4 vũ khí "khủng" một thời Mỹ cần sớm tống ra bãi rác

Nhật Minh |

Nhà báo quốc phòng Dave Majumdar đã liệt kê 4 loại vũ khí mà Mỹ cần sớm loại bỏ, do chúng không còn cần thiết hoặc đòi hỏi kinh phí duy trì tốn kém.

Dưới đây là nội dung bài viết của Dave Majumdar được đăng tải trên tạp chí National Interest (Mỹ):

Bên cạnh một số vũ khí “hiện đại nhất Trái Đất” mà Mỹ lấy làm kiêu hãnh thì trong kho vũ khí của cường quốc này, vẫn còn nhiều hệ thống đã đi qua “thời kỳ hoàng kim” của chúng.

Một số loại vũ khí cũ vẫn tỏ ra rất hữu dụng, như máy bay ném bom kỳ cựu B-52 và cường kích A-10 Warthog. Chúng đã rất nhiều lần tiếp tục chứng minh được giá trị của mình.

Tuy nhiên, có những hệ thống vũ khí khác không còn được như kỳ vọng.

Chúng có thể rất có giá trị trong quá khứ nhưng giờ đây đã không còn cần thiết hoặc đòi hỏi kinh phí duy trì tốn kém trong bối cảnh ngân sách eo hẹp.

Sau đây là 4 hệ thống vũ khí mà Mỹ nên loại bỏ:

1. Tên lửa liên lục địa LGM-30G Minuteman III

Được đưa vào phục vụ từ những năm 1960, các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) LGM-30G Minuteman đã tạo thành thành phần mặt đất trong lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Minuteman III là phiên bản cuối cùng của dòng tên lửa Minuteman vẫn còn hoạt động. Đây cũng là ICBM trên bộ duy nhất hiện có trong biên chế quân đội Mỹ.

Mẫu tên lửa LGM-118 Peacekeeper ra đời muộn hơn và có nhiều khả năng hơn nhưng đã bị loại biên từ lâu.

Thậm chí sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Minuteman III vẫn được duy trì để đề phòng Thế chiến III.

Mặc dù đã được nâng cấp nhiều lần nhưng các ICBM này đã “già cỗi” và đòi hỏi chi phí duy trì ngày càng tốn kém.

Bên cạnh đó, Không quân Mỹ, lực lượng được giao trọng trách duy trì chúng, cũng không làm tốt trách nhiệm của mình.

Nhiều sĩ quan đã bị phát hiện gian lận trong các kỳ kiểm tra trình độ và lạm dụng cấp dưới.

Tên lửa đạn đạo Minuteman III rời bệ phóng. Ảnh: Airforce Technology

Tên lửa đạn đạo Minuteman III rời bệ phóng. Ảnh: Airforce Technology

Trong tương lai, các ICBM Minuteman III cần được thay thế, chi phí của việc này có thể lên tới hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, Mỹ có thực sự cần bộ ba hạt nhân? Nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân rất nhỏ, liệu có đáng để Mỹ tiêu tốn hàng tỷ USD duy trì lực lượng ICBM trên bộ?

Đây là câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách cần trả lời trước khi rót khoản tiền thuế khổng lồ của người dân vào hệ thống vũ khí này.

Phần lớn các ý kiến cho rằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Hải quân Mỹ có khả năng sống sót cao hơn.

Một số tin rằng tập trung cho năng lực răn đe trên biển sẽ có lợi hơn đối với người dân Mỹ và số tiền nộp thuế của họ.

2. Boeing F/A-18A/B/C/D Hornet

Boeing F/A-18 Hornet vốn là mẫu máy bay chiến đấu tuyệt vời để thay thế các máy bay LTV A-7 Corsair II và McDonnell Douglas F-4 Phantom II của Hải quân Mỹ.

Nó cũng là sự bổ sung hoàn hảo cho các máy bay Grumman F-14 Tomcat.

Mặc dù hiện nay, Hornet vẫn là mẫu máy bay tốt đang tiếp tục phục vụ trong Hải quân Mỹ nhưng không thể phủ nhận thực tế là chúng đã già cỗi.

Hải quân Mỹ đã phải liên tục kéo dài tuổi thọ cho các máy bay Hornet, từ 6.000 giờ bay ban đầu lên tới 10.000 giờ bay trong một số trường hợp.

Hai chiếc F/A-18E Super Hornet bay tuần tra trên bầu trời Afghanistan năm 2008.

Hai chiếc F/A-18E Super Hornet bay tuần tra trên bầu trời Afghanistan năm 2008. Dave Majumdar cho rằng Hải quân Mỹ nên đầu tư mua thêm các máy bay này, thay vì giữ lại những chiếc Hornet đời cũ. Ảnh: Wiki

Việc kéo dài tuổi thọ cho các máy bay Hornet rất tốn kém và khó khăn, khó hơn rất nhiều so với Hải quân Mỹ và Tập đoàn Boeing có thể tưởng tượng.

Thêm vào đó, Mỹ lại đang thiếu những nhân viên kỹ thuật có thể đảm nhận công việc này, dẫn đến tình trạng tồn đọng một lượng lớn các máy bay Hornet cần sửa chữa.

Ngoài ra, những máy bay được tăng cường tuổi thọ này ngày càng khó duy trì và tốn kém. Nhiều ý kiến cho rằng chúng không đáng để quân đội Mỹ lãng phí thời gian và tiền bạc như vậy.

Thay vào đó, Hải quân và hơn hết là Quốc hội Mỹ nên cân nhắc đầu tư mua thêm các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet.

Chúng có kích cỡ lớn hơn và có nhiều khả năng hơn, phù hợp để thay thế phi đội Hornet cũ.

3. Tên lửa không đối không Raytheon AIM-120

Raytheon AIM-120 từng là loại tên lửa không đối không tiên tiến nhất khi nó được giới thiệu vào đầu những năm 1990 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

So với “người tiền nhiệm” AIM-7 Sparrow, AIM-120 đã được cải tiến đáng kể. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, các đối thủ của Mỹ đã học được cách đánh bại các tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM).

Tên lửa AIM-120

Tên lửa AIM-120. Ảnh: Raytheon

Thách thức lớn nhất với AIM-120 hiện nay là công nghệ gây nhiễu mới, gọi là công nghệ ghi nhớ tín hiệu vô tuyến kỹ thuật số (DRFM), trang bị trên các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga như Sukhoi Su-35S.

Các phi công Mỹ cho rằng họ có thể phải sử dụng nhiều tên lửa để tiêu diệt 1 mục tiêu.

Một phi công Mỹ nói với tạp chí National Interest.

"Đôi khi, 6 tên lửa AIM-120 trên tiêm kích F-22 vẫn là không đủ. Tỷ lệ tiêu diệt của những tên lửa này khá thấp khi phải đối phó với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 trang bị công nghệ DRFM".

Các tên lửa AIM-120 AMRAAM cần được thay thế sớm. Mỹ có lợi thế khi sở hữu những máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới, tuy nhiên, sẽ là vấn đề lớn nếu vũ khí của chúng không thể bắn trúng mục tiêu.

4. Súng trường M-16

Lục quân Mỹ thừa biết rằng M-16 là kém hiệu quả từ thời Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục giữ M-16 và các biến thể của nó trong biên chế.

Nhược điểm cố hữu của M16 đến nay vẫn chưa khắc phục được triệt để nằm ở bộ phận trích khí.

Cơ cấu trích khí của M16 tương đối yếu do phải đi qua một ống dẫn khí nhỏ tương đối dài, áp suất lên chậm.

 	Các biến thể khác nhau của M-16

Các biến thể khác nhau của M16. Ảnh: Army Recognition

M16 còn rất nhạy cảm với bụi bẩn trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt.

Các chi tiết bên trong của súng có độ chính xác cao và độ rơ rất thấp, do đó chỉ cần bám bẩn và không vệ sinh kịp thời là súng rất dễ kẹt đạn.

M-16 cần được thay thế bằng một loại súng mới, nhưng Lục quân Mỹ khó lòng thay thế chúng do vấn đề chi phí.

Những loại súng khác như Heckler & Koch HK416 rất đắt đỏ và họ thà đầu tư số tiền này cho những ưu tiên khác.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo quốc phòng Dave Majumdar, từng cộng tác với Viện Hải quân Mỹ, tờ Aviation Week và The Daily Beast.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại