Quan hệ Trung-Triều bất ngờ ấm lại trước đối thoại Mỹ-Triều: Gian nan mới biết bạn hiền?

Hồng Anh |

Theo chuyên gia, Triều Tiên muốn Trung Quốc trở thành "chỗ dựa" cho mình trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Hôm 26/3 vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện chuyến thăm không chính thức Trung Quốc để làm ấm lại quan hệ với nước láng giềng. Điều này trái ngược với tình hình "băng giá" đang diễn ra giữa các nước Nga - Mỹ - NATO - EU. 

Theo Reuters, động thái của lãnh đạo Triều Tiên cho thấy nước này đã chuẩn bị sẵn sàng đòn bẩy vững chắc trước khi tham gia hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan hệ Trung-Triều ấm lại

Các chuyên gia nhận định việc ông Kim Jong-un đến thăm Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa to lớn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc hội đàm cấp cao với người láng giềng Triều Tiên sẽ đảm bảo Bắc Kinh không bị cho "ra rìa" khỏi bất kì thỏa thuận nào giữa hai bên Mỹ-Triều.

Phía Trung Quốc vui mừng thông báo ông Kim đã cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, còn cơ quan truyền thông trung ương Triều Tiên cho biết ông Tập Cận Bình đã "vui vẻ" nhận lời mời đến thăm Triều Tiên của ông Kim. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng dường như đã "tan băng" nhờ chuyến thăm bí mật của ông Kim Jong-un.

Ông Wang Peng, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viên Charhar, Bắc Kinh, nhận định: Cuộc hội đàm của ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình đã giúp Triều Tiên nâng cao vị thế trước thềm hội nghị thượng đỉnh cấp cao Mỹ-Triều.

"Triều Tiên đang kiếm tìm ‘chỗ dựa’", ông Wang nói. "Họ muốn nhanh chóng hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc để có thêm tiếng nói và sự tự tin để đạt được kết quả tốt trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với Mỹ".

Quan hệ Trung-Triều bất ngờ ấm lại trước đối thoại Mỹ-Triều: Gian nan mới biết bạn hiền? - Ảnh 1.

Ảnh: KCNA.

Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã bị tổn hại nặng nề vì Liên Hợp Quốc liên tục giáng những đòn trừng phạt và cấm vận khắc nghiệt, do đó họ đang rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh để giảm thiểu những lệnh cấm vận thương mại này.

Chuyến thăm của ông Kim Jong-un đã ‘xoa dịu’ những lo ngại của Trung Quốc về việc bị Mỹ-Hàn-Triều cho "ra rìa".

Ông Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh và từng là đại diện của Nhà Trắng tại cuộc Đàm phán Sáu Bên năm 2007 – 2009 cho biết: "Trung Quốc có những mối quan tâm lớn, do đó họ đã ‘phật ý’ khi bị đẩy ra khỏi bàn đàm phán".

Cũng theo ông Haenle, nếu suy nghĩ trên quan điểm của Bắc Kinh, thì ông Kim Jong-un đã quyết định rất đúng đắn khi lựa chọn Trung Quốc là địa điểm công du đầu tiên.

Ông Han Suk-hee, giáo sư nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Yonsei, lại cho rằng quyết định thay đổi bộ máy nhân sự Nhà Trắng gần đây của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của ông Kim Jong-un. Ví dụ, việc bổ nhiệm tân Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - người đặc biệt cứng rắn trong các chính sách đối ngoại - rất có thể đã khiến Triều Tiên gia tăng lo ngại trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

"Có vẻ Triều Tiên chỉ sẵn sàng đối phó với Mỹ nếu nhận được sự trợ giúp từ Trung Quốc – đồng minh lâu đời của họ", ông Han Suk-hee nhận định.

Thân thiết trở lại?

Bên cạnh vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc cũng có lợi ích chiến lược khi đảm bảo Triều Tiên là vùng đệm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi hiện nay có đến 28.500 đơn vị quân đội Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc.

Hai quốc gia cũng từng có quan hệ mật thiết trong lịch sử. Trung Quốc và Triều Tiên đã nhiều lần gọi nhau là "đồng minh xương máu" từng kề vai sát cánh trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 – 1953.

Sau Chiến tranh Triều Tiên, hai nước vẫn tiếp tục là đồng minh thân cận trong vài thập kỷ, trước khi ông Kim Jong-un kế nhiệm người cha quá cố.

Quan hệ Trung-Triều bất ngờ ấm lại trước đối thoại Mỹ-Triều: Gian nan mới biết bạn hiền? - Ảnh 2.

Lễ tiếp đón lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Việc Triều Tiên ráo riết phát triển vũ khí hạt nhân và tăng cường thử nghiệm tên lửa hạt nhân năm qua đã khiến quan hệ song phương đi xuống nhanh chóng.

Khi Trung Quốc ủng hộ những nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, các cơ quan truyền thông trung ương Triều Tiên liền chỉ trích công khai và thậm chí đe dọa Trung Quốc.

"Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng và sẵn lòng giảm nhẹ những gánh nặng kinh tế của Triều Tiên", ông Christopher Green, cố vấn cấp cao của International Crisis Group cho rằng Bình Nhưỡng sẽ muốn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế - chính trị.

Gần đây, Triều Tiên và Hàn Quốc liên tục có những dấu hiệu "làm lành" trong Thế vận hội mùa đông và kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trung Quốc đã "bắt" được những tín hiệu này và muốn nối lại quan hệ với Triều Tiên.

Theo Tân Hoa Xã (THX), trong cuộc hội đàm, ông Tập đã nhấn mạnh với ông Kim rằng các lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên thường xuyên thăm viếng lẫn nhau "như những người họ hàng", và đề nghị lãnh đạo hai bên thiết lập các kênh liên lạc mới.

THX cũng khẳng định Trung Quốc có vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán giữa ông Kim và ông Trump.

Ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: "Rất khó để Mỹ vạch ra được một lộ trình phi hạt nhân hóa có khả năng đáp ứng được các điều kiện tiên quyết của Triều Tiên nếu thiếu sự hỗ trợ của Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc đang muốn chứng tỏ mình là nhân tố không thể thiếu tại bàn đàm phán sắp tới".

Gian nan mới biết bạn hiền

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), phát biểu tại bữa yến tiệc chiêu đãi, ông Kim Jong-un đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với chính quyền Bắc Kinh vì đã chấp thuận đề xuất viếng thăm Trung Quốc của ông, cùng sự tiếp đón nồng hậu và những nỗ lực giúp chuyến thăm diễn ra thành công.

Trung Quốc vẫn ủng hộ cách tiếp cận kép đối với Triều Tiên: đó là gây áp lực song song với tăng cường đối thoại. Cách tiếp cận này trái ngược với đề xuất gây áp lực tối đa của chính quyền ông Trump. Chính sự bất đồng đó đã khiến Bắc Kinh bị "ra rìa" trong lúc khủng hoảng leo thang.

Ông Jia Qingguo, Hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế trực thuộc Đại học Bắc Kinh, phân tích: Triều Tiên cũng có thể lợi dụng tình hình Mỹ-Trung căng thẳng vì nguy cơ chiến tranh thương mại để kéo Bắc Kinh về phía mình.

"Trung Quốc muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa, những không muốn xa lánh Triều Tiên trong bối cảnh mối quan hệ Trung-Mỹ đang xấu đi nhanh chóng. Chúng tôi [Trung Quốc] muốn làm bạn với Triều Tiên", ông Jia kết luận.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại