Tài năng và may mắn đủ khiến một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng chỉ có đạo đức và tác phong khi làm việc mới khiến họ tồn tại lâu dài trong nghề.
Quán quân, ngôi sao cũng thất nghiệp
Vài năm trở lại đây, gameshow truyền hình là "mảnh đất hứa" đối với những diễn viên trẻ trên con đường tìm kiếm cơ hội toả sáng. Họ kỳ vọng, giải thưởng gameshow sẽ là con đường tắt để với tới hào quang của nghề một cách nhanh nhất nhưng thực tế, nhiều người hao tiền tốn của vào gameshow mà vẫn hoàn tay trắng.
Ca sĩ Hồ Minh Quang thi Tiếu lâm tứ trụ đã lỗ hơn 100 triệu đồng nhưng vẫn "trôi qua" như một cơn gió, không ai biết mặt nhớ tên.
Trịnh Minh Dũng, sau khi giành ngôi vị Quán quân Tiếu lâm tứ trụ 2017 vẫn than vãn "ế show". Để cải thiện thu nhập, anh vẫn phải tiếp tục làm nghề tay trái, làm đậu phộng rang nước mắm bán - cái nghề đã nuôi sống Trịnh Minh Dũng sau tấm màn nhung sân khấu nhiều năm.
Á quân Tiếu lâm tứ trụ cùng năm với Trịnh Minh Dũng - diễn viên Xuân Nghị sau đăng quang, cuộc sống vẫn ở mức "vừa đủ" và công việc vẫn thường rảnh rỗi cho tới khi "trúng" Mr Cần Trô.
Trịnh Minh Dũng, Quán quân Tiếu lâm tứ trụ 2017.
Thái Duy từng giải Ba Vietnam Got Talent 2014, giải ba Cười Xuyên Việt 2016, Quán quân Làng hài mở hội 2017... nhưng tới giờ công việc vẫn rất "bấp bênh".
Sau tất cả hào quang chớp nhoáng, chàng diễn viên 9X nhanh chóng nhận ra rằng: "Nghệ sĩ không đa tài thì khó sống. Có thể với những cô chú nghệ sĩ khác một nghề cho chín còn hơn chín nghề, nhưng với Duy thì phải 9 nghề mới sống được".
Từ đó tới nay, Quán quân Làng hài mở hội 2017 vẫn làm đủ nghề: từ diễn viên tới MC và cả thiết kế, cho thuê đồ cổ trang và bán hàng online.
Á quân Cười Xuyên Việt 2016 Tuấn Dũng sau hai năm đăng quang, mọi thứ vẫn là con số 0. Tuấn Dũng cũng từng mơ mộng, giải Á quân sẽ là 'tấm vé' để cậu trở thành ngôi sao, đắt show, tăng giá cát xê... nhưng thực tế, nếu không kịp quay về diễn ở sân khấu Phú Nhuận thì chắc chắn cậu lại trắng tay.
Và còn rất nhiều rất nhiều Quán quân, Á quân hay những giải ba, giải tư gameshow khác nữa vẫn đang "bồng bềnh trôi" ngoài kia vì công việc không ổn định.
Không chỉ có các diễn viên trẻ đạt ngôi vị này, giải thưởng kia mới thất nghiệp mà nhiều nghệ sĩ ngôi sao một thời đình đám, giờ cũng không ai mời show.
Nghệ sĩ D.P từng một thời ngang dọc, tên tuổi lẫy lừng cả nước. Chỉ trong vòng 1, 2 năm, ông lần lượt mua từng căn nhà xung quanh nhà mình, số nhà của ông chạy dài tới mấy con số trong khu phố.
Từng giàu có như thế, tên tuổi đình đám như thế nhưng bây giờ, ở tuổi 60, ông chật vật mưu sinh vì không ai mời show trong khi nhiều đồng nghiệp cùng tuổi vẫn chạy 2, 3 phim cùng lúc, sống khỏe với nghề.
Vậy nguyên nhân là do đâu?
Thái Duy nhiều lần đạt giải gameshow những công việc vẫn bấp bênh.
2 yếu tố sống còn để tồn tại với nghề
Khi nói về chuyện Quán quân, Á quân vẫn thất nghiệp, nhiều người có thường đổ lỗi cho gameshow khiến giới trẻ bị ảo, không ý thức được khả năng thực sự của mình nằm ở đâu, không có tư duy trau dồi nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, câu chuyện thất nghiệp là do đạo đức và tác phong làm việc hơn là do ảo tưởng sức mạnh gameshow. Bởi lẽ, gameshow vẫn có những giá trị riêng của nó và là một bước tiến phải có trong thời đại nghệ thuật 4.0.
Nghệ sĩ Quốc Thuận nói một câu rất tâm đắc. "Ở cái nghề này, ngoài kỹ năng, sự may mắn thì yếu tố đạo đức và tác phong khi làm việc mới là điều quan trọng để giữ chân một người tồn tại được với nghề. Người lớn không giữ hai yếu tố này cũng thất nghiệp chứ nói gì tới các em các cháu".
Quả thật, trong nghề đã có biết bao "tấm gương" về câu chuyện đạo đức và tác phong khi làm việc để mọi người cùng soi vào học hỏi, rút kinh nghiệm.
Nghệ sĩ Minh Nhí có lần kể, nhiều diễn viên trẻ bây giờ vừa được "chút gì đó" đã có tác phong làm việc không đúng mực. "Làm việc thì đi trễ để mấy chục con người ngồi chờ. Tập tành thì hời hợt, khi lên sân khấu thì diễn sai be bét, khiến công sức của cả một tập thể đổ sông đổ biển".
Bên cạnh đó, một số người sau khi đạt giải thì hét giá cát xê quá cao khiến các bầu show ngại mời. Vô tình chính họ làm họ thất nghiệp.
Nghệ sĩ Hữu Châu cũng từng than thở về đạo đức làm nghề của một số diễn viên trẻ hiện nay. Việc dễ nhất, đơn giản nhất là gặp thế hệ đi trước thì cúi đầu chào một cái hoặc nhoẻn miệng cười xã giao... cũng "lười".
Theo anh, hành động đó là "dại". Cứ cư xử như vậy sẽ không được người lớn trong nghề thương, thậm chí còn bị ghét. "Bị người lớn ghét thì mình thiệt chứ không ai thiệt", nghệ sĩ Hữu Châu nói.
Nhiều Quán quân, Á quân gameshow vẫn tới sân khấu Minh Nhí học để nâng cao tay nghề.
Khi làm phim "Tấm Cám chuyện chưa kể", có một diễn viên trẻ tới đoàn không bao giờ biết chào ai. Nghệ sĩ Thành Lộc không nói nhưng anh "ghim".
Sau khi bị Ngô Thanh Vân mắng, tới giờ ăn, cậu diễn viên đó bới tô cơm lại gần nghệ sĩ Thành Lộc ngồi để... làm quen nhưng cậu ta vừa ngồi xuống thì Thành Lộc xoay người đi hướng khác, không thèm nói chuyện.
Có lần Quốc Thuận làm chương trình Táo quân, anh mời danh hài Bảo Chung đóng Táo quân và một danh hài rất nổi tiếng thời đó đóng vai chủ quán.
Mọi việc xong xuôi, sáng hôm sau quay thì tối đó, danh hài kia gọi cho Quốc Thuận đòi đổi vai, đóng Táo quân của Bảo Chung. Quốc Thuận từ chối. Danh hài kia không nói bỏ vai mà chỉ bảo "mày làm vậy là chết anh rồi, chết anh rồi".
Sáng hôm sau, tất cả mọi người gọi cho danh hài kia đều không được. Người đó không nghe máy, cứ thế bỏ ngang phim.
Trong lúc nguy cấp, Quốc Thuận gọi cho nghệ sĩ hài Khánh Nam nhờ "cứu bồ". Trong nghề này, có rất nhiều người bị cái tôi lớn. Cho dù có rảnh rỗi, họ cũng không bao giờ chạy đi "cứu bồ" vì tự ái rất cao.
Nhưng khi Quốc Thuận gọi Khánh Nam, anh nhận lời ngay. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nghệ sĩ Khánh Nam đã có mặt. Quay xong, nghệ sĩ Khánh Nam cũng không đòi hỏi tiền bạc. Quốc Thuận đưa thế nào, anh cầm thế đó.
Câu chuyện này vẫn được Quốc Thuận và nhiều người nhắc kể, cả khi nghệ sĩ Khánh Nam đã trở thành người thiên cổ. Cho tới những tháng ngày cuối cùng, nghệ sĩ Khánh Nam vẫn được anh em trong nghề nhớ tới mời show vì cách cư xử được lòng mọi người.
Hay chuyện Đệ nhất danh hài Bảo Quốc nổi tiếng là người làm việc nghiêm túc và luôn đúng giờ. Trong mấy chục năm làm nghề, người ta hiếm khi thấy ông đi muộn, kể cả lúc đang là ngôi sao, người người tung hê, đắt show vô cùng.
Bởi tác phong làm việc đó của Đệ nhất danh hài mà từ đồng nghiệp cùng trang lứa tới thế hệ con cháu sau này, khi nhắc tới ông, ai cũng gọi "chú Sáu Bảo Quốc" một cách thân thương, kính trọng.
Đạo đức và tác phong làm nghề của nghệ sĩ Khánh Nam là một kỷ niệm đẹp đối với Quốc Thuận
Người trong nghề vẫn nói về sự khác nhau giữa "hết thời" và "qua thời". Người hết thời là người không ngoi lên được, không ai mời show nữa. Người qua thời là người đi qua đỉnh cao nhưng vẫn sống tốt với nghề, vẫn được mời show này show kia.
Nghệ sĩ ai cũng phải đi qua giai đoạn qua thời, nhưng có hết thời hay không là do đạo đức và tác phong làm việc được mọi người thương hay ghét. Người trong nghề chỉ cần ghi nhớ hai điều này thì không bao giờ lo thất nghiệp!