Nguyên nhân Singapore không là bạn của Trung Quốc ở biển Đông

Hữu Hoàng |

Nguyên nhân nào làm cho “quân sư ASEAN”, một nước luôn có sở trường ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, ngày nay lại đứng về một bên trong vấn đề biển Đông?

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long công khai cho biết, phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague đã đưa ra “định nghĩa mạnh mẽ mà đanh thép” đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời hy vọng các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, chấp nhận kết quả trọng tài.

Singapore vì thế trở thành một trong những quốc gia hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, công khai gây áp lực với Trung Quốc.

Ngày 19/8, tờ Financial Times của Anh đưa tin, những biện pháp giải quyết mối quan hệ gần đây với Trung Quốc của Singapore đang có những sự thay đổi rõ rệt.

Theo tờ này, bắt đầu từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM-49) tại Vientiane, Lào vào tháng 6 năm nay, trong việc giải quyết vấn đề biển Đông, Singapore liên tiếp có những biện pháp mang tính chất “công khai chọn một bên”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng AMM-49 là một Hội nghị có “không khí tốt”, đồng thời xoa dịu dư luận cho sự vắng mặt của Ngoại trưởng Singapore trong cuộc họp báo sau Hội nghị.

Nhưng nếu so với việc phát huy chức năng "người điều phối" quan hệ giữa ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2015-2018, Singapore đang cho thấy vai trò “nước cứng rắn và không tham gia tranh chấp biển Đông”.

Nguyên nhân Singapore không là bạn của Trung Quốc ở biển Đông - Ảnh 1.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP)

Theo Financial Times, những hành động của Singapore đang thể hiện họ dường như phớt lờ đi quan hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, các nhân tố kinh tế, văn hóa, chính trị đã quyết định việc Singapore áp dụng những hành động trên là có logic riêng của họ.

Về phương diện kinh tế, ngay từ buổi đầu trở thành quốc gia độc lập Singapore đã cố gắng xây dựng mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu, tăng cường quan hệ với các quốc gia và khối kinh tế phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, để trở thành nước có nền kinh tế phát triển.

Về mặt ngoại giao, Singapore từ lúc trở thành quốc gia độc lập đã rất coi trọng phát triển quan hệ chính trị, kinh tế với các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ, đồng thời coi quan hệ quân sự với Mỹ là bảo đảm lớn nhất từ bên ngoài đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Do đó Singapore luôn ủng hộ việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á.

Trong lĩnh vực quân sự và an ninh, chỗ dựa chính của Singapore vẫn là Mỹ. Chưa bao giờ việc “dựa dẫm Trung Quốc” là một sự lựa chọn cho việc tăng cường an ninh quốc gia của Singapore.

Ngược lại, Singapore bắt đầu quan tâm đến tính bất ổn, sự ảnh hưởng đến cân bằng sức mạnh trong khu vực mà sự trỗi dậy và bành trướng của Trung Quốc tạo ra.

Những biện pháp mà Singapore áp dụng với Trung Quốc ở biển Đông quan tâm rất ít tới mặt hợp lý, tự kiềm chế của nó, mà tương đối đồng thuận với những lý giải của các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, cũng như các nước ngoài khu vực.

Singapore cho rằng hành động của Bắc Kinh ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực biển Đông, cho nên nước này thúc đẩy Mỹ can thiệp nhiều hơn vào khu vực, đồng thời thôi thúc ASEAN áp dụng hành động mạnh hơn nữa.

Sự kiện AMM-49 cùng “Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN” đã thể hiện ra một số nguyên tắc và ưu tiên của Singapore khi giải quyết quan hệ với ASEAN, Mỹ và Trung Quốc:

Singapore là thành viên thúc đẩy tích cực của ASEAN trong bảo vệ lập trường ASEAN thống nhất. Nước này hy vọng Mỹ tăng cường sự hiện diện tại khu vực để dễ bề khôi phục sự mất cân bằng lực lượng do sự trỗi dậy của Trung Quốc mang lại.

Singapore hào hứng trong việc phát triển quan hệ kinh tế, văn hóa với Trung Quốc, đồng thời đóng vai trò cầu nối trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Trong vấn đề an ninh không phải bàn cãi, Singapore không đồng ý chọn một bên giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng không cự tuyệt hợp tác với Mỹ trong vấn đề biển Đông, từng bước tạo áp lực với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại