Đầu thế kỷ 20, các kỹ sư trên thế giới đã nghiên cứu, tìm ra cách để xe tăng có thể vượt qua những địa hình phức tạp và phù hợp với sự cơ động của bộ binh.
Những cải tiến trong giai đoạn này là nền tảng dẫn đến sự ra đời của công nghệ xe tăng hiện đại ngày hôm nay. Nhưng trước đó, họ đã có một số ý tưởng thực sự kỳ quặc về thiết kế xe tăng.
Xe tăng Tsar
Xe tăng được phát triển từ rất sớm trong thời gian đầu Hoàng đế Tsar Nicholas II trị vì nước Nga những năm đầu thế kỷ 20.
Khi đó, các kỹ sư chế tạo máy bắt đầu hình thành ý tưởng chế tạo những cỗ máy chiến đấu hạng nặng được bọc thép như những pháo đài.
Giai đoạn 1914-1915, nhóm kỹ sư Nikolai Lebedenko, Nikolai Zhukovsky, Boris Stechkin và Alexander Mikulin đưa ra bản thiết kế cỗ máy chiến đấu đặc biệt lên Sa Hoàng.
Vị Hoàng đế cuối cùng của Nga tỏ ra thích thú và quyết định chi tiền cho dự án. Dự án vinh dự được mang tên của Hoàng đế, dự án Tsar. Đây là một trong những thiết kế xe tăng đầu tiên trên thế giới.
Nó có hình thù quái dị không có bánh xích, thay vào đó là hai bánh xe lớn có đường kính tới 8,2 m phía trước cùng một bánh xe nhỏ hơn có đường kính 1,5 m phía sau.
Nhìn từ trên cao, xe tăng Tsar trông như một con dơi nên nó được gọi là “Netopyr” (“con dơi” theo phiên âm tiếng Nga).
Ý tưởng của các nhà thiết kế là sử dụng bánh xe lớn giúp cỗ máy chiến đấu hạng nặng có thể vượt qua nhiều địa hình khác nhau.
Người ta trang bị cho Tsar tới 12 súng máy làm mát bằng hơi nước, nhưng tầm bắn về phía trước của súng bị hạn chế do vướng bánh xe quá lớn.
Tsar được trang bị 2 động cơ công suất 250 mã lực, tốc độ tối đa khoảng 17 km/h. Nhóm phát triển tự tin mẫu xe tăng độc đáo của họ sẽ khiến đối phương khiếp sợ.
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm xe tăng này ở ngoại ô Moscow cho thấy đây là một thiết kế “dở hơi”. Khối lượng xe nặng tới 60 tấn trong khi chỉ có 3 bánh truyền động, do kích thước hai bánh trước quá lớn nên trọng lượng xe đè lên bánh phía sau.
Cỗ xe tăng Tsar mắc lầy khi đi qua một vùng đất yếu. Bất chấp những nỗ lực của quân đội Nga, cỗ xe tăng này vẫn bị “sa lầy” và nằm yên tại vị trí mắc kẹt cho đến năm 1923 thì bị bán làm phế liệu.
Xe tăng Boirault
Người Pháp cũng có những ý tưởng riêng của họ về thiết kế xe tăng.
Năm 1914, vài tháng trước khi Anh bắt đầu chế tạo xe tăng “Little Willy” vốn là tiền đề để phát triển các mẫu xe tăng hiện đại, kỹ sư người Pháp Louis Boirault đã trình lên Bộ Chiến tranh nước này một thiết kế xe tăng đặc biệt.
Mẫu thiết kế này được gọi là Boirault, có chiều rộng 3 m, cao 4 m. Điểm quái dị ở mẫu thiết kế này là nó có một bộ khung dài 24 m, rộng 3 m bao quanh xe. Các bánh xe kết nối với bộ khung, khi chuyển động, các bánh đè lên bộ khung làm nó di chuyển theo xe.
Bộ khung đồ sộ bên ngoài cho phép cỗ xe tăng vượt qua các hầm hào, hàng rào thép gai một cách dễ dàng. Nó được trang bị một động cơ công suất 80 mã lực.
Tuy nhiên, khi người ta đưa nó vào vận hành, cỗ xe quái dị chuyển động còn chậm hơn cả rùa bò, với tốc độ của xe khoảng 1,6 km/h.
Quân đội Pháp hủy bỏ dự án vào năm 1915 khi các xe tăng thông thường phát triển mạnh trên khắp chiến trường châu Âu.
Xe tăng bánh khía răng xoắn
Trước khi các bánh xích trở nên nổi tiếng như là cách hiệu quả nhất để vượt qua những địa hình phức tạp, đã có một số phát minh về những cỗ máy sử dụng bánh xe dạng xoắn ốc để có thể vượt qua được các khu vực có băng, tuyết và bùn.
Từ năm 1899, thiết kế bánh xe kiểu ốc vít dùng trong các máy nông nghiệp đã được cấp bằng sáng chế ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.
Những năm Chiến tranh Thế giới thứ hai, kỹ sư Geoffrey Pyke phối hợp với quân đội Mỹ phát triển xe tăng vít để vượt qua các khu vực băng tuyết ở Bắc Âu.
Ý tưởng của nhà thiết kế là sử dụng hai bộ phận truyền động hình trụ với các gờ xoắn ốc như ốc vít. Khi xe chuyển động, bộ phận ốc vít sẽ khoan xuống mặt đất đẩy phương tiện về phía trước. Kiểu thiết kế này có thể di chuyển dễ dàng trên nền đất yếu, tuyết, bùn lầy và lội nước.
Tuy nhiên, xe tăng vít chỉ dừng lại ở mức vẽ thiết kế mà không được sản xuất dù chỉ là mẫu thử nghiệm. Gần đây, các kỹ sư Nga đã hồi sinh ý tưởng về mẫu thiết kế xe tăng vít, song vẫn chưa có thông tin chính thức về dự án.