Quá lệ thuộc vào "hàng hiếm" của TQ, Mỹ vô tình lộ điểm yếu: TQ có thể dễ dàng nắm thóp Mỹ?

Hồng Anh |

Trong bài xã luận được đăng tải trên trang Fox News, Hạ nghị sĩ Lou Barletta đã bình luận về sự lệ thuộc "nguy hiểm" vào Trung Quốc của Mỹ.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Hạ nghị sĩ Mỹ Lou Barletta.

---

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống của người Mỹ không phải là những điều bạn thường nghe thấy trên truyền hình hay báo đài. Nhưng nó có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi thứ trong đời sống hàng ngày của chúng ta, từ lĩnh vực an ninh-quốc phòng cho tới những chiếc điện thoại di động của người Mỹ.

Thứ tôi đang nói đến trên đây chính là đất hiếm, nguyên liệu mà chúng ta đang gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ nguồn cung đất hiếm trên thế giới. Loại nguyên liệu này không chỉ được sử dụng để chế tạo các vật dụng hằng ngày của người dân như điện thoại di động, máy tính và xe hơi, mà còn rất quan trọng đối với nhiều loại khí tài đang được sử dụng trong quân đội Mỹ.

Chỉ trong năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất hơn 80% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Số liệu trong giai đoạn năm 2013-2016 cho thấy 78% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ là từ Trung Quốc. Và nếu chỉ tính riêng ở khu vực Bắc Mỹ, thì loại nguyên liệu này đã đóng góp những 329 tỉ USD trong tổng sản lượng kinh tế tại khu vực này.

Trong những tháng vừa qua, có thể thấy Trung Quốc sẵn sàng tận dụng những lợi thế của họ trong thương mại làm vũ khí để chống lại nước Mỹ, ví dụ như các nguyên liệu quan trọng, "đánh" vào việc làm của người dân, và theo đó làm tổn hại tới an ninh quốc gia của chúng ta.

Và chúng ta cũng biết rằng Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở mức sử dụng đất hiếm làm con bài mặc cả. Năm 2010, Bắc Kinh từng tạm ngưng xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản vì một vụ tranh chấp biển đảo (tại vùng biển Hoa Đông).

Quá lệ thuộc vào hàng hiếm của TQ, Mỹ vô tình lộ điểm yếu: TQ có thể dễ dàng nắm thóp Mỹ? - Ảnh 2.

Đất hiếm là loại nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Mỹ. Ảnh: Rdmag.

Sự lệ thuộc "nguy hiểm"

Sự lệ thuộc quá mức của chúng ta vào nguồn đất hiếm của Trung Quốc ngày càng trở nên nguy hiểm hơn đối với an ninh quốc gia, khiến cả Lầu Năm Góc cũng đã phải bày tỏ lo ngại về vấn đề này.

Vừa qua, Bộ Quốc phòng (Mỹ) đã trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump một bản báo cáo mới, trong đó nhấn mạnh vào những điểm yếu của các cơ sở công nghiệp và sản xuất quốc phòng của Mỹ.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất được đề cập trong bản báo cáo trên của Bộ Quốc phòng là việc Trung Quốc kiểm soát nguồn cung của nhiều loại nguyên vật liệu quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, trong đó có đất hiếm.

Chúng ta không thể tiếp tục dựa dẫm một cách không lành mạnh vào Trung Quốc như thế này. Tin tốt là nước Mỹ cũng có nguồn đất hiếm không hề nhỏ trong các mỏ than anthracite tại bang Pennsylvania. Thực tế, hoạt động khai thác đất hiếm đã được tiến hành trong hơn 150 năm nay ở vùng Đông Bắc của bàng Pennsyvalnia.

Các nghiên cứu cho thấy mỏ than ở dãy Appalachia có hàm lượng đất hiếm cao nhất tại Mỹ. Và các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra cách trích xuất đất hiếm từ các phế phẩm than đá ở núi Appalachia thân thiện với môi trường hơn các cách thức truyền thống, hơn nữa còn ít tốn năng lượng hơn.

Quận của tôi (quận 11 của bang Pennsylvania) cũng đang tiến hành gọi vốn cho một dự án nghiên cứu cách cách trích xuất đất hiếm từ các phế phẩm trong quá trình khai khoáng. Bây giờ chính là thời điểm chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư vào việc nghiên cứu trích xuất đất hiếm, và các dự án có thể giúp chúng ta chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tôi rất vui khi những vấn đề này được Lầu Năm Góc coi là ưu tiên trong bản báo cáo về hoạt động của các cơ sở công nghiệp và sản xuất quốc phòng Mỹ. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất các nguyên vật liệu quan trọng này trong nước.

Và nếu làm được điều đó, thì chúng ta sẽ có thể củng cố an ninh quốc gia, tạo công ăn việc làm tốt cho người dân Mỹ, và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ ngày càng phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại