Theo nhà địa chất học Laura Miller từ Đại học Monash - Úc và các cộng sự, Kīlauea được sinh ra bên dưới điểm nóng hiện tại gần 100 km, chứ không phải hình thành từ những khoang magma nông hơn như hầu hết núi lửa trên thế giới.
Có 2 khoang magma nông từng được xác định bên dưới Kīlauea, nhưng chúng không đủ lớn để chịu trách nhiệm cho tất cả đá nóng chảy mà quái vật lửa này phun ra. Một khoang lớn hơn, sâu 11 km từng được xác định qua dữ liệu sóng địa chấn vào năm 2014, nhưng cũng chưa đủ lớn để giải thích độ hung hãn của Kīlauea.
Một vụ bùng nổ của "quái vật lửa" - Ảnh: USGS
Theo Science Alert, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích các mảnh vỡ từ đá núi lửa cổ đại, được nạo vét từ sườn Đông Nam của Đảo Lớn thuộc Hawaii - Mỹ, cho thấy Kīlauea được làm nên từ vật liệu pyroclastic ở độ sâu gần 100 km!
Khoảng 210.000 đến 280.000 năm trước, mảng kiến tạo Thái Bình Dương dịch chuyển và một lượng magma lao từ thế giới cực sâu trong lớp phủ thẳng lên mặt biển. Khi chất lỏng nóng này nguội đi, nó tạo thành một đường ống lớn từ cách đây 100.000 năm. Từ đó Kīlauea ra đời.
Bằng chứng khác đến từ kết cấu núi lửa: thay vì tan chảy một phần, có vẻ quái vật lửa Kīlauea ban đầu được hình thành thông qua quá trình kết tinh phân đoạn, tức việc tạo ra các tinh thể trong các vực sâu của magma, chúng không phản ứng với sự tan chảy còn sót lại sau này.
Bởi đó là thứ siêu vật liệu được hình thành ở nhiệt độ cực cao, trên 1.100 độ C và áp suất trên 3 GPa, chỉ có thể tìm thấy ở thế giới thẳm sâu.
"Chúng tôi nhận thấy các mẫu chỉ có thể được hình thành bằng cách kết tinh và loại bỏ của garnet" - tiến sĩ Miller nói. Garnet là một dạng tinh thể hình thành khi magma chịu áp suất và nhiệt độ cao từ 90 - 150 km dưới lòng đất.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Communications.