5 chương trình vũ khí đột phá nhưng thất bại của Liên Xô

Bảo An |

(Soha.vn)-Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), tác giả Robert Farley đã liệt kê 5 chương trình vũ khí đột phá nhưng thất bại vì thiếu thực tế và tốn kém của Liên Xô

Dưới đây là nội dung bài viết trên tạp chí National Interest:

1. Thiết giáp hạm lớp Sovetsky Soyuz

Trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, Liên Xô đã nghiên cứu nhiều lựa chọn khác nhau để tạo ra sức sống mới cho hạm đội tàu chiến già yếu của nước này. Cho đến những năm đầu của thế kỷ 20, Nga hoàng vẫn duy trì một lực lượng hải quân mạnh mẽ và tương đối hiện đại. Nhưng sau cuộc chiến Nga-Nhật, ngành đóng tàu Nga bị tụt hậu so với phương Tây và cuộc Cánh mạng Tháng Mười đã phá hủy ngành công nghiệp đóng tàu Nga.

Vào cuối những năm 1930, nền kinh tế Liên Xô phục hồi đủ để nhà lãnh đạo Stalin khi đó có thể xem xét nghiêm túc chương trình xây dựng lực lượng hải quân. Các tàu chiến lớp Sovetsky Soyuz là một kế hoạch đầy tham vọng. Dựa trên các tàu lớp Littorio của Italia, tàu chiến lớp Sovetsky Soyuzs được thiết kế với lượng giãn nước khoảng 60.000 tấn và di chuyển với tốc độ 28 hải lý/giờ. Thiết kế này khiến chúng cạnh tranh về kích cỡ với những thiết giáp hạm mạnh nhất thế giới lúc đó. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm về chế tạo của Liên Xô khiến các chiến hạm lớp Sovetsky Soyuzs gặp rắc rối trên chiến trường.

Liên Xô đã đóng 4 tàu lớp Sovetsky Soyuzs trong thời gian từ 1938 đến 1940, trong đó 3 tàu Leningrad, Nikolayev và Molotovsk được hoàn thành và chuyển giao cho lực lượng hải quân, một tàu bị hủy bỏ vào năm 1940 do kỹ thuật đóng tàu yếu kém. 3 tàu thuộc lớp này cũng bị ngừng đóng khi xảy ra chiến tranh. Cuối cùng sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, dự án chiến hạm lớp Sovetsky Soyuzs đã ngừng hoàn toàn.

2. Tàu sân bay lớp Orel và Ulyanovsk

Liên Xô bắt đầu nghiên cứu xây dựng tàu sân bay ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, nhưng các kế hoạch này đã bị đổ vỡ do nền kinh tế xáo trộn, ngành công nghiệp lạc hậu và Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau thời kỳ chiến tranh, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin đã tiếp tục tham vọng phát triển tàu sân bay nhưng ở mức độ khiêm tốn hơn. Kết quả, các tàu chở trực thăng lớp Moskva đã được đưa vào sử dụng giữa những năm 1960 và sau đó các tàu lớp Kiev cũng được biên chế vào những năm 1970 và 1980.

Mô hình tàu sân bay lớp Ulyanovsk.

Mô hình tàu sân bay lớp Ulyanovsk.

Bước tiếp theo rất phức tạp. Một thành viên trong đội ngũ lãnh đạo Liên Xô tỏ ra thận trọng, trong khi các thành viên khác muốn phát triển một siêu tàu sân bay. Sau đó, Hải quân Liên Xô từng bước nâng cấp tàu trực thăng lớp Kiev trở thành tàu sân bay lớp Kuznetsov.

Hải quân Liên Xô mong muốn tàu sân bay lớp Ulyanovsk sẽ nối tiếp thành công của tàu sân bay lớp Kuznetsov. Với lượng giãn nước hơn 80.000 tấn và một lò phản ứng hạt nhân, tàu sân bay lớp Ulyanovsk là ứng viên thực sự đầu tiên của Liên Xô cạnh tranh với các siêu tàu sân bay của Mỹ. Mặc dù vậy, các tàu sân bay lớp Ulyanovsk vẫn sử dụng công nghệ nhảy cầu và hạn chế về khả năng phóng máy bay chiến đấu mang nhiều vũ khí và máy bay cảnh báo sớm. Điều này khiến các tàu sân bay của Liên Xô thua kém các đối thủ của Mỹ.

Với tàu sân bay lớp Ulyanovsk, Hải quân Liên Xô lần đầu tiên sở hữu tàu sân bay có khả năng tấn công tầm xa trên toàn cầu. Nhưng với quá nhiều hệ thống vũ khí, Liên Xô đã gặp phải nhiều vấn đề. Chiến tranh lạnh kết thúc và sự sụp đổ của Liên Xô khiến số phận của tàu sân bay lớp Ulyanovsk trở nên nguy hiểm. Chiếc tàu sân bay lớp Ulyanovsk duy nhất sau đó đã bị phá bỏ.

3. Máy bay ném bom hạng nặng (giai đoạn giữa 2 cuộc thế chiến)

Mặc dù Không quân Liên Xô chưa bao giờ được đánh giá cao về ném bom chiến lược trong thời kỳ Chiến tranh thế giới hai, nhưng trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, Liên Xô đã thử nghiệm các máy bay ném bom hạng nặng tầm xa và 4 động cơ. Trong thời kỳ này, Liên Xô biên chế nhiều máy bay ném bom hạng nặng hơn bất kỳ quốc gia nào khác và phần lớn trong số này là máy bay ném bom TB-3.

Khi cuộc Chiến tranh tranh thế giới thứ hai nổ ra, Liên Xô đã sử dụng Pe-8, một loại máy bay ném bom có thể sánh được với Avro Lancaster và Boeing B-17 của Mỹ. Tuy nhiên, Pe-8 không bao giờ đạt được thành công như hai máy bay của Mỹ bởi các vấn đề liên quan tới cấu trúc và hậu cần. Trong quá trình phát triển, Không quân Liên Xô đã thử nghiệm một số dự án quy mô cực lớn, bao gồm máy bay ném bom hạng nặng K-7, nhưng nó đã rơi trong chuyến bay thử nghiệm thứ 8, khiến 14 người trên máy bay thiệt mạng.

Máy bay ném bom ANT-26.

Máy bay ném bom ANT-26.

Dự án phát triển máy bay ném bom hạng nặng hứa hẹn nhất của Liên Xô là gia đình TB-3/ANT-20/TB-6, với mỗi máy bay được trang bị tới 6 động cơ hoặc nhiều hơn. Các mẫu máy bay này hy sinh tốc độ và khả năng linh hoạt để đối lấy khả năng trang bị vũ khí hạng nặng. Điều này dựa trên học thuyết rằng các máy bay ném bom bay theo đội hình có thể tự bảo vệ khỏi các máy bay đang truy đuổi chúng.

Máy bay vận tải ANT-20 có 8 động cơ và có thể chở theo 72 hành khách, ít nhất cho tới trước khi mẫu máy bay này lao xuống một khu vực ở Moscow, khiến 45 người thiệt mạng. Trong khi đó, ANT-26, một máy bay ném bom dựa trên ANT-20, được thiết kế có 12 động cơ và khoang chứa bom với trọng lượng 14.968 kg, lớn hơn so với B-29 của Mỹ.

Nếu Liên Xô quyết định phát triển theo hướng này, việc phát triển máy bay chiến thuật của Liên Xô sẽ bị tụt hậu nghiêm trọng cũng như làm suy giảm nguồn lực của lực lượng mặt đất của quân đội nước này. Không giống như các đồng minh phương Tây, Liên Xô không có nhiều nguồn lực dồi dào để đầu tư cho chiến dịch ném bom chiến lược tốn kém và quy mô rộng, trong khi họ cần đánh bại phát xít Đức trên chiến trường. Nếu Liên Xô sử dụng chiến dich ném bom chiến lược, nước này có thể không ngăn được quân phát xít Đức.

4. Tăng siêu nặng Tu-42

Các thiết kế xe tăng của Đức và Liên Xô vào những năm 1930 có nhiều điểm giống nhau vì hai nước có chung kinh nghiệm tại Trường xe tăng Kazan. Hai nước đã bắt đầu hợp tác thành công về vũ khí máy bay, phương tiện bọc thép và vũ khí hóa học vào cuối những năm 1920. Nhưng vào thời gian phát xít nổi lên tại Đức, các hợp tác đã chấm dứt và hai nước bắt đầu phát triển công nghệ mới cho xe tăng.

Trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, một số quốc gia đã đầu tư phát triển xe tăng siêu nặng, với mỗi chiếc nặng gấp 3 hay 4 lần so với xe tăng chiến đấu tiêu chuẩn. Nhà thiết kế người Đức Edward Grotte đã nghiên cứu thiết kế xe tăng siêu nặng cho cả Đức và Liên Xô. Mẫu thiết kế thú vị nhất được giới thiệu cho Liên Xô là T-42, mẫu xe tăng nặng 100 tấn với 3 tháp, vận tốc 27 km/giờ và có thể chở theo 14-15 người.

T-42 chưa bao được đưa vào giai đoạn sản xuất mẫu, nhưng nó đã được quân đội Liên Xô xem xét một cách nghiêm túc. Liên Xô cũng theo đuổi một số dự án thực tế hơn bao gồm T-35, T-100, SMK, KV-4 và KV-5, nhưng chỉ T-35, một mẫu xe tăng 45 tấn với 5 tháp được sản xuất. Gần tất cả trong 61 phương tiện được sản xuất bị tổn thất trong giai đoạn đầu của chiến dịch Barbarossa, chủ yếu do lỗi máy móc và binh sĩ bỏ xe tăng.

Giống như phần lớn dòng tăng siêu nặng, Tu-42 quá nặng, quá đắt đỏ và quá chậm để đưa vào sản xuất thực tế. Mặc dù quân đội Liên Xô đã quyết định thu nhận “quái vật” T-42, nhưng nó đã thể hiện khả năng yếu kém trong các cuộc chiến với Nhật Bản, Phần Lan và Đức. Điều này đã làm ảnh hưởng tới học thuyết bọc thép của Liên Xô.

5. Máy bay ném bom Sukhoi T-4

Sau thời kỳ chiến tranh, nhiều máy bay ném bom của Liên Xô được thiết kế tượng tự như các máy bay của Mỹ. Máy bay ném bom T-4 là phiên bản sao chép trực tiếp từ oanh tạc cơ B-29 của Mỹ do Liên Xô bắt được. T-4 được phát triển nhằm đáp lại B-70 Valkyrie của Mỹ.

Được thiết kế với tốc độ Mach 3 và trần bay 21km, T-4 giống B-70 cả về hình dạng và tính năng nhưng do tổ chức của không quân Liên Xô khác với Mỹ, T-4 cũng được xem xét thực hiện các sứ mệnh chiến thuật như do thám và phóng tên lửa chống hạm. Thực tế, ý tưởng một chiếc T-4 mang theo tên lửa Kh-22 rất đáng sợ.

Máy bay ném bom T-4 tại bảo tàng không quân Monino

Máy bay ném bom T-4 tại bảo tàng không quân Monino

Mặc dù vậy, các yêu cầu về công nghệ là rào cản quá lớn để Liên Xô chuyển sang giai đoạn sản xuất. Máy bay yêu cầu tốc độ và độ cao như vậy có thể vượt quá khả năng của ngành công nghiệp hàng không Liên Xô tại thời điểm đó. Thêm nữa, T-4 cũng gặp nhiều vấn đề tương tự như B-70. Sau đó, T-4 trở thành nền tảng để Liên Xô phát triển máy bay ném bom Tu-160 với 35 chiếc được sản xuất.

Nếu Liên Xô theo đuổi T-4, nước này sẽ phải tiêu tốn nguồn lực lớn của phi đội máy bay chiến thuật. Mặc dù vậy, Liên Xô sẽ có một máy bay ném bom siêu thanh, trần bay cao, được thiết kế để phóng tên lửa chống hạm. T-4sẽ gây ra khó khăn cho khả năng phòng thủ của các đội tàu sân bay Mỹ nhiều hơn so với máy bay ném bom tầm ngắn và nhỏ hơn Tu-22M. Việc sản xuất T-4 cũng có thể làm thay đổi chương trình trang bị vũ khí của Mỹ, với ưu tiên phát triển máy bay ném bom B-1A cho lực lượng đánh chặn chiến lược. Mặc dù chi phí bảo dưỡng rất tốn kém nhưng ít nhất một số máy bay T-4 đã sống sót qua thời Liên Xô sụp đổ và phục vụ trong Không quân Nga.

*Tác giả Robert Farley là một phó giáo sư tại Đại học Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ), với nhiều nghiên cứu về các học thuyết quân sự, các vấn đề an ninh quốc gia và hàng hải.

Máy bay ném bom T-4 của Liên Xô

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại