Tôi đã có dịp ngồi trên quán bar tầng thượng của khách sạn Kingsbury, Colombo, Sri Lanka. Khách sạn này nằm ngay giữa Cảng Colombo và công viên Galle Face, chỉ cách bờ biển 100m, đứng trên tầng 9 vẫn có thể nghe tiếng sóng vỗ rì rào.
Khung cảnh tưởng như bất biến ấy hóa ra lại không. Khách sạn Kingsbury không chuyển đi đâu cả, nhưng đường bờ biển thì có.
"Thêm đất là thêm tiền"
Ở nơi giao nhau giữa Ấn Độ Dương và Bờ Tây Colombo sẽ sớm mọc lên một thành phố hiện đại với các tòa nhà chọc trời, khách sạn hạng sang, trung tâm mua sắm, bến du thuyền và thậm chí là đường đua Công thức 1.
Dự án thành phố cảng Colombo khi hoàn thiện sẽ là một trung tâm thương mại của thế giới.
Có tên "thành phố Cảng Colombo", dự án trị giá 1,4 tỉ USD, với quy mô 233 hecta này được thực thi bằng nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Trung Quốc.
Đứng trên tòa nhà cao tầng, tôi tận mắt nhìn thấy quá trình lấp đất. Một bức tường đá được dựng trên bờ biển, để chặn và giữ trầm tích. Lớp vật chất ấy dần dà sẽ thành đất rắn.
Quá trình bồi lấp biển đang diễn ra ở Sri Lanka.
Trung Quốc đã làm như thế từ thời nhà Thanh (1644-1911) để giữ các lớp trầm tích ở sông và biển làm tăng diện tích đất trồng trọt, và nuôi trồng thủy sản. Ngày nay, có tới 700 km2 đất đang được bồi lấp dọc bờ biển lục địa Trung Quốc mỗi năm để xây cảng biển.
"Thêm đất là thêm tiền - với lợi nhuận gấp hàng trăm lần, và quy mô đô thị được mở rộng", Liu Hongbin, giáo sư tại Đại học Hải dương Trung Quốc giải thích.
Tuy nhiên, đường bờ biển Colombo không phải là thứ duy nhất bị thay đổi.
Điều Mỹ, Nhật, EU, Ấn Độ lo ngại
Theo Diplomat, Trung Quốc dự tính trục lợi trực tiếp từ thành phố cảng Colombo.
Ban đầu, Trung Quốc và Sri Lanka có quyền lợi ngang bằng nhưng trước những lo ngại về chủ quyền và sự phản đối của Ấn Độ, cuối cùng Bắc Kinh đã chấp nhận làm hợp đồng thuê khoảng đất mới trong 99 năm.
Đây là trường hợp quy mô nhất về FDI ở Sri Lanka.
Mặc dù thành phố cảng Colombo do Sri Lanka thai nghén và ban đầu do công ty địa phương phát triển nhưng bây giờ, Trung Quốc đã đảm nhiệm 100% dự án.
Công tác xây dựng bắt đầu từ tháng 3/2011 nhưng vì nhiều lí do mà nó bị chững lại. Dự án sau đó được tái khởi động vào tháng 9/2014 với một lễ khởi công hoành tráng, có cả Tổng thống Sri Lanka lúc đó Mahinda Rajapaksa và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự.
Khi được xây dựng, thành phố cảng Colombo sẽ trở thành một khu vực ngoài lãnh thổ với một số đặc quyền riêng liên quan tới thương mại và đầu tư. Đây sẽ là nơi các thương nhân trên khắp thế giới đổ về, giao dịch, ngay tại trung tâm Ấn Độ Dương.
Điều đáng ngại là những dự án thương mại này có thể phục vụ cho các mục đích khác, ví dụ như quân sự. Và mối lo ấy càng được xác thực khi tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc được triển khai tới Cảng Nam Colombo vào năm 2014.
Vị trí tâm điểm của Sri Lanka giữa phương Đông và phương Tây là một trong nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng là ngọn nguồn của những thách thức lớn lao nhất.
Quả bom hẹn giờ
Giữa những lo ngại về chủ quyền lãnh thổ và địa chính trị, dự án được coi là một "quả bom hẹn giờ", vì khả năng hủy hoại vành đai ven biển.
Những rặng san hô với môi trường sống phong phú như thế này đang biến mất ở Sri Lanka.
Theo nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ Môi trường, sau khi dự án được khởi động, hoạt động của các dòng chảy đã thay đổi. Việc khai thác cát ở Thamba Gala, cách công trường 7km, cùng việc bồi lấp biển đã gây ra những hậu quả cho môi trường sinh thái.
Các chuyên gia môi trường cho biết: một số rặng san hô ở bờ biển phía Tây đã bị phá hủy, khiến nhiều loài cá mất chỗ sinh sản. Lượng cá giảm đột ngột, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 30.000 ngư dân trong vùng.
Thế nhưng, Sri Lanka hoàn toàn không nhận thức được hệ quả mà nước này phải đối mặt, một khi thành phố cảng Colombo đi vào hoạt động.
"Vậy Sri Lanka được lợi gì?"
"Đầu tư", Deshal de Mel, một nhà kinh tế ở Hayleys Plc ở Colombo trả lời không chút lưỡng lự "Ý tôi là cơ hội này sẽ tạo ra việc làm".
Chính vị trí của Sri Lanka là thứ thu hút người Trung Quốc. Nằm chơi vơi ở điểm chót của tiểu lục địa Ấn Độ, khu vực vận tải đường thủy đông đúc nhất thế giới, Sri Lanka trở thành trung tâm giao thương.
Nhưng Sri Lanka có nhất định phải tìm tới Trung Quốc không? Thực ra mọi chuyện đều có nguyên do của nó.
Giữa năm 2006 và 2009, EU và Mỹ đã ngừng phần lớn hỗ trợ kinh tế và viện trợ cho Sri Lanka sau khi nước này mắc phải nhiều cáo buộc về vấn đề nhân quyền trong thời gian nội chiến.
"Thế rồi Trung Quốc tới và ngồi vào chỗ trống đó", Weerakoon nói.
Khi phương Tây tìm cách gây áp lực kinh tế và chính trị lên Sri Lanka, họ đã vô tình đẩy nước này tới gần Trung Quốc hơn.
Đúng lúc nguồn tiền từ phương Tây bị gián đoạn, Trung Quốc nhảy vào thế chỗ, bơm cho Sri Lanka hơn 4,8 tỉ USD dưới dạng các khoản vay mềm để phát triển hạ tầng.
"Đó là hướng tiếp cận của Trung Quốc", Weerakoon giải thích, "Họ sẽ cho bạn tiền và để bạn làm cái gì bạn muốn. Họ không rao giảng cho bạn về nhân quyền".
Trong những năm sau đó, Sri Lanka cơ bản đã trở thành tiền đồn cho sự phát triển của Trung Quốc. Hàng loạt dự án hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ bắt đầu sinh sôi khắp đất nước mặc dù các dự án này cực kỳ tăm tối và tham nhũng.
Cũng chính tình trạng tham nhũng đã châm ngòi cho làn sóng bất bình trong nước và dẫn tới chiến thắng cho phe đối lập trong kỳ bầu cử 2015. Dự án thành phố cảng được lấy làm biểu tượng cho giai đoạn cầm quyền đầy điều tiếng của Rajapaksa.
Y lời hẹn ước, sau khi đắc cử, phe đối lập cho ngừng hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc và tập trung vào các mối quan hệ quốc tế của Sri Lanka.
Không cần nói cũng biết, Trung Quốc không hài lòng và khẳng định việc dự án thành phố cảng bị đình trệ có thể mang tới những hệ quả mạnh mẽ về đầu tư và viện trợ của Trung Quốc.
Nhưng ở thời điểm này, chính phủ mới của Sri Lanka chỉ hi vọng 2 điều: Liên Hợp Quốc dễ dãi hơn trong vấn đề tội ác chiến tranh và có lại nguồn viện trợ của phương Tây. Hai mục tiêu này khá thành công.
Tháng 9/2015, Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền đã ban hành báo cáo điều tra mới về tội ác chiến tranh của Sri Lanka. Trong khi đó, EU và Mỹ cũng rục rịch đem các dự án viện trợ trở lại.
Khi quan hệ với phương Tây được cải thiện, Sri Lanka bắt đầu nhìn lại phía Đông để "làm lành" với Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc các dự án hạ tầng của Bắc Kinh được tiếp tục.
"Họ quay đầu lại bởi họ đã nhận ra thực tế về tình hình địa chính trị", Weerakoon nhận định, "Bởi Mỹ và Ấn Độ không thể đổ tiền nhiều như Trung Quốc".
Khi ngồi ở sân bay Quốc tế Bandaranaike đợi chuyến bay, tôi thấy màn hình phát đi phát lại đoạn quảng cáo về thành phố cảng Colombo. Lần tới nếu có cơ hội đứng trên sân thượng khách sạn Kingsbury, có lẽ cảnh tượng đã thay đổi nhiều lắm.