"Cổng địa ngục" chính là một hố khí gas lớn nằm ở sa mạc Karakum, cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan gần 260 km. Với chiều rộng hơn 70 m và sâu tới hơn 21 m, "Cổng địa ngục" có tên gọi là Mỏ khí Darvaza, được xem là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, dù khí metan cháy liên tục đã gây ra ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của những cư dân địa phương và động vật hoang dã.
Ánh sáng rực rỡ từ ngọn lửa cháy liên tục của hố khí gas này có thể được nhìn thấy từ cách đó hàng km. Đây là cảnh tượng trở quen thuộc đối với 350 dân làng sống ở Darvaza.
"Cổng địa ngục" ở Turkmenistan vô tình được tạo ra kể từ năm 1971. Theo đó, các nhà địa chất của Liên Xô đã vô tình tạo ra "Cổng địa ngục" này khi Chiến tranh lạnh đang bùng phát. Các chuyên gia khi đó tin rằng khu vực này có rất nhiều dầu mỏ nên đã đưa giàn khoan đến. Thế nhưng bên dưới địa điểm mà họ khoan vào năm 1971 lại là một hố khí tự nhiên khổng lồ, ẩn mình bên dưới một tầng đất mỏng.
"Cổng địa ngục" ở Turkmenistan bốc cháy liên tục trong hơn 50 năm qua. Ảnh: Atlasobscura
Khi các nhà địa chất bắt đầu tiến hành khoan, lớp đất mỏng nhanh đã bị vỡ ra vì không thể chịu được trọng lượng của máy móc. Sau đó, mặt đất bị sụp đổ giống như hiệu ứng domino và cuối cùng dẫn tới một miệng hố lớn xuất hiện trên sa mạc. Khi đó các nhà địa chất cũng nhanh chóng nhận ra rằng họ gặp rắc rối.
Miệng hố đáng sợ này không chỉ nuốt chửng các thiết bị khoan của các chuyên gia mà còn khiến cho khí đốt tự nhiên liên tục bị rò rỉ. Mặc dù khí thoát ra chủ yếu mà metan không độc hại, nhưng nó vẫn có thể gây nên tình trạng khó thở. Rất nhanh sau đó các loài động vật hoang dã ở trên sa mạc Karakum đã bị ảnh hưởng và chúng bắt đầu chết dần.
Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, khí metan còn rất dễ cháy. Thực tế là nếu không khí chỉ cần chứa 5% khí metan thì cũng có thể gây ra một vụ nổ lớn. Chính vì vậy, với lượng lớn khí metan ở "Cổng địa ngục" có thể khiến cho khu vực này rất dễ phải đối mặt với thảm họa nghiêm trọng.
Đứng trước nguy cơ này, các chuyên gia đã nhanh chóng quyết định hành động. Đó là sử dụng phương pháp đốt có kiểm soát nhằm có thể loại bỏ được lượng khí dư thừa. Đây cũng là cách thức quen thuộc trong việc khai thác khí tự nhiên. Ban đầu, các nhà địa chất cho rằng đám cháy chỉ diễn ra trong vài tuần.
Thật không may, các nhà địa chất ở Karakum không biết họ đang xử lý bao nhiêu khí. Việc không lường trước được cách xử lý lượng khí lớn khiến phương pháp của các chuyên gia này đã vô tình đốt "Cổng địa ngục", gây ra một ngọn lửa cháy không ngừng nghỉ trong hơn 50 năm qua.
"Cổng địa ngục" trở thành điểm du lịch nổi tiếng
Vào năm 2010, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedow đã yêu cầu các nhà địa chất cùng các cơ quan chức năng liên quan tìm cách để dập tắt ngọn lửa.
"Cổng địa ngục" ở Turkmenistan trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách. Ảnh: Flickr
Turkmenistan là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên cao thứ 5 trên toàn cầu. Do đó, ông Berdimuhamedow lo ngại rằng ngọn lửa kéo dài ở "Cổng địa ngục" sẽ ảnh hưởng đến quá trình khai thác các mỏ khí đốt khác. Đồng thời điều này cũng có thể cản trở nghiêm trọng tới nguồn thu nhập của quốc gia này.
Tuy nhiên, các nhà địa chất cũng không thể tìm ra cách để dập tắt ngọn lửa dai dẳng này. Kể từ đó "Cổng địa ngục" đã trở thành một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch. Với một khu cắm trại ở gần đó, du khách có thể đi bộ đến gần miệng hố này.
Những người dân địa phương cho biết họ cũng có thú tiêu khiến là xem những con nhện rơi xuống miệng hố gas và bốc cháy.
Đặc biệt, vào năm 2013, George Kourounis, một nhà thám hiểm người Canada đã có quyết định bất ngờ khi nhảy xuống hố cùng với bộ đồ chống nhiệt.
Nhà thám hiểm George Kourounis cho biết, "Cổng địa ngục" giống như một hành tinh khác khi bốn bề đều rực cháy. Đặc biệt là mọi thứ đều tỏa ra ánh sáng màu cam từ ngọn lửa và có khí độc ở khắp mọi nơi.
Dập tắt "Cổng địa ngục"
Mặc dù hố khí gas Darvaza trở thành một điểm du lịch hấp dẫn nhưng ngành này ở Turkmenistan vẫn phát triển hạn chế. Bởi du khách cần phải có thị thực đặc biệt do công ty du lịch điều phối.
Với những lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe đối với cả con người và động vật, lý do kinh tế và môi trường, đầu tháng 1/2022, Tổng thống Turkmenistan đã ra lệnh cho các chuyên gia tìm cách để dập ngọn lửa này thêm một lần nữa.
Kể từ đó, các nhà khoa học đã cố gắng đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.
Một số nhà khoa học đề xuất giải pháp để dập tắt ngọn lửa kéo dài này.
Theo hãng tin Orient, một số nhà nghiên cứu đã đề xuất giải pháp là khoan một giếng nghiêng vào bể khí. Đây cũng là tác nhân đã cung cấp nhiên liệu cho "Cổng địa ngục". Các chuyên gia tin rằng việc khai thác khí từ giếng nghiêng này có thể giúp kiểm soát và dập tắt ngọn lửa kéo dài ở nơi đây.
Bên cạnh việc lên kế hoạch phong tỏa "Cổng địa ngục", các nhà chức trách ở Turkmenistan cũng đề nghị sự giúp đỡ của các nhà khoa học trên thế giới nhằm xử lý được ngọn lửa kéo dài ở khu vực này. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa ai dám chắc về ngọn lửa ở đây bao giờ mới được dập tắt.
Bài viết tham khảo nguồn: Theguardian, Allthatsinteresting, Newsweek