Quả tên lửa nhỏ - Hậu họa khôn lường: Saudi Arabia và Iran ở bờ vực sống còn?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến, Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc Phòng |

Saudi Arabia đã đe dọa Iran sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng khi cáo buộc Iran cung cấp tên lửa Burkan-H2 cho lực lượng Houthi tấn công sân bay quốc tế King Khalid ngày 4/11.

Từ cuộc can thiệp chưa có hồi kết

Cuộc can thiệp của Saudi Arabia vào cuộc nội chiến tại Yemen bắt đầu vào ngày 25/3/2015, trong chiến dịch "Bão táp quyết định" (Operation Decisive Storm) với sự tham gia của liên quân 10 nước (sau đây gọi tắt là Liên quân).

Chiến dịch này nhằm ủng hộ Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi được quốc tế công nhận (hiện đang sống lưu vong tại Saudi Arabia) để chống lại lực lượng dân quân Houthi và nhóm quân đội trung thành với cựu Tổng thống Yemen Saleh bị lật đổ trong Mùa xuân Ả rập năm 2012.

Những cuộc tiến công của Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, bằng cả không quân và lục quân đã gây nhiều thiệt hại cho lực lượng dân quân Houthi.

Tuy nhiên, Liên quân đã không tiêu diệt được hoàn toàn và đánh gục được ý chí của lực lượng Houthi. Ngược lại, chính Riyadh phải gánh chịu tổn thất từ các cuộc tấn công của Houthi bằng các loại tên lửa đạn đạo tầm xa vào tận sâu trong lãnh thổ.

Theo cáo buộc của Saudi Arabia, lực lượng dân quân Houthi "tồn tại" được là do Iran hậu thuẫn.

Đại tá Turki al-Maliki, người phát ngôn của Liên quân nói: "Iran cung cấp cho lực lượng dân quân Houthi "tất cả các loại vũ khí", từ máy bay trinh sát không người lái đến tên lửa đạn đạo. Các tên lửa đạn đạo Burkan-1 cũng được "sản xuất tại Iran".

Theo Liên minh này, các chuyên gia Iran đã huấn luyện kỹ thuật phóng tên lửa cho lực lượng Houthi. Hơn nữa, các chuyên gia quân sự Iran trực tiếp tham gia vào việc phóng tên lửa này vào các mục tiêu ở Saudi Arabia, Đại tá Maliki khẳng định.

Hôm 4/11 vừa qua, lực lượng Houthi đã phóng một quả tên lửa sang tận thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Mục tiêu của quả tên lửa này là sân bay quốc tế King Khalid tại thủ đô Riyadh, tuy nhiên tên lửa này đã bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn thành công.

Việc Saudi Arabia liên tiếp bị tiến công và đe dọa bị tiến công bằng tên lửa tầm xa mà nước này cáo buộc Iran cung cấp cho lực lượng Houthi, đã làm mối quan hệ giữa hai nước đến bên bờ vực chiến tranh.

Chuyên gia Boris Dolgov thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông của Học viện Khoa học Nga nhận định:

"Các sự kiện gần đây, đặc biệt là việc bắn phá Saudi Arabia từ lãnh thổ Yemen, rõ ràng đã làm trầm trọng thêm tình hình trong toàn khu vực, và mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran bên bờ vực của một cuộc chiến tranh".

Truy tìm nguồn gốc tên lửa Scud sửa đổi

Kể từ khi cuộc chiến bùng phát giữa Liên quân và lực lượng dân quân Houthi, lực lượng này đã nhiều lần tiến công vào sâu lãnh thổ Ả rập Xê út bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn, phần lớn là tên lửa Burkan-2.

Burkan là một phiên bản sửa đổi của hệ thống tên lửa chiến thuật Liên Xô (OTRK) 9K72 Elbrus. Hệ thống này sử dụng tên lửa đạn đạo R-17 (trong phân loại của NATO là Scud B) được Liên Xô phát triển từ những năm 1950.

Vũ khí này là một phần của di sản quân đội Liên Xô, tên lửa R-17 là tên lửa đạn đạo một tầng, sử dụng nhiên liệu lỏng, dẫn đường bằng con quay hồi chuyển nên mức độ chính xác không cao.

Trong những năm 1970, hệ thống tên lửa chiến thuật 9K72 Elbrus được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi sang khu vực Trung Đông, trong đó có Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen (Nam Yemen).

Sau khi thống nhất hai miền Nam, Bắc Yemen (1994), Yemen đã mua thêm nhiều tên lửa R-17 của Iran (được Iran sản xuất và cải tiến thành Burkan hay Shahab-2) thông qua Libya.

Đồng thời chính quân đội Yemen cũng dựa vào các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (có nguồn tin nói là Belarus) để cải tiến, nâng cấp tầm bắn cho số tên lửa của mình lên tới 1.000 km, đủ sức vươn tới các thành phố lớn của Saudi Arabia và cả Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Lần đầu tiên, Burkan được sử dụng vào tháng Tư năm ngoái để tiến công căn cứ không quân "King Fahd" của Saudi Arabia, các nhà máy lọc dầu, thánh địa Mecca…Lực lượng phòng không Saudi Arabia đã dùng các hệ thống tên lửa đất đối không Patriot để ngăn chặn.

Tuy nhiên, tỷ lệ bắn hạ thành công những tên lửa lạc hậu có từ thời Liên Xô này rất thấp, gây lo lắng trong giới quân sự và hoảng loạn trong dân chúng Saudi Arabia. Đồng thời, cũng gây nên mối căng thẳng giữa hai cường quốc Ả rập, đẩy hai nước đến sát miệng hố chiến tranh.

Quả tên lửa nhỏ - Hậu họa khôn lường: Saudi Arabia và Iran ở bờ vực sống còn? - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo Burkan-1

Tương quan lực lượng

Theo quan điểm về nhân lực, Iran có nhiều lợi thế trong cuộc chiến (nếu xảy ra) với Saudi Arabia, như lời trích dẫn của Đại tá Semyon Bagdasarov giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Á của Nga.

Sức mạnh của lực lượng vũ trang của Iran bao gồm lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có từ 600 - 900 nghìn người; cộng thêm một nguồn lực huy động đáng kể, đặc biệt là đội quân bán quân sự Basij. Lực lượng dự bị dưới quyền của IRGC, có thể đến một vài triệu người.

Quân số của Lực lượng vũ trang Hoàng gia Saudi Arabia, cùng với các lực lượng bảo vệ quốc gia và các tổ chức bán quân sự - khoảng 220 nghìn người.

Cần lưu ý rằng, Saudi Arabia đứng thứ tư trên thế giới về chi tiêu quân sự (chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nga). Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết: năm 2017, Saudi Arabia chi 63,7 tỷ USD cho quốc phòng (tương đương 10% GDP của họ).

Trong xếp hạng tương tự, Iran đứng thứ 19 với 12,3 tỷ USD cho chi tiêu quân sự (tương đương 3% GDP). Iran có một số lượng lớn xe tăng, máy bay chiến đấu, kể cả tự sản xuất mà Saudi Arabia không có.

Theo các nguồn tin chính thức, hơn 1.600 xe tăng đang được phục vụ trong quân đội Iran, trong đó có 150 chiếc Zulfikar do Iran sản xuất (dựa trên thiết kế của T-72, M48, M60 của Mỹ và Liên Xô), và khoảng 480 xe tăng T-72.

Số máy bay chiến đấu ước tính khoảng 300 chiếc, trong đó có MiG-29, Su-24 và Su-25 của Liên Xô.

Lực lượng hùng hậu và nguy hiểm nhất của Iran là lực lượng tên lửa chiến thuật - chiến dịch. Các loại tên lửa này đa dạng, có nhiều tầm bắn khác nhau; trong đó tên lửa Shahab-3 có tầm bắn lên tới 2.000 km.

Theo các chuyên gia, quân đội Saudi Arabia có khoảng 450 xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ, cùng một lượng tương đương M2 Bradley và khoảng 2.000 xe bọc thép. Không quân Hoàng gia có hơn 260 máy bay chiến đấu (trong đó có 152 F-15, 81 Tornado và 32 Eurofighter Typhoon).

Saudi Arabia đã mua của Trung Quốc khoảng 60 tên lửa đạn đạo có thể là loại DF-3 với tầm bắn lên tới 2.500 km. Đánh giá mức độ hiện đại thì vũ khí của Saudi Arabia hiện đại hơn Iran nhiều lần.

Quả tên lửa nhỏ - Hậu họa khôn lường: Saudi Arabia và Iran ở bờ vực sống còn? - Ảnh 2.

Lực lượng không quân Saudi Arabia tham chiến tại Yemen

Chiến trường ủy nhiệm nào giành cho Saudi Arabia và Iran?

Một cuộc chiến trực tiếp giữa Iran và Saudi Arabia là rất khó xảy ra. Trước hết, Iran có một tiềm lực quốc phòng tương đối mạnh mà ngay đến Mỹ cũng phải kiêng nể, nên Saudi Arabia chỉ tuyên bố mạnh miệng chứ chưa chắc dám động binh.

Thứ hai, Yemen không có quá nhiều lợi ích của Saudi Arabia ở đó để nước này có thể chơi tất tay với Iran.

Điều thứ ba hết sức quan trọng là Mỹ không bao giờ ủng hộ Saudi Arabia tiến công Iran trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực như hiện nay.

Trong tình huống xấu nhất, nếu cuộc chiến xảy ra thì việc lưu thông dòng dầu mỏ qua eo biển Hormuz sẽ bị tắc nghẽn. Điều này sẽ gây bất lợi cho cả hai nước, bởi vì hiện tại Saudi Arabia đứng thứ hai thế giới về sản lượng và sản xuất dầu thô; Iran đứng thứ tư.

Vì vậy, trong điều kiện hiện nay theo các chuyên gia, thay vì một cuộc chiến trực tiếp, sẽ có một cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai nước, đấy chính là chiến trường Syria. Chính xác hơn là ở các vùng phía Nam của Syria, giáp biên giới với Jordan và Iraq.

Khu vực này hiện nay đang chịu sự kiểm soát của cả hai lực lượng, đó là chính phủ Syria và nhóm Lebanon Shiite "Hezbollah" (hợp tác với Damascus, nhưng thân Tehran). Ở phía chiến tuyến đối lập chính là lực lượng đối lập Syria, quân đội tự do Syria (FSA) có liên quan chặt chẽ với Saudi Arabia.

Một khu vực dễ bị tổn thương khác là khu vực Rakka. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, cựu Ngoại trưởng Iran Ali-akbar Velayati cho biết Iran sẽ hỗ trợ để giải phóng Rakka. Tuy nhiên, khu vực này gần đây đã nằm trong tay lực lượng dân chủ Syria (thân Saudi Arabia).

Ở chiều ngược lại, Saudi Arabia đã tuyên bố ủng hộ kinh phí khôi phục cơ sở hạ tầng tại Rakka, hỗ trợ nhân đạo cho SDS và Liên đoàn người Kurd của miền Bắc Syria. Theo các chuyên gia nhận định, đây là một dấu hiệu trực tiếp về vụ va chạm có thể xảy ra.

Tình hình chiến sự ở Yemen có thể tiếp tục leo thang và Saudi Arabia là quốc gia tiếp theo ở khu vực chảo lửa Trung Đông bị cuốn vào cuộc chiến.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi sự hành động có trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực, ngăn không để tình hình thêm căng thẳng, mà điều đó có thể rất dễ dẫn đến một cuộc chiến tranh không mong muốn.

Video Saudi Arabia đánh chặn tên lửa của Houthi phóng đi từ Yemen

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại