và không được sử dụng trong chiến đấu. T-44 là nỗ lực để cải thiện T-34, tuy nhiên, kích thước nhỏ khiến nó không phù hợp để lắp pháo 100 hoặc 122 mm.

Mong muốn có một thiết kế vũ khí mới của điện Kremlin đã tạo ra xe tăng hạng trung T-54/55. Cho tới ngày nay, những con quái vật bọc thép vẫn là xe tăng phổ biến nhất thế giới.

Trong gần một thập kỷ trước khi T-54A xuất hiện, Liên Xô đã sản xuất các nguyên mẫu được gọi là T-54-1, 2 và 3 với số lượng khiêm tốn. Các phiên bản thông thường có một bộ phận nhằm triệt tiêu khói thuốc phóng thổi ngược lại khoang lái.

Tham chiến trong Chiến tranh Lạnh

Xe tăng nâng cấp T-55AM được bổ sung thêm giáp hộp 2 bên tháp pháo cùng hệ thống điện tử mới.
Xe tăng nâng cấp T-55AM được bổ sung thêm giáp hộp 2 bên tháp pháo cùng hệ thống điện tử mới.

Xe tăng T-54 tham chiến lần đầu năm 1956 tại thủ đô Budapest của Hungary, khi Liên Xô sử dụng chúng để khống chế quân phiến loạn lật đổ chế độ thân Moscow.

Thật không may, phiến quân đã chiếm một xe tăng T-54 và lái vào đại sứ quán Anh. Nhờ đó, các chuyên gia phương Tây có cơ hội mổ xẻ điểm mạnh và yếu của xe tăng này.

Ở chiến trường Việt Nam, T-54/55 là nòng cốt của lực lượng tăng thiết giáp Bắc Việt. T-54/55 đã góp phần quan trọng trong việc đánh bại lực lượng tăng thiết giáp của Việt Nam Cộng Hòa. Điểm hạn chế của T-54 là tốc độ bắn khá chậm, khoảng 4 viên/phút.

Tuy nhiên, ngay trước khi T-54 tham chiến lần đầu, các nhà thiết kế Liên Xô đã bắt đầu làm việc trên phiên bản cải tiến được gọi là T-55.

Nếu nhìn tổng thể từ bên ngoài, rất khó để phân biệt giữa T-54 và T-55, đầu mối đáng tin cậy để nhận biết là sự vắng mặt của hệ thống quạt thông gió trên tháp pháo của T-55.

Hầu hết cải tiến của phiên bản mới diễn ra bên trong. Hệ thống điều áp PAZ có khả năng bảo vệ ê kíp bên trong khỏi tác nhân sinh, hóa học NBC.

Các kỹ sư tăng số đạn pháo sẵn sàng bắn cho pháo chính lên 9 viên. Bên cạnh đó, người ta còn thay thế súng máy SGM sử dụng trong Thế chiến II bằng súng máy PKT mới.

Đến năm 1961, các kỹ sư tiếp tục nâng cấp T-55A với hệ thống NBC mới và lắp thêm súng máy hạng nặng trên tháp pháo.

Trong quá trình sử dụng, T-54/55 tiếp tục được nâng cấp lên các tiêu chuẩn mới. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia lại có chương trình nâng cấp khác nhau, tạo ra vô số phiên bản.

Các gói nâng cấp điển hình là T-55M và AM của Nga, TR-85M của Rumania, T-55AMB của Cộng Hòa Czech, T-55M3 của Israel. Những gói nâng cấp này được đánh giá có sức mạnh chiến đấu không thua kém các xe tăng hiện đại trên thế giới.

Tiếp tục chiến đấu

Gói nâng cấp TR-85M của Rumania được các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao.
Gói nâng cấp TR-85M của Rumania được các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao.

Tuy đã trải qua hơn 60 năm sử dụng, nhưng T-54 vẫn tiếp tục tham gia vào nhiều cuộc xung đột trên khắp thế giới.

Ngày nay, phần lớn xe tăng T-54/55 tham chiến trong biên chế quân đội hoặc lực lượng phiến quân đào tạo kém dẫn đến hiệu suất chiến đấu không cao.

Trong chiến tranh Iraq, T-54/55 rõ ràng không phải là đối thủ xứng tầm so với M1 Abrams của Mỹ. Tuy vậy, chi phí thấp, đơn giản trong vận hành, số lượng sản xuất lớn, T-54/55 nhiều khả năng sẽ còn phục vụ chiến đấu trong nhiều thập kỷ tới.

Bên cạnh vai trò chính là xe tăng chiến đấu, khung gầm T-54/55 còn được sử dụng để sản xuất xe cứu hộ, phá mìn, pháo phòng không tự hành và xe bọc thép chở quân hạng nặng.

Khả năng thích ứng cao của thiết kế cùng một thị trường ổn định cho việc nâng cấp góp phần kéo dài thời gian sử dụng của dòng xe tăng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại