Tân thủ tướng Anh sẽ đối mặt với nhiều thử thách

Quang Dũng |

Dự kiến vào trưa 5/9 (theo giờ địa phương), đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ công bố kết quả phiếu bầu lãnh đạo đảng đối với 2 ứng cử viên - Ngoại trưởng Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rushi Sunak.

Ông Rushi Sunak và bà Liz Truss. Ảnh: Reuters

Ông Rushi Sunak và bà Liz Truss. Ảnh: Reuters

Bà Liz Truss chiếm ưu thế

Các đảng viên của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đã kết thúc việc bỏ phiếu hôm 2/9 và theo kế hoạch, vào trưa nay theo giờ địa phương tại Anh, đảng Bảo thủ sẽ chính thức công bố kết quả. Tất cả các cuộc thăm dò dư luận được tổ chức tại Anh thời gian qua đều cho một kết quả thống nhất: bà Liz Truss, đương kim Ngoại trưởng Anh, sẽ dễ dàng đánh bại ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính, với cách biệt lớn.

Lợi thế mà bà Liz Truss có được trước ông Rishi Sunak đã được duy trì ngay từ đầu của cuộc đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, kể cả trong những vòng sơ loại khi ông Rishi Sunak luôn giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất từ các nghị sĩ của đảng Bảo thủ.

Kết quả các cuộc thăm dò lớn như của YouGov tiến hành cách đây 2 tuần cho thấy là bà Liz Truss có thể giành tới 66% số phiếu của các đảng viên đảng Bảo thủ, so với 34% của ông Rishi Sunak. Các thăm dò gần nhất cũng không cho thấy có sự đột phá và mặc dù ông Rishi Sunak được đánh giá là đã thể hiện tốt hơn trong giai đoạn cuối tranh cử nhưng cách biệt giữa ông Rishi Sunak và bà Liz Truss được dự đoán vẫn rất lớn, từ 22 đến 30 điểm.

Nguyên nhân là vì đa số các đảng viên đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu rất sớm. Khoảng 2/3 trong số từ 180.000-200.000 đảng viên đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu từ cách đây 2-3 tuần nên sự khởi sắc trong giai đoạn cuối tranh cử cũng khó có thể giúp ông Rishi Sunak lật ngược tình thế.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt rất rõ sự ủng hộ của các đảng viên đảng Bảo thủ với sự ủng hộ của dân chúng Anh. Trong hơn 1 tháng rưỡi vừa qua, cuộc đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với ghế Thủ tướng Anh, được đánh giá khá tiêu cực trên truyền thông và dư luận Anh. Cuộc đua này tổ chức trong thời gian quá dài, với 12 cuộc tranh luận giữa bà Liz Truss và ông Rishi Sunak. Các cuộc tranh luận này không hấp dẫn và cũng không thu hút được sự quan tâm của cử tri Anh. Vấn đề là tính chính danh.

Do đảng Bảo thủ chiến thắng cuộc tổng tuyển cử tại Anh vào cuối năm 2019 nên hiện tại đảng này vẫn là đảng cầm quyền khi chiếm đa số ghế tại Hạ viện Anh. Tuy nhiên, các bê bối dưới thời ông Boris Johnson trong thời gian qua cùng các thất bại tại một số cuộc bầu cử địa phương gần đây đã khiến uy tín của đảng Bảo thủ xuống thấp. Rất nhiều đánh giá cũng như kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy là nếu nước Anh tổ chức tổng tuyển cử sớm vào thời điểm này thì gần như chắc chắn đảng Bảo thủ sẽ thất bại trước Công đảng.

Do đó, đối với rất đông người dân Anh, việc chỉ có khoảng gần 200 ngàn đảng viên đảng Bảo thủ, tức chỉ chiếm 0,3% dân số Anh, được bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới của đảng này và qua đó giữ chức Thủ tướng Anh, là điều rất bất hợp lý, thậm chí là phi dân chủ.

Rất nhiều ý kiến cho rằng sau các bê bối vừa qua của chính phủ ông Boris Johnson, đúng ra đảng Bảo thủ phải chấp nhận tổng tuyển cử sớm, chứ không phải là cố níu kéo vai trò cầm quyền bằng việc tổ chức một cuộc bầu chọn lãnh đạo mới kéo dài và nhàm chán. Trên thực tế, uy tín của cả bà Liz Truss lẫn ông Rishi Sunak trên truyền thông và trong dư luận Anh đều không cao. Thậm chí, ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ, các thăm dò cũng cho thấy, nếu không bị buộc phải từ bỏ vai trò lãnh đạo, ông Boris Johnson vẫn sẽ dễ dàng đánh bại cả bà Liz Truss và ông Rishi Sunak nếu tham gia cuộc đua, bất chấp nhiều bê bối trong thời gian qua. Nói cách khác là ngay cả các đảng viên đảng Bảo thủ cũng không tin bà Liz Truss hay ông Rishi Sunak sẽ làm tốt hơn ông Boris Johnson.

Thách thức của tân Thủ tướng

Hầu hết nhận định của các chuyên gia chính trị tại Anh đều cho rằng, dù người chiến thắng là bà Liz Truss hay ông Rishi Sunak thì vị Thủ tướng mới của Anh cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn nhất mà nước Anh gặp phải kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Về mặt đối nội, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng khi giá cả hàng hoá và năng lượng ở mức kỷ lục, đẩy lạm phát tại Anh lên cao nhất trong vòng 4 thập kỷ (dự kiến lên 13% vào tháng 10/2022), đặc biệt lại trong bối cảnh nước Anh chưa hoàn toàn thoát ra khỏi suy thoái kinh tế lớn nhất trong vòng 300 năm vì đại dịch Covid-19. Vì thế, việc Thủ tướng mới của Anh xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng và giá cả sinh hoạt hiện nay ra sao sẽ là yếu tố quan trọng định hình tương lai của nước Anh trong nhiều năm tới.

Trên thực tế, do gần như tất cả đều nhận định bà Liz Truss sẽ chiến thắng ông Rishi Sunak để trở thành Thủ tướng mới của Anh nên hiện các phân tích tập trung nhiều vào các chính sách mà bà Liz Truss sẽ áp dụng khi lên nắm quyền.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, một trong những cương lĩnh tranh cử lớn nhất của bà Liz Truss là việc cắt giảm thuế. Bà Liz Truss cho rằng trong hơn 2 thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế tại Anh thấp hơn kỳ vọng và tiềm năng nên cần phải cắt giảm thuế, khoảng 30 tỷ bảng, đẩy mạnh chi tiêu của chính phủ để kích thích tăng trưởng. Bà Liz Truss kiên quyết bảo vệ quan điểm này khi thậm chí thừa nhận rằng việc cắt giảm thuế sẽ có lợi cho những người thu nhập cao hơn là người thu nhập thấp.

Bà Liz Truss cũng phản đối việc thực thi các chính sách trợ cấp tài chính nhằm giúp người dân Anh chi trả các hoá đơn điện, khí đốt và chi phí sinh hoạt tăng cao. Vì thế, tất cả đang chờ đợi xem liệu bà Liz Truss có kiên quyết giữ các chính sách tranh cử này không bởi các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng, các chính sách đó sẽ có nguy cơ tiếp tục đẩy lạm phát tăng cao, khiến cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, năng lượng của người dân Anh thêm trầm trọng.

Về ngắn hạn, điều này là rất khó chấp nhận cả về mặt chính trị lẫn đạo đức bởi khi đó chắc chắn làn sóng phản đối trong dân chúng Anh, như phong trào “Don’t pay UK” không trả tiền điện, khí đốt hay các cuộc đình công từng làm tê liệt một phần đường sắt và hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô London như trong thời gian qua sẽ lan rộng.

Việc theo đuổi chính sách cắt giảm thuế của bà Liz Truss, thay vì siết chặt kỷ luật ngân sách, cũng có thể đẩy nước Anh vào khủng hoảng nợ công trong tương lai bởi do đại dịch Covid-19, nợ công của Anh đã tăng vọt lên 104% GDP trong năm 2021, từ mức 83% trước đại dịch.

Như ông Rishi Sunak đã cảnh báo, nếu không siết chặt ngân sách thì đến năm 2050, nợ công của Anh có thể lên tới 350% và khi đó nước Anh sẽ vỡ nợ. Vì thế, đây cũng sẽ là một bài toán khó về đối nội với bà Liz Truss hoặc ông Rishi Sunak.

Dù là bà Liz Truss hay ông Rishi Sunak lên làm Thủ tướng mới thì một thách thức đối nội lớn khác là hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Bảo thủ thời gian qua.

Mối quan hệ với EU

Đối với các nước Liên minh châu Âu (EU), cả bà Liz Truss lẫn ông Rishi Sunak đều chưa phải là các đối tác đáng tin cậy, đặc biệt là bà Liz Truss. Bà Truss ban đầu là người phản đối Brexit năm 2016 nhưng sau đó lại quay sang ủng hộ nhiệt thành Brexit và thời gian qua, thậm chí còn là một trong những chính trị gia thể hiện các quan điểm cứng rắn nhất với châu Âu.

Với vai trò Ngoại trưởng, bà Liz Truss công khai ủng hộ việc chính phủ Anh ra một luật mới về thị trường nội địa để qua đó xé bỏ những cam kết của nước Anh đối với châu Âu về điều khoản liên quan đến Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu nhận định, một trong những chính sách lớn đầu tiên mà bà Liz Truss có thể tiến hành trên cương vị Thủ tướng sẽ là việc thúc đẩy đạo luật về Bắc Ireland, qua đó công khai vi phạm Thoả thuận Brexit với EU và đẩy Anh-EU vào nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại.

Ngoài vấn đề Bắc Ireland, bà Liz Truss cũng có thể có các quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề người nhập cư bất hợp pháp vào Anh qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, đẩy quan hệ Anh-Pháp thêm căng thẳng, nhất là sau phát biểu mới đây của bà Liz Truss rằng không biết nước Pháp là “bạn hay thù”. Chính vì thế, các nước châu Âu đều chờ đợi việc thay đổi lãnh đạo mới tại Anh một cách thận trọng và ngờ vực.

Nhiều nhà phân tích tại châu Âu cho rằng thời gian qua bà Liz Truss đã sử dụng các luận điệu không thân thiện với châu Âu như là một cách để xoa dịu các khó khăn về đối nội và châu Âu không hài lòng về điều đó, nhất là trong bối cảnh châu Âu đang dồn toàn lực đối phó với các hệ luỵ của xung đột Nga-Ukraine.

Về các quan điểm khác liên quan đến chính sách đối ngoại, bà Liz Truss cũng là một trong các chính trị gia Anh có quan điểm cứng rắn nhất với Nga, đồng thời coi Trung Quốc là “mối đe doạ” với an ninh quốc gia. Nhìn chung, đây là một chính trị gia theo đường lối tương đối diều hâu. Trong khi đó, ông Rishi Sunak ít thể hiện các quan điểm về đối ngoại hơn bởi đây không phải là lĩnh vực thế mạnh của ông Sunak trong chiến dịch tranh cử vừa qua./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại