QĐ Nga thần tốc rút khỏi Syria: Cơ hội đến với Mỹ quá nhanh hay cái bẫy cao tay?

Ngọc Huy |

Trong thời gian gần đây, Nga đã liên tiếp rút bớt lực lượng quân sự đồn trú tại Syria về nước đã gây được sự quan tâm của giới phân tích quân sự quốc tế.

Nga rút quân trong bối cảnh chiến cục tại Syria vẫn chưa ngã ngũ liệu có là cơ hội cho Mỹ và phe đối lập trỗi dậy hay hành động rút quân là bước đi mang nhiều tính toán khác của Moscow. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, sau 3 năm đổ xương máu và công sức tại Syria, Nga chắc chắn sẽ không về tay không.

Chiến cục Syria đã được định đoạt với sự hỗ trợ của Nga

Có thể thấy rõ ràng, tình thế hiện tại ở Syria cơ bản đã được phân định với ưu thế hoàn toàn thuộc về lực lượng chính phủ Syria và khả năng Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ gần như đã không còn.

Ở tình thế hiện tại, kể cả Mỹ và đồng minh có tính tới kịch bản không kích Syria cũng không thể xoay chuyển được tình hình khi phe đối lập do phương Tây hậu thuẫn cơ bản không còn khả năng chiến đấu.

Trong khi đó lực lượng người Kurd cũng đang nằm trong thế "tiến thoái lưỡng nan" khi bị nhiều thế lực trong khu vực khống chế, không có khả năng làm biến chuyển cục diện tại Syria. Để bàn cờ thế Syria như hiện tại, không ai khác chính là Nga đã góp công lớn.

QĐ Nga thần tốc rút khỏi Syria: Cơ hội đến với Mỹ quá nhanh hay cái bẫy cao tay? - Ảnh 1.

Khinh hạm hiện đại của Nga

Chính Moscow đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để phân hóa phe đối lập tại Syria và cô lập các phe nhóm này tại Idlib; đạt được thỏa thuận với Israel về việc rút bớt lực lượng chiến binh Shitte, Iran và Hezbollah ra khỏi Daraa để Quân đội Syria có thể rảnh tay truy quét lực lượng đối lập tại khu vực miền Nam Syria.

Đồng thời, Nga cũng thiết lập các vùng giảm xung đột với Mỹ để chặn đứng bước tiến của liên minh người Kurd sang bờ Tây sông Euphrates…

Đây chính là những điều kiện quan trọng để lực lượng chính phủ Syria giành được những thắng lợi quan trọng tại Aleppo, Đông Ghouta, Hama, Homs và hiện tại là Darya. Sau khi chiến dịch tại Darya kết thúc, Damascus sẽ kiểm soát hơn 70% lãnh thổ và hơn 80% dân số Syria. Idlib có thể là trận chiến cuối cùng kết thúc nội chiến ở Syria.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa cần tính tới, sau 3 năm có mặt tại Syria, Nga đã giúp quốc gia Cận Đông này có lực lượng quân sự được tái tổ chức lại, khác hẳn với thời kỳ nội chiến nổ mới ra.

Những đơn vị quân đội Syria hiện tại có kỷ luật, khả năng chiến đấu cao. Thực tế này đã được chứng minh trên chiến trường có sự hiện diện của Quân đoàn 5, các đơn vị phối thuộc với đặc nhiệm Hổ…

Tất nhiên, Moscow không bao giờ chủ quan. Việc rút bớt lực lượng, không nghĩa là rút quân hoàn toàn. Các đơn vị rút về phần lớn là các lực lượng tham chiến trực tiếp. Nga sẽ vẫn duy trì lực lượng nhất định tại Syria để kiểm soát tình hình, cũng như đảm bảo sự hiện diện lâu dài tại quốc gia Cận Đông này.

Với những yếu tố trên, tình thế hiện tại đã như bàn tiệc bày sẵn cho lực lượng chính phủ Syria và sự hiện diện trực tiếp của lực lượng quân sự Nga trên chiến trường có vẻ như không còn cần thiết. Tuy nhiên, đó là phần nổi của tảng băng chìm, đằng sau hành động rút quân của Moscow, còn mang nhiều ý nghĩa khác.

QĐ Nga thần tốc rút khỏi Syria: Cơ hội đến với Mỹ quá nhanh hay cái bẫy cao tay? - Ảnh 2.

Quân đội Syria đã giành được nhiều chiến thắng quan trọng.

Rút quân là để chuẩn bị cho tương lai của Syria

Syria là quốc gia đa tôn giáo, sắc tộc và để giải quyết triệt để cuộc nội chiến đang diễn ra không chỉ có hành động quân sự, mà cần thiết hơn nữa là vấn đề hòa giải dân tộc. Việc này sẽ chỉ có thể do người Syria quyết định, chứ không phải từ yếu tố nước ngoài.

Có thể thấy, sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria vào năm 2015 là để cứu chính phủ Syria khỏi sụp đổ, những rõ ràng nó cũng tạo làn sóng phản đối trong các phe phái ở Syria đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad khi phụ thuộc vào nguồn lực từ nước ngoài để giải quyết xung đột.

Tuy nhiên, hành động can thiệp quân sự của Nga vào Syria là bắt buộc vào năm 2015. Tới thời điểm hiện tại, tình thế hiểm nghèo đối với Damascus đã được giải quyết và ưu tiên trên hết là hòa giải dân tộc, chia sẻ quyền lực để nhanh chóng kết thúc nội chiến.

Nga rút quân chính là đang tạo thế chính danh cho Damascus để tự tay giải quyết nội chiến bằng cả ngoại giao và quân sự. Đó là hành động hoàn toàn hợp lý.

Về phía Nga, sau 3 năm tham chiến, đặc biệt là sau tuyên bố hoàn thành chiến dịch chống khủng bố tại Syria của Tổng thống Vladimir Putin cuối năm 2017 tại Syria, thì việc rút bớt lực lượng quân sự cũng là bước đi nên làm.

QĐ Nga thần tốc rút khỏi Syria: Cơ hội đến với Mỹ quá nhanh hay cái bẫy cao tay? - Ảnh 3.

Không quân Nga ở căn cứ Khmeimim, Syria.

Việc triển khai một lực lượng quân sự lớn tại Syria không chỉ làm tiêu tốn nguồn lực của Nga, mà vẫn ẩn chứa nguy cơ đe dọa tới tính mạng của quân nhân Nga tham chiến. Khi Damascus đã đủ khả năng tiếp quản cuộc chiến, thì việc Nga rút quân không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, mà kể cả mặt ngoại giao cũng rất lớn; xứng đáng với danh tiếng siêu cường "nói là làm".

Ngoài ra, động thái rút quân của Nga tại Syria cũng có thể làm tiền đề cho sự quay trở lại trong tương lai.

Mới đây, Nga đã tuyên bố tái lập Hạm đội 5 hay Hạm đội Địa Trung Hải. Với thế và lực hiện có tại Syria, rất có khả năng đại bản doanh của Hạm đội 5 sẽ được đặt tại Syria với sự kết hợp của hai căn cứ Tartus và Hmeymin.

Nga có thể danh chính, ngôn thuận quay trở lại Syria sau khi nội chiến kết thúc hoặc theo thỏa thuận liên chính phủ Nga-Syria. Điều đó chắc chắn là tốt hơn so với việc tiếp tục duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Syria như hiện tại.

Rõ ràng, việc Nga rút quân sẽ không có tác động nhiều tới tình hình Syria hiện tại và thậm chí còn giúp đẩy nhanh quá trình kết thúc nội chiến tại Syria. Tuy nhiên, Syria sẽ vẫn là vị trí quan trọng Nga sẽ giữ để thiết lập và duy trì ảnh hưởng tại Cận Đông và là chốt chặn hướng đông tiến của Mỹ và đồng minh vào vùng không gian sinh tồn của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại