Vụ chuyến bay giải cứu: Lợi dụng chủ trương nhân đạo để làm giàu bất chính

Minh Đức - Hoàng An |

Lợi dụng chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cán bộ có chức vụ thuộc các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để "bôi trơn" và đưa hối lộ.

Tiêu cực phát sinh từ sự 'nhập nhằng' thẩm quyền?

Kết luận điều tra cho rằng, để thực hiện chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Việc này thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân. Chủ trương kịp thời này được cộng đồng quốc tế và đồng bào trong và ngoài nước đánh giá cao và ủng hộ.

Vẫn theo nhận định của cơ quan điều tra, trong quá trình triển khai, đã xảy ra sự chồng chéo và không rõ ràng về thẩm quyền, khiến một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế “xin cho” buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để chi phí, "bôi trơn" và đưa hối lộ.

Vụ chuyến bay giải cứu: Lợi dụng chủ trương nhân đạo để làm giàu bất chính - Ảnh 1.

Dàn lãnh đạo, cán bộ nhận tiền trong vụ chuyến bay giải cứu.

Theo cơ quan điều tra, hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, khi họ lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, vì mục đích lợi nhuận và vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc.

Cũng theo cơ quan điều tra, các cá nhân thuộc Vụ Quan hệ Quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để đề xuất trực tiếp lên lãnh đạo Chính phủ cho phép các doanh nghiệp bay mà không tuân thủ quy trình giám sát và đánh giá của Tổ công tác 5 Bộ trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay, qua đó nhận hối lộ từ các doanh nghiệp.

Đối với dấu hiệu sai phạm liên quan tại một số Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cũng như các đối tượng khác liên quan, CQĐT sẽ tiếp tục điều tra, xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.

Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chính là bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài và quản lý danh sách công dân đăng ký nhu cầu về nước, nhưng một số cơ quan đại diện tại nước ngoài đã không thực hiện hết và đúng trách nhiệm bảo hộ công dân mà còn thỏa thuận, yêu cầu doanh nghiệp chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước, thu tiền của công dân vượt quy định.

“Ở trong nước, Bộ Ngoại giao là đầu mối chủ trì xin duyệt cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, nhưng các cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn không chỉ nhận tiền hối lộ để chấp thuận cấp phép chuyến bay mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa chi tiền hối lộ. Hành vi nhũng nhiễu của những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn tại Bộ Ngoại giao đã tạo ra “thị trường” mua bán giấy phép chuyến bay và sang nhượng quyền được tổ chức các chuyến bay” – kết luận điều tra nêu.

Tại Bộ GTVT, một số cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi, làm trung gian môi giới hối lộ hoặc nhận hối lộ để cấp phép bay tăng số lượng công dân về nước theo phê duyệt của Tổ công tác 5 bộ.

Vụ chuyến bay giải cứu: Lợi dụng chủ trương nhân đạo để làm giàu bất chính - Ảnh 3.

Một số bị can trong vụ án

Tại Bộ Y tế, Cục QLXNC Bộ Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tham gia việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, khi giải quyết thủ tục cho công dân ở nước ngoài nhập cảnh về nước, cũng đã lợi dụng vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ để cố ý tạo khó khăn, nhũng nhiễu đòi hỏi, ép buộc các doanh nghiệp phải “chung chi” mới chấp thuận giải quyết chuyến bay.

Một số bị can tại UBND TP Hà Nội, Quảng Nam...đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền khi phê duyệt chủ trương cách ly cho công dân về nước.

Ngoài ra, có 2 bị can là chủ các doanh nghiệp bị điều tra về hành vi đưa hối lộ để xin cấp phép chuyến bay, lại tiếp tục tìm cách móc nối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa hối lộ nhằm “chạy án”.

Chi tiết nhóm cán bộ nhận hối lộ và trục lợi

Tại kết luận lần này, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố 54 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ cùng 4 bộ, 2 tỉnh thành. Riêng sai phạm tại Bộ Quốc phòng được tách hồ sơ để cơ quan tố tụng quân đội xử lý.

Nhóm cán bộ Văn phòng Chính phủ nhận 15 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, tại Văn phòng Chính phủ có 4 bị can chịu cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng gần 15 tỷ đồng. Nhiều nhất là Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, nhận 4,2 tỷ đồng. Nhóm này có vi phạm trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ chuyến bay giải cứu, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp trục lợi.

Nhóm cán bộ Bộ Ngoại giao nhận khoảng 87 tỷ đồng

Cơ quan tố tụng cáo buộc có 13 bị can là cán bộ Bộ Ngoại giao có hành vi “Nhận hối lộ” và "Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" để hưởng lợi bất chính. Trong đó cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp thân quen. Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận 25,8 tỷ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng nhận 12,2 tỷ; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh văn phòng cục nhận 1,8 tỷ và Lưu Tuấn Dũng, cựu Phó phòng bảo hộ công dân, nhận 527 triệu...

Nhóm cán bộ Bộ Y tế nhận trên 42,6 tỷ đồng

Tại Bộ Y tế, bị can Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của một Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận hối lộ tới 42,6 tỷ đồng khi “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu. Hiện tại, Kiên đã trả lại 12,2 tỷ trong số này cho các doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

Nhóm cán bộ Bộ GTVT nhận khoảng 3,6 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải có 2 người bị cáo buộc nhận hối lộ gồm Ngô Quang Tuấn, cựu chuyên viên Vụ hợp tác quốc tế, nhận 1,7 tỷ đồng và Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải Hàng không, 1,9 tỷ đồng. Những người này bị cáo buộc trục lợi trong quá trình tham mưu, xét duyệt các chuyến bay giải cứu của một số doanh nghiệp.

Nhóm cán bộ Công an nhận hơn 44 tỷ đồng và 2,6 triệu USD

Tại Bộ Công an, có 3 cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh bị cáo buộc nhận hối lộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay combo. Trong đó, cựu Phó cục trưởng Trần Văn Dự nhận 7,6 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu nhận hơn 27 tỷ và cán bộ Vũ Sỹ Cường nhận hơn 9,3 tỷ.

Khi vụ án được điều tra, cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn còn nhận hơn 2,6 triệu USD để “chạy án” cho 2 bị can là lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Tuấn đưa 800.000 USD trong số này cho Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra kiêm điều tra viên chính của vụ án. Hưng đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền này.

Nhóm cán bộ UBND TP Hà Nội và Quảng Nam nhận 7 tỷ đồng

Ngoài các bộ và cơ quan ngang bộ, lãnh đạo Hà Nội và Quảng Nam cũng bị cáo buộc nhận hối lộ. Trong đó, ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận hơn 2 tỷ đồng khi duyệt chủ trương cách ly cho 5 doanh nghiệp. Còn Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ một doanh nghiệp thực hiện cách ly, bay giải cứu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại