Quy định an toàn bay: Hiểu luật để có chuyến bay an toàn

ĐS |

Tết là thời điểm hàng không bận rộn do lượng đi lại của hành khách tăng cao. Rất nhiều hành khách đi máy bay nhưng lại không hiểu đầy đủ về các quy định hàng không, quy định an toàn bay dẫn tới những chuyện dở khóc, dở cười, thậm chí là bị xử phạt.

Những trường hợp "dở khóc dở cười"

Gần đây, trên chuyến bay từ Hà Nội đi Đà Lạt, hành khách L.M.T đã lấy vỏ áo phao dưới ghế ngồi và xé vỏ bọc áo phao khi không có yêu cầu của tiếp viên. May mắn là chuyến bay vẫn khởi hành và đến nơi đúng lộ trình, bởi hành khách này chưa kịp thổi phồng áo phao, cũng như không làm hỏng áo phao nên chuyến bay vẫn đủ điều kiện cất cánh. Hậu quả, hành khách bị nhà chức trách phạt 2 triệu đồng.

Ở trường hợp trên, nếu hành khách làm hỏng áo phao, tức là không đảm bảo các quy định hàng không, chuyến bay sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng dây chuyền đến những chuyến bay khác. Khi đó, không những hành khách sẽ bị phạt nặng, mà hãng hàng không cũng phải chịu thêm chi phí để xử lý sự cố.

Trước đó không lâu, một nữ hành khách cũng bị phạt đến 8,5 triệu đồng khi nhân viên an ninh hàng không sân bay Liên Khương (Đà Lạt) phát hiện chiếc áo phao chuyên dụng nằm trong hành lý xách tay cô. Sau khi xác minh, chiếc áo phao này đã được người phụ nữ "cầm nhầm" trên chuyến bay từ Hà Nội đi Cam Ranh trước đó.

Không khó để nhận ra những quy định an toàn bay được đưa ra để bảo đảm cho các chuyến bay "đi đến nơi, về đến chốn" ở mức an toàn cao nhất, chứ không phải để làm khó khách hàng, nhưng với những hành khách ý thức kém, không chịu tìm hiểu kỹ hay dù biết rõ vẫn cố tình vi phạm đã làm cả chuyến bay gặp không ít những tình huống "làm khó mình, khó người".

Trước đây chưa đầy một tháng, ngành hàng không Nga xôn xao với "cú lừa" mà hành khách Mikhail Galin dùng để vi phạm quy định an toàn bay, "qua mặt" hãng hàng không Nga – Aeroflof. Galin đã đưa chú mèo cưng nặng đến 10kg bay cùng mình trong khoang hành khách từ Moscow đến Vladivostok, trong khi giới hạn về cân nặng của thú cưng được bay cùng trong khoang hành khách chỉ là 8kg.

Ngay từ đầu, Mikhail Galin biết rằng Viktor - chú mèo cưng của anh, không được bay trong khoanh hành khách vì quá cân. Do đó, anh đã tìm được một người ở Moscow sở hữu một con mèo cực giống với Viktor, nhưng cân nặng chỉ nhìn hơn phân nửa. Galin đem Phoebe - tên chú mèo "đóng thế", ra sân bay, làm thủ tục. Sau đó, ngay trong sân bay Sheremetyevo (Moscow), anh đánh tráo hai chú mèo và đàng hoàng xách Viktor lên máy bay bay đi Vladivostok.

Vụ việc được tờ Euro News mô tả là "gợi nhớ đến một vụ cướp ngân hàng hoặc một điệp vụ" và cái giá mà Mikhail Galin phải trả là việc Aeroflof quyết định cắt toàn bộ 370.000 dặm bay tích lũy của anh trong chương trình "khách hàng thân thiết" của Aeroflof Bonus.

Sau đó, Mikhail Galin đã thừa nhận: "Quy định hàng không là rất khắc nghiệt, nhưng đó là quy định. Tôi đã vi phạm quy định an toàn bay và hãng hàng không có toàn quyền xử lý".

Quy định an toàn bay vì để đảm bảo an toàn của hành khách 

Quy định hàng không là để đảm bảo an toàn của chính hành khách trên chuyến bay. Tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng chịu khó nghiên cứu kỹ quy định hàng không dù những thông tin đó đều được các hãng hàng không thông báo rõ trước các chuyến bay.

Cụ thể, không ít trường hợp hành khách biết về quy định được phép mang tối đa 1.000 ml chất lỏng lên các chuyến bay quốc tế, nhưng lại "quên mất" quy định phải chia ra nhiều bình nhỏ có dung tích không quá 100 ml - tức những chai nước hoa có dung tích 150 ml sẽ vi phạm, cũng như phải đựng trong túi nhỏ trong suốt, có khóa zip hoặc dán kín miệng để tránh bị đổ trong quá trình vận chuyển.

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, ông Đặng Văn Khoa - nguyên đại biểu HĐND TP.HCM, từng phát biểu trong buổi tọa đàm về Văn hóa an toàn hàng không rằng

hành khách cần hiểu biết đúng và đủ khi tham gia vận chuyển hàng không; ý thức, nhận biết và cung cấp cho các cơ quan chức năng về những trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn hàng không; thực hiện một cách hòa nhã khi tham gia hàng không.

Đối với các cơ quan chức năng, phải rà soát tăng cường các vấn đề đảm bảo an toàn hàng không. Nhà nước, đặc biệt các cơ quan hàng không, cần đa dạng các hoạt động truyền thông về an toàn hàng không; trong đó không chỉ nêu các hành vi gây mất an toàn giao thông mà còn phải nêu rõ nguyên nhân, hậu quả, chế tài xử lý, cũng như nghiên cứu các hình thức động viên tinh thần cho khách hàng đóng góp ý kiến, phát hiện các hành vi vi phạm, nâng cao mức xử phạt vi phạm về an toàn hàng không.

Tết Nguyên đán đang đến gần. Đây cũng là thời điểm nhộn nhịp nhất của ngành hàng không. Việc hành khách hiểu rõ các quy định an toàn bay sẽ góp phần tạo nên những chuyến bay an toàn, văn minh hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại