Quân giải phóng Miền Nam và liều thuốc thử hạng nặng: Tiến công Phước Long - VNCH hoảng sợ

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

17h25 ngày 2.1.1975, trận tiến công bắt đầu. Quân đội VNCH hoảng sợ. Thê đội 1 xe tăng ta đã theo đường Đinh Tiên Hoàng vào đến chợ thị xã, chỉ còn cách dinh tỉnh trưởng không xa.

Mùa khô 1974-1975, chiến trường miền Nam đã có sự chuyển biến quan trọng. Sau khi quân Mỹ rút, Quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) nhanh chóng suy yếu về nhiều mặt. Kết hợp với mặt trận chính trị và ngoại giao, lực lượng cách mạng đang thắng thế.

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình "Ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, tạo nên những yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn", đồng thời quyết định đẩy mạnh các hoạt động trong mùa khô 1975.

Chiến dịch Đường 14 - Phước Long - Chiến dịch mở đầu cho Mùa Xuân lịch sử 1975

Thực hiện chỉ đạo của trên, cuối tháng 11-1974, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở đợt hoạt động mùa khô 1974-1975 ở miền Đông Nam Bộ với nội dung: Hoàn chỉnh khu giải phóng, nối liền hành lang chiến lược từ biên giới xuống bờ biển, xây dựng căn cứ địa vững chắc, liên hoàn, tạo thế bao vây Sài Gòn…

Trong hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng" - Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại:

"Về mục tiêu của chiến dịch, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa Bộ Tổng Tham mưu với đoàn cán bộ B2. Các đồng chí ở B2 chủ trương trước hết đánh Đồng Xoài, chi khu quận lỵ và là vị trí then chốt của tỉnh Phước Long. Tiếp đó tiến đánh Phước Long, giành một chiến thắng mở đầu vang dội.

Các đồng chí Bộ Tổng Tham mưu, trước tình hình ta rất thiếu đạn, nhất là đạn súng lớn, chủ trương đánh Bù Đăng, Bù Na là những vị trí quan trọng hơn ở phía bắc Đồng Xoài để có thêm đạn pháo chiến lợi phẩm đánh Đồng Xoài.

Cuối cùng mọi người thống nhất ý kiến về kế hoạch tiến công và mục tiêu tiến công là Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài và cả Phước Long, mặc dù lúc đầu Bộ Tổng Tham mưu không đặt ra nhiệm vụ đánh mục tiêu này".

Quân giải phóng Miền Nam và liều thuốc thử hạng nặng: Tiến công Phước Long - VNCH hoảng sợ - Ảnh 2.

Quân Giải phóng tấn công sân bay Phước Long ngày 07.1.1975.

Ngày 13.12-1974 chiến dịch bắt đầu. Quân giải phóng (QGP) Miền Nam đã tiến công mạnh mẽ quân địch trên đường 14, lần lượt giải phóng Bù Đăng, Bù Na, chi khu Bù Đốp, Châu Thành, chi khu Đồng Xoài, diệt các đồn bót trên tỉnh lộ 1A, giải phóng đoạn từ Phước Vĩnh lên Đồng Xoài.

Mất toàn bộ đường 14 và Đồng Xoài, tàn quân Sài Gòn dồn hết về thị xã Phước Long để phòng thủ. Lực lượng quân đội VNCH ở đây có khoảng 6 tiểu đoàn cùng với các đơn vị bảo an, dân vệ và cảnh sát vũ trang. Trang bị chính gồm 10 khẩu pháo 105, 155 mm và 1 chi đội xe thiết giáp V100...

Quân giải phóng Miền Nam và liều thuốc thử hạng nặng: Tiến công Phước Long - VNCH hoảng sợ - Ảnh 3.

Trong lúc địch đang hoang mang, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 hạ quyết tâm giải phóng Phước Long. Kế hoạch giải phóng Phước Long được Bộ Chính trị - lúc đó đang họp tại Hà Nội - chấp thuận. Bộ Chính trị còn cho phép sử dụng 1 đại đội pháo 130mm và 1 đại đội xe tăng tham gia chiến đấu.

Thị xã Phước Long cách Sài Gòn 120km về hướng đông bắc, có 50 ngàn dân. Địa hình xung quanh là rừng núi, phía Bắc và phía Đông bị con sông Bé bao bọc, phía Tây có suối Đắc Gion nên nếu dùng xe tăng chỉ có thể tiến công từ phía Nam lên. Trong khi đó, phía nam thị xã lại có chi khu Phước Bình và núi Bà Rá cao 763m án ngữ.

Để tiến công Phước Long, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định sử dụng Sư đoàn 7 (gồm 2 trung đoàn 12 và 14) được tăng cường Đại đội xe tăng 1 tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Nam lên; Trung đoàn 271 tiến công trên hướng thứ yếu (Đông Nam) và Trung đoàn 16 (thiếu) tiến công trên hướng phối hợp (Tây Bắc).

Trận đánh bắt đầu lúc 6h10 ngày 31.12.1974 bằng việc tiến công Chi khu Phước Bình. Ngay trong ngày, QGP đã làm chủ chi khu Phước Bình song buộc phải ngừng tiến công vì phải dò gỡ mìn trên đoạn đường từ chi khu về thị xã.

17h25 ngày 2.1.1975, trận tiến công vào thị xã bắt đầu. Quân đội VNCH hoảng sợ, chống cự yếu ớt. Thê đội 1 của xe tăng đã theo đường Đinh Tiên Hoàng tiến vào đến chợ thị xã, chỉ còn cách dinh tỉnh trưởng không xa nhưng không có bộ binh đi cùng. Tuy nhiên, do e ngại rằng sẽ có 1 An Lộc mới nên xe tăng ta buộc phải quay ra.

Cũng trong ngày 2.1.1975, một cuộc họp khẩn cấp do Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa được tổ chức tại Dinh Độc Lập. Tại cuộc họp, Trung tướng Du Quốc Đống - Tư lệnh Quân Ðoàn 3 và Quân khu 3 nhận định rằng Quân Ðoàn 3 cần ít nhất một sư đoàn Bộ Binh hay Nhảy Dù để giải vây cho Phước Long.

Quân giải phóng Miền Nam và liều thuốc thử hạng nặng: Tiến công Phước Long - VNCH hoảng sợ - Ảnh 4.

Chiến sĩ Quân đoàn 4 cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên dinh Tỉnh trưởng Phước Long lúc 10 giờ 30 phút ngày 6-1-1975. Ảnh: Tư liệu

Kế hoạch của tướng Đống là dùng trực thăng vận để đưa sư đoàn này vào Phước Long và phải được sự yểm trợ tối đa bằng Không Quân chiến thuật. Sau đó Trung tướng Đống xin Tổng thống Thiệu cho từ chức vì ông cho rằng ông không có khả năng thay đổi tình hình tại Quân Khu 3.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ lời xin từ chức của tướng Đống và lo lắng hơn nữa về kế hoạch tăng cường lực lượng để giữ Phước Long. Kế hoạch này được xem xét rất kỹ lưỡng nhưng cuối cùng bị bãi bỏ vì Bộ Tổng Tham Mưu không còn đơn vị tổng trừ bị nào trong tay.

Cuối cùng việc giải vây cho Phước Long được Bộ Tổng Tham Mưu giao cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 trực tiếp đảm trách với lực lượng sẵn có trong tay. Tướng Đống quyết định tung 2 đại đội của Liên đoàn Biệt cách dù 81 vào tiếp viện cho Phước Long.

Do nhiều nguyên nhân, trận đánh kéo dài qua ngày 5.1.1975 vẫn chưa kết thúc. Đêm 5.1.1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 quyết định tung lực lượng dự bị (Trung đoàn 2, Sư đoàn 9) cùng Đại đội xe tăng 10 (7 xe) vào trận.

Trận đánh bắt đầu sáng 6.1.1975. Lực lượng tiến công chia thành 2 mũi đồng loạt đánh vào thị xã. Một mũi theo đường Trần Hưng Đạo đánh vào dinh tỉnh trưởng, một mũi theo đường sân bay đánh vào Trung tâm hành quân và Tòa hành chính.

9 giờ 50 ngày 6.1.1975, QGP làm chủ dinh tỉnh trưởng và Tòa hành chính. Tuy nhiên, lính VNCH tại Trung tâm hành quân vẫn ngoan cố chống cự nên trận đánh phải kéo dài đến 17h30 QGP mới làm chủ hoàn toàn thị xã. Đến giờ phút đó, tỉnh Phước Long được giải phóng hoàn toàn.

Một trận đánh đạt được nhiều mục đích - Liều thuốc thử hạng nặng và đa năng

Về mặt quân sự, trong trận tiến công thị xã Phước Long QGP đã tiêu diệt 500 tên địch, bắt 1.179 tên, bắn rơi 12 máy bay, phá huỷ 10 xe cơ giới; thu 1.498 súng các loại, 190 máy thông tin, 80 xe cơ giới và một kho đạn đại bác trên 10.000 viên.

Đồng thời, qua trận đánh cho phép đánh giá một cách chính xác khả năng chiến đấu của quân đội VNCH ở thời điểm đó: Bị mất một tỉnh ngay sát nách Thủ Đô mà bất lực chứng tỏ sự rệu rã của quân đội VNCH.

Quan trọng hơn, giải phóng Phước Long đã mở rộng hành lang tiếp tế, hình thành nơi tiếp nhận, triển khai binh khí, kỹ thuật và cơ sở vật chất từ Trung ương xuống các chiến trường; đồng thời là địa bàn tập kết các cánh quân lớn tiến công vào Sài Gòn sau này.

Trận Phước Long cũng cho phép Quân đoàn 4 rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết trong tác chiến hợp đồng binh chủng và tác chiến ở đô thị, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Bài học lớn nhất từ trận chiến này là vấn đề sử dụng lực lượng và hiệp đồng chiến đấu. Nếu sử dụng tập trung nhằm vào mục tiêu chủ yếu, đồng thời hiệp đồng chặt chẽ hơn giữa bộ binh với xe tăng thì trận đánh đã kết thúc sớm hơn.

Quân giải phóng Miền Nam và liều thuốc thử hạng nặng: Tiến công Phước Long - VNCH hoảng sợ - Ảnh 5.

Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát VNCH ở Phước Long. Ảnh tư liệu.

Về chính trị, việc để mất Phước Long đã gây ra những suy sụp về tinh thần trong quân đội cũng như chính trường Sài Gòn. Đại tá Phạm Bá Hoa, phụ tá hành quân của đại tướng Cao Văn Viên nhận xét:

"Có thể nói tất cả chúng tôi đều bàng hoàng. Không khí lo ngại bao trùm, ưu tư đè nặng mọi người. Cái chính là thất bại Phước Long đã nói lên thế và lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Chỉ mới bị đánh một điểm mà đã không còn lực lượng để đối phó, hỏi bị đánh mạnh nhiều nơi thì sẽ ra sao? Tình hình đó đã dồn chúng tôi đến sự hoang mang, bi quan".

Trận tiến công Phước Long cũng là một liều thuốc thử để kiểm tra đánh giá khả năng tái can thiệp của quân Mỹ vào chiến trường Việt Nam. Và kết quả phía Hoa Kỳ không có phản ứng gì hơn là điều một hạm đội vừa phải đến Biển Đông với những mục tiêu không rõ ràng là đe dọa hay thực sự tham chiến trở lại.

Mục đích đó được giải đáp trong lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James R. Schlesinger trước báo chí: "Đây chưa phải là một cuộc tiến công ồ ạt của Bắc Việt Nam" và thông báo của Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Graham Martin với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Việc yểm trợ của Hoa Kỳ lúc này là chưa được phép".

Trước những diễn tiến đó, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và QGP miền Nam đã rút ra kết luận: "Người Mỹ không còn muốn can thiệp vào miền Nam Việt Nam nữa". Trên cơ sở đó đã hạ quyết tâm giải quyết cuộc chiến này trong vòng 2 năm 1975-1976.

Và thực tế đã diễn ra nhanh hơn những gì họ dự định!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại