Quân sự Trung Quốc hành động mạnh trước thương vụ vũ khí Mỹ - Đài

An Bình |

Trung Quốc đã cảnh báo họ sẽ sử dụng hành động quân sự để ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm củng cố chủ quyền của Đài Loan, đặc biệt là về các thương vụ vũ khí của Mỹ với hòn đảo này.

Theo Newsweek, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chỉ trích quyết định gần đây của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho phép các công ty sản xuất vũ khí Mỹ được cung cấp công nghệ đóng tàu ngầm cho Đài Loan. Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan, ông Chen Chung-chi đã lên tiếng xác nhận thông tin này.

Tín hiệu quân sự Mỹ - Đài?

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Hoa Kỳ - Trung Quốc đang gia tăng khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp đặt nhiều loại thuế mới nhằm vào nền kinh tế thứ 2 thế giới. Bắc Kinh sau đó đã nhanh chóng có nhiều hành động đáp trả - dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn.

"Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, lập trường này luôn được khẳng định rõ ràng và nhất quán, Đài Loan là một phần của Trung Quốc và nguyên tắc Một Trung Quốc đóng vai trò là nền tảng chính trị cho mối quan hệ Mỹ - Trung", trang tin chính thức China Military online dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Wu Qian cho hay.

Quan chức này nói thêm: "Quân đội Trung Quốc có khả năng và quyết tâm đánh bại tất cả các nỗ lực nhằm chia rẽ đất nước chúng tôi và sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia".

Là một phần trong Chính sách Một Trung Quốc được Hoa Kỳ thông qua vào năm 1972, Washington chỉ công nhận chính phủ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016 đã thách thức quan điểm này, đồng thời có một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan – điều dấy lên tranh cãi từ nhiều phía.

Ông Trump cho tới nay cũng đã có nhiều động thái phát triển quan hệ với Đài Loan, đồng ý bán vũ khí cho hòn đảo này và mở rộng các khía cạnh của mối quan hệ. Vào hồi tháng 3/2017, Tổng thống Trump đã chấp thuận đạo luật thúc đẩy quan chức Mỹ - Đài Loan qua lại với nhau. Điều này làm Trung Quốc vô cùng tức giận, trong khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lên tiếng hoan nghênh đạo luật trên, nói rằng đây "là hành động tuyệt vời".

Vào năm 2017, Đài Loan đã công bố kế hoạch xây dựng hạm đội 8 tàu ngầm mới – ngay trước thềm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du tới Mỹ.

Trung Quốc sẵn sàng hành động quân sự

Về phần mình, Bắc Kinh luôn duy trì lập trường của mình rằng Đài Loan sớm hay muộn cũng sẽ được sáp nhập với Trung Quốc đại lục, ngay cả khi việc sử dụng vũ lực là cần thiết. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang củng cố sự hiện diện quân sự của họ tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang bồi đắp trái phép và quân sự hóa nhiều hòn đảo nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền hàng hải của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ tránh các động thái tiếp xúc chính thức với Đài Loan, ngừng những nỗ lực cải thiện quan hệ và dừng các hợp đồng quân sự bán vũ khí song phương "nhằm giúp mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc hòa bình và ổn định trên eo biển sẽ không bị hư hỏng nghiêm trọng", phát ngôn viên Cảnh Sảng hôm thứ Hai cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Khía cạnh thương mại: Tín hiệu leo thang

Quân đội Hoa Kỳ đang thể hiện lập trường cứng rắn của mình đối với sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, tuy nhiên, ông Trump lại đặc biệt bày tỏ quan ngại tới vấn đề thương mại trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.

Ngay từ khi vận động tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về những hành vi thương mại không công bằng và việc đánh cắp công ăn việc làm từ Mỹ. Tháng trước, Tổng thống Mỹ đã tăng thuế đối với thép và nhôm – động thái sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động ngoại thương của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt gói thuế bổ sung lên tới 100 tỷ USD.

Trung Quốc đã đáp trả bằng gói thuế quan của riêng mình và đưa vấn đề lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ngày 9/4, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đang cân nhắc giảm dần giá trị đồng nhân dân tệ như một cách để đối phó với tình hình căng thẳng thương mại đang gia tăng hiện tại.

Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội đầu tiên giải quyết những bất đồng thương mại hiện tại bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại thủ đô Washington từ ngày 20-22/4 tới. Tuy nhiên, cho đến nay cả Bắc Kinh và Washington đều chưa có kế hoạch cho bất cứ cuộc gặp nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại