PTT Trịnh Đình Dũng: Vì sao ngư dân phải giám sát đóng tàu?

Diệu Thùy |

“Bây giờ chúng ta mua ô tô, xe máy, chúng ta có đi giám sát quá trình sản xuất không, vậy sao ngư dân phải giám sát quá trình đóng tàu?” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề.

Tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Theo báo cáo của các địa phương, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948 tàu.

PTT Trịnh Đình Dũng: Vì sao ngư dân phải giám sát đóng tàu? - Ảnh 1.

Nhiều tàu cá vỏ thép đóng mới bị hư hỏng nặng

Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã đi vào đời sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân cải thiện…

Mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá bước đầu đạt được, có trên 47% tàu đóng mới là tàu cá vỏ thép và vật liệu mới, khoảng 50% tàu đóng mới có công suất 800 CV trở lên được trang bị hiện đại.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, khó khăn vướng mắc như các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu vực neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ.

Nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải.

Do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng; công tác đăng kiểm thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.

Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản….gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo báo cáo, có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định (19 tàu), Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18 tàu), Quảng Nam (1 tàu) bị hư hỏng.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, hiện nay các tàu vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa, dự kiến đến cuối tháng 8/2017 hoàn thành và tiếp tục đi hoạt động.

Bên cạnh đó là những vướng mắc về chính sách bảo hiểm, lãi suất cho vay cao, phương thức cho vay, cơ chế cho vay chưa phù hợp và chưa có cơ chế xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại nên chưa tạo được sự tích cực cho vay và ngư dân thấy quá phiền phức nên không muốn vay.

Vì vậy với mục đích của chính sách này là không để ngư dân phải lệ thuộc vào chủ nậu vựa để chuẩn bị cho các chuyến biển là chưa đạt được.

Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phản ánh, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ mới có các ngân hàng như Agribank, BIDV… tiến hành cho ngư dân vay vốn đóng tàu, còn nhiều ngân hàng chưa tham gia thực hiện cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67.

Xử lý nghiêm cá nhân tổ chức vi phạm

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Nghị định 67 là chủ trương lớn đột phá đồng bộ, đúng và trúng với nguyên vọng của ngư dân, nhằm góp phần vào phát triển kinh tế biển, phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng vươn khơi gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng tàu cá.

“Tàu cá chất lượng hay không là do người đóng tàu, ô tô chất lượng hay không là do nhà máy sản xuất. Không thể để người dân, ngư dân đứng vào giám sát, người dân làm sao biết được mà đến giám sát.

Bây giờ chúng ta mua ô tô, xe máy, chúng ta có đi giám sát quá trình sản xuất không, vậy sao ngư dân phải giám sát quá trình đóng tàu? Tôi chỉ biết mua, nếu hỏng vì người sản xuất thì người sản xuất phải chịu, nếu sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, phải tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, lương tâm của người đóng tàu.

Hiện nay khâu giám sát thi công, đăng kiểm, đóng tàu còn nhiều hạn chế khiến rất nhiều tàu ở một số địa phương không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho ngư dân, gây bức xúc trong xã hội.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan phải sớm khắc phục sợ cố tàu vỏ thép hỏng hóc, không thể để người dân bỏ tiền ra lấy sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn.

Thứ hai, xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức có sai pham trong vụ đóng tàu hư hỏng, đóng mới không đảm bảo chất lượng.

Thứ ba, tổng hợp rà soát lại các cơ sở đóng tàu, đưa vào các đơn vị có chất lượng, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đảm bảo chất lượng. Phải rà soát lại thiết kế tàu cá, nếu chưa phù hợp thì cần làm cho phù hợp hơn.

Thứ tư, các ngân hàng tháo gỡ khó khăn vay vốn cho ngư dân.

Bên cạnh đó, chấn chỉnh việc đăng kiểm tàu cá; rà soát quy hoạch lại số lượng tàu cá, gắn với điều tra nguồn lợi thủy sản.

Phó Thủ tưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT, Văn phòng chính phủ tập trung sửa đổi bổ sung Nghị định 67 để ban hành trong quý 4/2017 để thực hiện từ ngày 1/1/2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại