Theo Popular Mechanics, cá mú Goliath, cá vược đen, tôm cùng các sinh vật phù du và nhiều vi sinh vật khác có thể sẽ trở thành những người hùng của DARPA trong dự án mang tên PALS- Chip cảm biến sống vĩnh viễn dưới nước.
Với PALS, các nhóm nghiên cứu đang phát triển các loại hệ thống cảm biến mới phát hiện và ghi lại hành vi của các loại sinh vật này, sử dụng chúng để xác định sự hiện diện của các phương tiện dưới nước có người lái và không người lái.
DARPA lần dầu công bố thông tin về PALS vào năm 2018 với mục tiêu kết hợp sinh học vào các giải pháp mới để theo dõi các chuyển động từ đối thủ của Mỹ trong không gian bất tận của đại dương và biển.
Lợi thế của việc sử dụng các sinh vật biển nằm ở chỗ chúng có mặt khắp mọi nơi, có khả năng thích ứng cao với đủ loại môi trường trong khi các thiết bị của hải quân thường ngốn nhiều chi phí vận hành, bảo dưỡng và hạn chế ở những môi trường nhất định.
“Việc khai thác dựa vào khả năng cảm nhận tinh tế của các sinh vật biển có thể mang lại một giải pháp kín đáo, lâu dài và có khả năng mở rộng để duy trì nhận thức về các thách thức trong môi trường dưới nước”, Lori Adornato, quản lý chương tình cho hay.
Các nhóm của PALS sẽ phát triển và áp dụng công nghệ để ghi lại các phản ứng kích thích từ các sinh vật được quan sát, sau đó phát triển hệ thống dịch lại các phản hồi này, sàng lọc kết quả rồi truyền về trung tâm. PALS dự kiến sẽ kéo dài trong 4 năm với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học, hóa học, vật lý, phân tích, hải dương học, cơ học, kỹ thuật điện và radar.
Mặc dù là một dự án rất hứa hẹn nhưng PALS cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề như biến đổi khí hậu và hệ động vật biển trong tương lai gần. Một số đối tượng nghiên cứu của PALS đang có nguy cơ biến mất ở vùng biển Đại Tây Dương.