Từ lâu, nghề làm mật mía xứ Thanh đã nức tiếng khắp nơi trong cả nước và huyện Thạch Thành (tỉnhThanh Hoá) được xem là "thủ phủ" của nghề làm mật mía. Nhờ nghề này mà trong nhiều năm trở lại đây, người dân nhiều xã trên địa bàn huyện đã kiếm bội tiền từ nghề bán mật mỗi dịp đến Tết cổ truyền.
Theo người dân làng Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, nghề làm mật mía đã hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ngày xưa, mỗi khi làm thành mật, người dân phải đóng vào can, chai lọ rồi mang xuống chợ, đi các huyện bán. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, thương lái đã tới tận nơi để thu mua, thậm chí người dân ở làng nghề này còn không làm đủ mật để cung ứng ra thị trường mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Lý do mật mía ở Thạch Thành ngon trứ danh, được mệnh danh là "thủ phủ" mật mía ở xứ Thanh là do mía ở vùng này được trồng trên đất đỏ bazan, từ đó tạo ra những cây mía lớn nhanh, thân mềm và ngọt lịm. Chính nguồn nguyên liệu đảm bảo này đã tạo ra một hương vị rất riêng cho mật mía Thạch Thành.
Mía là nguyên liệu chính để làm nên mật mía
Mía tại Thạch Thành được trồng trên đất đỏ bazan nên mía mềm, ngọt, có hương vị đặc trưng
Mía được lựa chọn, sau đó ép lấy nước
Nước sau khi ép xong sẽ được đưa vào lò để nấu thành mật
Quy trình nấu mật, người dân phải thường xuyên vớt bỏ bọt và tạp chất
Mật mía sẽ được nấu trong nhiều giờ đồng hồ
Cho đến khi mật mía đổi màu cánh gián, đặc sánh và có vị thơm ngọt
Trung bình mỗi dịp Tết cổ truyền, một lò mật cho ra lò khoảng 2-3 tấn mật thành phẩm
Thông thường mật mía dùng để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai... nên ngày càng được ưa dùng, không thể thiếu trong ngày Tết
Với giá bán từ 11-15.000 đồng/1kg mật, trừ chi phí người dân nơi đây kiếm hàng chục triệu đồng mỗi dịp Tết đến, Xuân về
Nhiều gia đình ăn nên làm ra, có nhà cao cửa rộng từ nghề làm mật mía truyền thống