Nước Anh đã trải qua nhiệt độ nóng nhất chưa từng thấy vào tháng 7 khi hầu hết băng tuyết ở châu Âu đang tan chảy. Nhiệt độ cao tiếp tục quay trở lại Anh trong tuần này.
Trước cảnh báo về nắng nóng khắc nghiệt, công đoàn công nhân Anh GMB đã kêu gọi chính phủ nhanh chóng thông qua luật "quá nóng để làm việc" càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ những người lao động tránh làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm đến sức khỏe.
Trong lời kêu gọi của GMB đã đặt ra câu hỏi: Khi nào thì quá nóng để làm việc và tại sao chúng ta không có nhiều quy định hơn về nó?
Châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục
Ở Anh, không có quy định nào xác định mức độ nóng ở nơi làm việc trước khi người lao động có thể yêu cầu được đưa về nhà một cách chính đáng. Trong khi đó, ở một số nước châu Âu, họ đã có những quy định riêng để bảo vệ người lao động.
Nước Pháp
Tại quốc gia này, "Code du Travail" (Bộ luật lao động Cộng hoà Pháp), không xác định nhiệt độ tối đa cho phép tại nơi làm việc nhưng nó yêu cầu những người sử dụng lao động phải đảm bảo cho các nhân công làm việc trong điều kiện an toàn, bao gồm việc bảo vệ họ khỏi những rủi ro do nhiệt độ quá cao gây ra.
Theo một điều khoản của bộ luật, người sử dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng phải cung cấp cho công nhân của họ ít nhất 3 lít nước mỗi ngày. Một điều khoản khác cho phép người lao động gián đoạn công việc khi họ cảm thấy tính mạng bị đe dọa.
Nắng nóng khắc nghiệt đe doạ sức khoẻ của các lao động làm việc ngoài trời
Nước Ý
Luật lao động ở Ý tương tự như ở Pháp khi yêu cầu người sử dụng lao động phải đảm bảo cho nhân viên của mình thực hiện công việc một cách an toàn.
Theo phán quyết năm 2015 của tòa phúc thẩm Pháp, người lao động có quyền dừng công việc mà không bị giảm thu nhập hoặc bị sa thải nếu người chủ không đảm bảo các điều kiện an toàn hoặc bắt họ làm việc trong nền nhiệt độ "cấm". Nhưng nước này vẫn chưa đưa ra được mức nhiệt độ nóng tối đa để bảo vệ cho người lao động.
Nước Đức
Khi nhiệt độ tăng cao ở Đức, người dân cũng bắt đầu hỏi về quyền lợi của họ khi đối mặt với cái nóng ở nơi làm việc. Đức đặt ra nhiệt độ tối đa ở nơi làm việc là 26 độ C trong trường hợp bình thường, nhưng đây không phải là giới hạn được quy định trong luật. Nếu nhiệt độ vượt quá 26 độ C, người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng người lao động làm việc trong điều kiện an toàn, bao gồm cung cấp nước uống và cho phép nghỉ giải lao.
Khi một nơi làm việc đạt đến nhiệt độ vượt quá 35 độ C, được coi là "không thích hợp" cho công việc trừ khi các biện pháp khác được thực hiện. Điều đó không có nghĩa là người lao động được phép về nhà. Thay vào đó, người sử dụng lao động phải tìm cách làm mát để cải thiện tình hình.
Người dân châu Âu đang phải vật vã với cái nóng kỷ lục
Tây Ban Nha
Khác với những quốc gia ở trên, Tây Ban Nha quy định nhiệt độ tối đa tại nơi làm việc khá rõ ràng.
Viện Quốc gia về Vệ sinh và An toàn tại Nơi làm việc của nước này tuyên bố rằng nhiệt độ từ 17 đến 27 độ C là bắt buộc đối với công việc trong văn phòng, trong khi công việc đòi hỏi vận động thể chất nên được thực hiện ở nhiệt độ từ 14 đến 25 độ C.
Nếu người sử dụng lao động không tuân thủ những yêu cầu này, người lao động có thể báo cáo với chính quyền, Thanh tra xã hội (Thanh tra lao động và an sinh xã hội) hoặc liên đoàn người lao động để đảm bảo rằng họ tuân thủ luật pháp.
Các nghiệp đoàn ở châu Âu đang cố gắng yêu cầu các chính phủ đưa ra nhiệt độ tối đa cho phép làm việc và chủ đề này đang ngày càng gây tranh cãi khi hành tinh nóng lên và sóng nhiệt trở nên thường xuyên hơn.
Nguồn: Euronews