Loài cá mập mako từng được ghi nhận bơi với tốc độ 96 km/h trong tự nhiên, nhưng các ước tính cho thấy chúng có thể bơi với tốc độ 128 km/h. Để thực hiện điều này, loài cá mập mako đã có một loạt sự tiến hóa nhằm giảm lực cản của nước xung quanh chúng đến tối đa.
Thay vì da hoàn toàn trơn tru, vân vảy của con cá mập này di chuyển liên tục theo dòng nước. Các vảy của loài cá mập này có kết cấu sinh học khá giống răng của chúng, và vảy này có thể vặn lên hoặc uốn cong khi một con mako bơi.
Nếu bạn đưa tay lướt qua con cá mập từ mũi đầu đuôi, giống như nước chảy trên cơ thể nó, chúng sẽ cảm thấy hoàn toàn trơn tru. Nếu bạn lướt tay theo hướng khác, da của cá mập sẽ thô ráp như một tờ giấy nhám.
Theo các nhà khoa học tại University of Alabama thì lớp da này chính là bí mật giúp loài cá mập mako di chuyển nhanh trong nước. Cụ thể, lớp da này làm gián đoạn dòng nước có thể xoáy ngược lại - hiện tượng tách dòng - vốn gây ra lực cản khi bơi.
Lực cản này không chỉ ảnh hưởng tới các loài sinh vật trong nước mà còn ảnh hưởng đến tốc độ của máy bay. Việc giảm thiểu hiện tượng tách dòng có thể giúp máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, bay nhanh hơn và cơ động hơn.
"Bạn có thể đánh một quả bóng golf với những vết lõm nhỏ hơn 30% so với khi quả bóng đó trơn tru", Tiến sĩ Amy Lang, người đứng đầu nghiên cứu về da loài cá mập mako nói tại một cuộc họp của Hội Vật lý Mỹ ngày 4.3.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, da của cá mập mako với lớp lông cứng thụ động từ vảy cá mập thực sự kiểm soát sự phân tách dòng chảy và giảm lực cản.
"Trong tất cả các trường hợp nghiên cứu, chúng tôi thấy kích thước của vùng chảy tách biệt giảm đáng kể bởi sự hiện diện của lớp da này", bà Amy Lang nói.
Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi công ty hàng không vũ trụ Boeing và Quân đội Mỹ, có thể sẽ được ứng dụng trong việc chế tạo các lớp sơn mới trên thân máy bay sau này.
"Tiềm năng cho một bề mặt nhân tạo sử dụng cơ chế hoàn toàn thụ động này ngay cả trong không khí là rất thú vị", bà Amy Lang cho biết thêm.