Phương Tây cấm ở đây, vàng Nga ‘chạy’ chỗ khác
Bị "cấm cửa" ở London sau chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Nga chuyển hoạt động kinh doanh vàng sang Dubai. Giờ đây, đích đến tiếp theo của Moscow là trung tâm vàng thỏi ở Hong Kong (Trung Quốc).
Tính đến giữa tháng 11 năm nay - thời điểm hãng tin Bloomberg ghi nhận - đã có hàng chục tấn vàng của Nga ‘chạy’ tới Hong Kong. Phát hiện này vừa khiến phương Tây bất ngờ, vừa làm nổi bật thách thức mà họ phải đối mặt trong việc siết chặt luồng tài nguyên quan trọng của Điện Kremlin.
Kể từ tháng 4/2023, lượng vàng xuất khẩu của Nga sang Hong Kong đã tăng mạnh. Vùng lãnh thổ này đã nhập khẩu 68 tấn vàng của Nga trong năm nay, gấp 4 lần so với cả năm 2022.
Theo Bloomberg, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty khai thác vàng hàng đầu của Nga, cũng như sự quyết liệt của UAE đối với các hoạt động trên thị trường vàng thỏi của nước này đã thúc đẩy dòng chảy vàng của Nga chuyển hướng sang Hong Kong.
Trước chiến dịch quân sự đặc biệt cuối tháng 2/2022, gần như toàn bộ số vàng xuất khẩu từ Nga - quốc gia khai thác vàng lớn thứ hai trên thế giới - đều được chuyển tới các hầm chứa ở London, nơi được coi là trung tâm giao dịch vàng thỏi toàn cầu.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Điện Kremlin đã khiến vàng của Nga trở thành "thứ cấm kỵ" trong ngành công nghiệp vàng chính thống, ngay cả trước khi có lệnh cấm chính thức nhằm ngăn chặn vàng nhập khẩu từ Nga vào nhóm G7 và EU.
Hong Kong là điểm đến mới của vàng Nga. Ảnh: BBC
Luồng di chuyển mới
Khi vàng của Nga bị "cấm cửa" ở London, Dubai - trung tâm trung chuyển vàng thỏi quan trọng tới các thị trường Trung Đông và châu Á - là phía hưởng lợi đầu tiên.
Những nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận cho biết, UAE vẫn giữ lập trường trung lập trong năm nay khi từ chối thực hiện các biện pháp chính thức nhằm chống lại vàng của Nga, bất chấp các nỗ lực vận động hành lang của Anh và Mỹ.
Nga đã trở thành nhà cung cấp vàng lớn nhất của UAE khi vận chuyển 96,4 tấn vàng thỏi tới nước này trong năm 2022 - gấp hơn 5 lần lượng vàng xuất khẩu qua Hong Kong trong cùng giai đoạn.
Mặc dù hiện nay, UAE vẫn chưa ban hành lệnh cấm đối với vàng của Nga nhưng khối lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể. Nguyên nhân một phần là do chủ trương siết chặt hoạt động trong thị trường vàng mà UAE đã đặt ra sau khi quốc gia Trung Đông được Nhóm chuyên trách hoạt động tài chính toàn cầu thêm vào danh sách theo dõi.
Phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với vàng của Nga. Ảnh: Daily Express
Các nguồn tin nắm rõ tình hình cho hay, sau khi UAE có tên trong danh sách, hoạt động chuyển khoản ngân hàng ở nước này phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn, trong khi hoạt động thanh toán bằng tiền mặt được giám sát thông qua cơ sở dữ liệu bắt buộc của chính phủ. Điều đó khiến việc thanh toán cho các nhà xuất khẩu Nga trở nên khó khăn hơn.
Người dân địa phương cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ trong tháng 5 năm nay đối với các công ty khai thác vàng lớn nhất của Nga, gồm tập đoàn Polyus và chi nhánh địa phương của Polymetal International Plc - cũng gây ra những tác động đáng lo ngại với các thương nhân và ngân hàng của UAE.
Theo dữ liệu phân tích sơ bộ từ công ty theo dõi thương mại ImportGenius dựa trên số liệu hải quan Nga trong 6 tháng (từ tháng 8 đổ lại), một số khách mua vàng ở Dubai đã bắt đầu định tuyến lại các chuyến hàng gửi, với đích đến là Hong Kong.
Nhiều công ty của UAE cùng lúc dừng vận chuyển vàng Nga. Công ty hậu cần nhà nước Transguard – một phần của hãng hàng không Emirates Group – thông báo hồi tháng 5 rằng họ đã ngừng vận chuyển vàng của Nga.
Gần đây, Vương quốc Anh cũng đã ban hành một loạt lệnh trừng phạt mới đối với các công ty có liên quan tới hoạt động buôn bán vàng của Nga, như Paloma Precious DMCC có trụ sở tại Dubai. Công ty này cho biết đã nhập khẩu lượng vàng trị giá 300 triệu USD từ Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc biểu hiện rõ rằng họ muốn tăng cường thương mại với Nga, nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho Moscow, giúp giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất từ Nga.
Dữ liệu từ ImportGenius cho thấy VPower Finance Security (Hong Kong) Ltd. - công ty vận chuyển tiền mặt và kim loại quý cho một số tổ chức tài chính lớn nhất Trung Quốc – đang là công ty chủ chốt trong việc xử lý vàng mới nhập khẩu từ Nga. VPower Finance Security hiện chưa trả lời email yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Việc vàng của Nga chuyển hướng sang Hong Kong cũng được thúc đẩy khi giá vàng Trung Quốc tăng cao hơn giá vàng quốc tế trong tháng 9. Điều đó đã thu hút lượng lớn vàng thỏi đổ vào khu vực này, tạo ra cơ hội kinh doanh có lợi nhuận cho các ngân hàng có giấy phép xuất khẩu.