Theo thông tin mới nhất từ "ông đồng" Ming Chi-Kuo, thế hệ iPhone sắp tới sẽ không được bán kèm tai nghe EarPods miễn phí. Khẳng định của nhà phân tích từng nhiều lần dự đoán đúng các bước đi của Apple này cho rằng chiến lược mới sẽ giúp thúc đẩy doanh số AirPods, vốn ngày càng quan trọng đối với kết quả kinh doanh của nhà Táo.
Nếu thông tin này là chính xác, iPhone 12 sẽ là thế hệ iPhone đầu tiên không có tai nghe miễn phí tặng kèm. Và nếu dự đoán này trở thành hiện thực, không chỉ có iFan mà cả các fan của Android cũng sẽ phải lo lắng.
Khi Apple thực hiện các bước đi gây tranh cãi, các nhà sản xuất Android sẽ lên tiếng mỉa mai Táo...
Tại sao ư? Đầu tiên, hãy cùng nhìn lại sự kiện đi kèm với khởi đầu của AirPods: Apple khai tử cổng tai nghe trên iPhone 7. Bước đi này của Apple đã tạo ra một "scandal" nhỏ trong cộng đồng người dùng smartphone trên toàn cầu. Trong lúc người dùng than phiền vì trải nghiệm iPhone trở nên bất tiện hơn, Apple thẳng thừng tuyên bố mình "dũng cảm".
Các hãng Android không bỏ qua sự kiện này. Google, Samsung và OnePlus (thương hiệu cao cấp của BBK, tập đoàn sở hữu OPPO, Vivo và Realme) đều đăng tải các mẩu quảng cáo mỉa mai đối thủ của mình. Cho đến tận Galaxy Note9 - tức là 3 năm sau, Samsung vẫn không bỏ qua cho Apple, vẫn đem cổng tai nghe vào quảng cáo chê cười người dùng iPhone.
Nhưng đến cuối cùng, điều gì đã xảy ra? Chỉ trong vòng 1 năm, Google và gần như toàn bộ các nhà sản xuất Trung Quốc (Huawei, Xiaomi) đều đã loại bỏ cổng tai nghe khỏi smartphone đầu bảng. 1 năm tiếp theo, đến lượt OnePlus tham gia trào lưu. Tháng 8/2019, Samsung vén màn chiếc Galaxy Note10 không có cổng tai nghe, đồng thời âm thầm xóa bỏ quảng cáo cũ.
...và sau đó, họ sẽ học theo Apple.
Với thị phần chỉ bằng 1/5 smartphone Android, Apple đơn giản chỉ là kẻ khởi đầu cho cái chết của cổng tai nghe. Chính các hãng Android mới là kẻ đã thực sự giết chết cổng kết nối quen thuộc này.
Điều này có ý nghĩa gì với quyết định loại bỏ EarPods khỏi iPhone 12 sắp tới? Câu trả lời: nếu để ý, bạn sẽ thấy Apple thường là kẻ đi trước thách thức người dùng. Một khi các nhà sản xuất Android nhận ra hành vi này không gây thiệt hại gì cho Táo, họ sẽ ngay lập tức làm theo.
Ví dụ: iPhone XS là mẫu smartphone đầu tiên của Apple không được tặng kèm dongle chuyển từ Lightning sang 3.5mm. Huawei và OnePlus sau đó cũng loại bỏ linh kiện này khỏi P30 và OnePlus 7. Apple dùng ốc 5 cạnh trên iPhone để hạn chế khả năng sửa chữa máy, Huawei và nhiều nhà sản xuất khác cũng lập tức làm theo. Apple đưa ống kính camera ra khỏi thân máy, smartphone Android sau đó cũng chẳng ngại ngần đưa bộ phận này ra ngoài.
Apple là kẻ khởi đầu, chứ không phải kẻ duy nhất thực hiện những bước đi thách thức người dùng.
Hiện tượng này không chỉ có trên smartphone. Nếu một ngày bạn bỗng dưng phát hiện ra chiếc laptop Xiaomi hay Huawei của mình không thể nâng cấp RAM, hãy trách thêm cả Apple. Chính công ty của Steve Jobs là kẻ đầu tiên áp dụng rộng rãi thiết kế hàn chết RAM vào bo mạch PC, ngăn chặn hoàn toàn khả năng nâng cấp của người dùng.
Vậy nên, nếu thông tin của Ming Chi-Kuo là chính xác, người dùng smartphone trên toàn cầu sẽ cần phải lo lắng, cho dù họ là iFan hay fandroid. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người lên tiếng phản đối bước đi của Táo, nhưng rồi doanh số iPhone vẫn sẽ cao ngất ngưởng, và rồi các hãng Android vẫn sẽ cho mình quyền làm theo những bước đi tranh cãi của Apple.