"Phương án B": Ám sát Assad

Đức Huy |

Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) mới đây đã đăng tải bài viết phân tích những "phương án B" mà IS có thể đã tính đến đề phòng trường hợp Nhà nước Hồi giáo sụp đổ.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang suy yếu.

Chỉ trong vài tháng, IS đã thất thủ tại Ramadi và Palmyra, và với những bước tiến của lực lượng người Kurd cũng như quân chính phủ Syria, tổ chức khủng bố này nhiều khả năng sẽ còn mất thêm lãnh thổ trong tương lai.

Không những vậy, IS cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ, như binh lính đào ngũ hàng loạt, nguồn tài chính bị tàn phá do các nhà máy lọc dầu và kho trữ tiền mặt dính không kích. Các phần tử khủng bố "đầu sỏ" cũng liên tục bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, "ngày tàn" của IS vẫn chưa có vẻ gì đã cận kề. Tổ chức này vẫn kiểm soát những thành trì trọng yếu như "thủ đô" Raqqa, thành phố Mosul, các khu vực bao quanh tỉnh Nineveh, và các khu người Sunni tại tỉnh Anbar.

Phương án B: Ám sát Assad - Ảnh 1.

Các tay súng IS diễu hành trên đường phố Raqqa. Ảnh: Reuters

Rõ ràng IS sẽ không đầu hàng. Và nếu nhìn vào những hành vi tàn độc mà tổ chức này đã làm, cũng như mục tiêu của những kẻ cầm đầu nhằm thiết lập một nhà nước vận hành theo luật sharia, thì chắc chắn giải pháp thương lượng cũng nên "vứt xó".

Trong quá khứ, tầng lớp điều hành những nhóm nổi dậy cực đoan vẫn có khả năng "làm chính trị", hay nói cách khác là có thể thỏa hiệp với chính phủ sở tại để đạt được mục đích, nhưng IS thì chắc chắn không thể làm như vậy.

Đó là lý do tại sao, Abu Bakr al-Baghdadi và bộ sậu của hắn nếu chưa thì chắc chắn cũng sẽ sớm chuẩn bị sẵn một phương án dự phòng, một "kế hoạch B" khiến IS vẫn có thể gieo rắc tai họa dù thế lực đã suy yếu. Dưới đây là một số phương án tổ chức này có thể đang cân nhắc.

1. Hoạt động ngầm

Giống như một số nhóm nổi dậy cực đoan khác trong quá khứ, mà điển hình là những gì Taliban đã và đang làm ở Afghanistan, IS có thể thiết lập một mạng lưới ngầm để ẩn mình hoạt động, áp dụng luật sharia thay vì luật của nhà nước, giúp tổ chức này có được vị thế trong một số nhóm dân cư nhất định.

Tuy nhiên, mặt trái của phương án này là IS sẽ mất đi rất nhiều các tay súng nước ngoài, bởi dù năng lực tình báo của Syria hay Iraq vẫn còn hạn chế, song ngoại hình cũng như khác biệt về văn hóa khiến các phần tử này khó lòng trà trộn vào người dân địa phương.

Điều này cũng một phần lý giải tại sao khoảng 20-30% các tay súng gia nhập IS từ các nước châu Âu đã hồi hương. Một số tay súng nước ngoài khác có thể đầu quân cho al-Nusra, nhánh al-Qaeda tại Syria.

2. Di cư

Trong trường hợp nguy cấp, các phần tử cầm đầu IS có thể chuyển tới một "thánh địa" cực đoan khác như Libya. Việc di cư sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh một Nhà nước Hồi giáo, một caliphate mà IS vẫn tự quảng cáo, song điều đó sẽ kéo dài tuổi thọ cho tổ chức này.

IS vẫn sẽ phải đối đầu với các nhóm vũ trang địa phương tại Libya để mở rộng lãnh địa, nhưng nếu chính phủ Mỹ và phương Tây tránh không sa vào "vũng lầy" Libya, thì có lẽ Nhà nước Hồi giáo cũng coi đây là một canh bạc đáng chơi.

Phương án B: Ám sát Assad - Ảnh 2.

IS đã "vươn vòi" sang Libya trong năm qua. Ảnh: al-Jazeera

Nhưng "hi sinh" lớn nhất mà IS phải gánh chịu nếu chuyển bộ máy điều hành sang Libya lại mang tính tôn giáo. Các phần tử cực đoan sẽ phải rời xa Syria, rời xa al-Sham, rời xa thị trấn Dabiq, nơi chúng tin rằng sẽ là trận địa của cuộc tử chiến cuối cùng giữa cái thiện và cái ác.

Những kẻ cuồng tín cũng sẽ vì thế mà rời bỏ IS. Nhưng chí ít thì tổ chức này vẫn sẽ giữ được bộ sậu của chúng, và cùng với đó là các phần tử trung thành.

3. Đẩy mạnh "làm liều"

"Kế hoạch B" của IS cũng có thể là một đợt tấn công liều lĩnh nhằm hủy hoại tinh thần và đánh lạc hướng đối thủ.

Theo Foreign Policy, đợt tổng công kích của IS có thể bao gồm một phi vụ ám sát Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một loạt các vụ tấn công nhắm vào Baghdad hay Damascus, hoặc một vụ khủng bố được tính toán kĩ lưỡng với mục đích kéo Mỹ hoặc châu Âu sa vào chiến tranh.

IS cũng có thể tính đến việc tấn công thánh địa Mecca, hay thậm chí cả thủ đô Riyadh, như một điểm nhấn sau những vụ khủng bố nhắm vào Saudi Arabia trong thời gian qua.

Để chứng minh cho những phần tử cực đoan cuồng tín thấy rằng Nhà nước Hồi giáo vẫn là một thế lực đáng gờm, "kế hoạch B" của IS còn có thể bao gồm các động thái gây bất ổn tại Jordan hay Lebanon, tấn công Israel, hay một vụ khủng bố tại bắc Caucasus để "trừng phạt" Nga.

Cái giá phải trả về mặt lực lượng cho những đợt tấn công liều lĩnh sẽ là rất lớn, nhưng chúng hoàn toàn có thể thay đổi cục diện giao tranh hiện nay, đặt các "ông lớn" vào thế phải đáp trả, đồng nghĩa với việc IS đã đạt được mục đích.

Người dân trên toàn thế giới sẽ lại phải trải qua một thảm kịch kinh hoàng, còn những phần tử cực đoan cuồng tín sẽ lại được củng cố lòng tin để rồi đầu quân cho IS.

---

Thách thức lớn nhất với tổ chức này hiện tại cũng như trong tương lai là khả năng tồn tại mà không có lãnh thổ. Không có lãnh thổ đồng nghĩa với việc không có thu nhập từ thuế, và túi tiền rỗng sẽ sinh bạo loạn nội bộ.

Không loại trừ khả năng đảo chính xảy ra ngay trọng bộ sậu IS, các "đệ tử" của Baghdadi hoàn toàn có thể làm phản, vì khó mà yên được lòng quân khi đánh đâu thua đấy, tiền thì mất, đất cũng chẳng còn.

Nhưng không phải vì thế mà các nước có thể yên chí chờ đợi một ngày IS lụi tàn. Dù IS có chọn phương án dự phòng nào, thì có một điều chắc chắn: tổ chức này vẫn sẽ là một nỗi ám ảnh tâm lý

Do đó, bất kể liệu IS có hoạt động ngầm, di cư, hay tấn công liều lĩnh, thì các nước đi đầu trong chiến dịch chống khủng bố luôn phải sẵn sàng phản ứng trước mọi tình huống.

Bởi khi bị dồn vào chân tường, IS sẽ càng nguy hiểm hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại