Quan chức TQ: Đổi tên 1 tỉnh để "tuyên bố chủ quyền" cả biển Đông

Hải Võ |

Một cựu quan chức Trung Quốc đã đề xuất chính quyền tỉnh Hải Nam đổi tên tỉnh này thành "Nam Hải", cách nói vô giá trị mà chính phủ Trung Quốc dùng để gọi biển Đông.

Đó là đề nghị của Ngụy Tiểu An, cựu quan chức cấp cao trong ngành du lịch Trung Quốc.

Ngụy phát ngôn ngang ngược trên tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm thứ Sáu (19/8): "Cái tên (tỉnh) Hải Nam hiện nay chỉ liên hệ được với hòn đảo [Hải Nam], trong khi 'Nam Hải' là cái tên có thể đại diện đầy đủ cho khu vực, bao gồm hơn 2 triệu km vuông diện tích mặt nước."

Ông này ngang nhiên tuyên bố, cái tên "Nam Hải" sẽ "nâng cao nhận thức của người dân Trung Quốc về biển Đông và (cái gọi là) chủ quyền không tranh chấp của Trung Quốc trong khu vực".

Bình luận trắng trợn trên được Ngụy Tiểu An đưa ra mới đây, sau khi bài viết nêu đề xuất đổi tên của ông ta đăng tải từ năm 2015 bất ngờ lan truyền mạnh mẽ trên mạng Internet của Trung Quốc trong 2 ngày vừa qua.

Trong bài viết đăng ngày 21/5/2015, Ngụy tỏ rõ thái độ ngông cuồng: "Diện tích hơn 2 triệu km vuông ở biển Đông rõ ràng là tỉnh lớn nhất của Trung Quốc. Vì sao phải nhấn mạnh đảo Hải Nam với diện tích chỉ hơn 30.000 km vuông? Bản chất là biểu hiện nhạt nhòa của quan niệm về biển và quyền lợi trên biển của Trung Quốc".

Ý kiến của Ngụy cũng vấp phải nhiều sự phản đối trong nước, với lý do việc đổi tên tỉnh Hải Nam là không cần thiết và sẽ tạo ra các thủ tục hành chính kéo dài.

Quan chức TQ: Đổi tên 1 tỉnh để tuyên bố chủ quyền cả biển Đông - Ảnh 1.

Ngụy Tiểu An (đứng trước) trong một cuộc khảo sát hồi đầu tháng 8/2016. (Ảnh: shuyang.tv)

Bên cạnh quan điểm của Ngụy Tiểu An, tờ Hoàn Cầu cho hay, 3 cố vấn chính trị khác của Hải Nam cũng từng nêu đề xuất đổi tên tỉnh này tại Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn tỉnh hồi tháng 1 năm nay.

Những người này cho rằng Hải Nam nên mời các chuyên gia và quan chức để nghiên cứu kỹ lưỡng và soạn thảo một bản kế hoạch khả thi trong việc đổi tên tỉnh, nhằm "hướng tới lợi ích quốc gia". Truyền thông Trung Quốc nói rằng, kiến nghị đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các Ủy viên Chính hiệp tỉnh Hải Nam.

Trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã phán quyết bác bỏ hoàn toàn cái gọi là "quyền lịch sử" mà Trung Quốc tuyên bố ở biển Đông, việc "đổi tên để khẳng định chủ quyền" có thể là một bước đi nguy hiểm của Bắc Kinh, gây bất bình trong dư luận quốc tế.

Nếu chính phủ Trung Quốc xem xét nghiêm túc đề xuất này, thì đây sẽ là động thái rõ nhất chứng minh Bắc Kinh nhất quyết không tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế, bất chấp mọi thái độ phản ứng từ quốc tế.

Ngoài ra, đề nghị đổi tên tỉnh Hải Nam được báo chí Trung Quốc khơi lại nhiều khả năng là động thái đáp trả quyết định mới đây của chính phủ Indonesia về việc đệ trình lên Liên hợp quốc yêu cầu đổi tên một phần biển Đông thành "biển Natuna", nhằm khẳng định chủ quyền trước mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Kế hoạch đổi tên của chính quyền Tổng thống Joko Widodo liên quan đến vùng biển quanh quần đảo Natuna, nằm ngoài khơi bờ biển phía tây bắc đảo Borneo ở Biển Đông và được Jakarta tuyên bố "nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia".

Trước đó, trong diễn văn toàn quốc trước Quốc hội Indonesia hôm 16/8, ông Widodo cam kết sẽ bảo vệ "từng tấc đất và biển" của Indonesia.

Tổng thống Indonesia cũng đề cập trực tiếp đến phán quyết vụ kiện biển Đông của PCA. Ông khẳng định "Indonesia sẽ tiếp tục tích cực góp phần tìm kiếm giải pháp giải quyết mâu thuẫn ở biển Đông thông qua đàm phán hòa bình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại