Bà chủ GenViet: "Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào"

Hoàng Linh - Hạ Minh - Đỗ Linh |

Xuất phát điểm của bà chủ GenViet Trịnh Thanh Hải là một cô công nhân may mới chỉ học hết cấp 2, "một chữ bẻ đôi" về thời trang cũng không biết. Sự thành công của ngày hôm nay của Thanh Hải là những lần đứng lên sau thất bại, trả giá bằng tiền, thời gian và nếm trải nỗi đau tinh thần khi mất đi đứa con vừa hoài thai.

Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 1.
Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 2.

Từ bé đến lớn, tôi chưa làm gì ngoài ngành may. Tôi vẫn nói đùa với mọi người là tôi được đẻ trên bàn máy khâu.

Gia đình tôi sống trong khu may mặc X20 thuộc Bộ Quốc Phòng. Tôi lớn lên giữa những chồng quần áo bộ đội, đồ can chắp vì mẹ là người may đồ phục vụ chiến trường. Tôi chỉ học hết cấp 2, đến 15 năm tuổi thì nghỉ theo nghề này.

Nghề may ngấm vào máu, tôi biết, đó chính là thế mạnh của mình.

Năm 17 tuổi, tôi vào xí nghiệp làm, sau một năm thì ra ngoài tự kinh doanh với gia đình. 18 tuổi, tôi theo học trường trung cấp may Hà Nội. Đến giờ này, tôi vẫn tri ân những gì mà ngôi trường ấy đã dạy cho mình.

Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 3.

Trong số rất nhiều người cùng đi nhập hàng vào những năm đó, tôi là người có lợi thế hơn nhờ biết đọc sơ đồ, bản vẽ, dựng vest, may áo quần âu, nên công việc cũng nhiều hơn, đặc biệt khi ngành may sẵn phát triển ở Hà Nội thời đó. Gia đình khi ấy có 5-7 máy khâu làm may đo sẵn. Chúng tôi làm ngày đêm, hầu như không nghỉ lễ, thậm chí đến Tết chỉ dọn máy vào ngày 30.

Học ở trường mấy năm, tốt nghiệp xong, tôi kết hôn luôn. Ngoài làm việc ở gia đình, lúc này, tôi cũng đã tham gia vào NEM.

Mối duyên trong nghề đưa tôi gặp chị Nguyễn Thu Thủy – bà chủ của nhà hàng Long Đình và Asahi Sushi vừa từ Hong Kong về Việt Nam. Khi nhìn thấy tôi phải cắt mẫu trên một từ giấy báo cũ, chị thấy rất thương. Chị ngỏ lời cùng tôi hợp tác lập nên thương hiệu thời trang may sẵn Anmina, đặt cửa hàng tại 171 Hàng Bông.

Lúc này, Anmina chỉ may đồ đầm, đồ kiểu theo mẫu có sẵn. Với chiếc xe dream, vào những 2000, tôi lặn lội sang Ninh Hiệp chọn vải, lên size. Cùng với ông xã thứ hai (vốn là người thuộc xưởng dựng của NEM), chúng tôi điều hành Anmina với khoảng 30 nhân công.

Công việc kinh doanh có nhiều thay đổi và không nhiều thuận lợi như những ngày đầu. Cuối cùng, tôi đóng cửa công ty, giữ lại vật liệu, trang thiết bị, nợ chị Thủy khoảng 1,2 tỷ đồng vào năm 2005.

Mặc dù không còn hợp tác, nhưng tôi trân trọng và yêu quý chị, bởi đây là người ân nhân giúp tôi trong những ngày đầu bước chân vào nghề.

Không còn mối hàng với bà chủ Long Đình, tôi phải tìm tới một đối tác khác, một người đặt mua buôn số lượng quần jean rất lớn. Những đợt giao hàng đầu tiên thuận lợi, nhưng sau đó, đối tác yêu cầu giảm giá thành từ 95.000 đồng/sản phẩm xuống còn 20.000 đồng/sản phẩm. Chúng tôi không đồng ý, thế là thỏa thuận đổ vỡ. Từ chỗ không có bao nhiêu tiền vốn, chúng tôi ôm cả loo hàng tồn trị giá 890 triệu đồng, nhưng cũng tìm được con đường gắn bó với mình trong những năm tháng sau này: đó là jeans.

Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 4.

Địa bàn của tôi khi đó là các nhà đổ buôn đồ jeans ở hàng Cân, mẫu mã học tập từ hàng nhập bày bán ở hàng Ngang, hàng Đào. Nhiều bạn bè quen biết nghe tin chúng tôi bỏ may đồ kiểu để bắt đầu lại với jeans đều cản, nhưng tôi quả quyết "nếu muốn làm thì vẫn có cách. Làm kinh doanh nhiều rủi ro, trả giá bằng tiền mặt, thời gian, thậm chí cả những mối quan hệ mà mình từng trân trọng. Nhưng nếu ai cũng sợ đúng/sai, sợ thất bại thì không ai dám làm".

Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 5.

May mắn ở những thời điểm khó khăn luôn có ông xã bên cạnh giúp đỡ. Dù không học qua trường lớp về thời trang, nhưng anh lại có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này lâu năm. Chưa làm jeans bao giờ nhưng với khả năng kỹ thuật của anh, anh có thể tính được độ co hay form jeans phù hợp với người Việt. Đến giờ, tôi vẫn luôn tự hào, thế mạnh của GenViet là form dáng "đậm chất Việt".

Tìm được mẫu mới, chúng tôi vắt sức sản xuất, đổ buôn giá 145.000 đồng, cao hơn nhiều so với thời còn làm việc với đối tác cũ trong khi sản lượng tiêu thụ cao gấp 4 lần. Lúc này, xưởng 100 công nhân chạy máy và làm việc xuyên cả Tết, hàng được ưa chuộng ở cả những chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên.

Năm 2010, ngành thời trang Việt bùng nổ hàng đồng giá, các hình thức cửa hàng nhượng quyền cũng bắt đầu manh nha, giống như cách Trung Nguyên mở rộng hoạt động. Nếu cứ bán qua các kênh trung gian cũ, một mẫu sản phẩm từ chỗ chúng tôi khi đến tay khách hàng tăng giá lên khoảng 3-4 lần, trong khi sản xuất không thu được bao nhiêu. Thế là tôi quyết định bắt tay với 5 cửa hàng nhượng quyền, đặt đồng giá sản phẩm đầu ra là 195.000 đồng/mẫu, có chiết khấu và đổi trả hàng, đẩy mạnh quảng cáo hàng "made in Vietnam".

Để có vốn kinh doanh, tôi "xin" chồng 500 triệu để mở cửa hàng và chạy xưởng sản xuất mẫu. Tôi nói với anh: "Cứ coi như em dùng 500 triệu đồng này để đánh bạc đi, em muốn thử một lần". Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào.

Ngày 7/3/2010, cửa hàng mang thương hiệu GenViet đầu tiên được mở ở phố Bà Triệu, chỉ bán duy nhất 1 mẫu quần nữ. 200 mẫu hàng đầu tiên đã hết trong ngày khai trương. Đại lý liên tục gọi về giục lấy hàng. Hơn một tháng sau, chúng tôi có thêm đồ jeans của nam giới, trẻ em. Hệ thống bắt đầu phát triển từ Bà Triệu đến Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, dần dần phủ kín và lấp đầy. Đó là thời điểm cực kỳ thăng hoa.

Thế là từ một cửa hàng nhỏ bé trên phố Bà Triệu, đến nay, GenViet được 9 năm với 90 điểm bán trải dài từ khắp Bắc Nam, 50 đại lý nhượng quyền, 30 cửa hàng công ty tự mở và quản lý khắp cả nước. Đầu tư nhà 2 máy rộng hơn chục nghìn m2 với gần 7,000 m2 nhà xưởng, hơn 1.000 nhân công lao động, sức sản xuất hàng triệu sản phẩm/năm.

Jeans ở GenViet không phải là thứ đóng đinh với hình cao bồi miền viễn Đông, mà rất gần với văn hóa người Việt. Tôi làm bộ sưu tập về Tây Nguyên, về đồng cỏ, gốc rơm, chọn những người mẫu sinh ra như được "đo ni" cho jeans như Hà Anh, Doãn Tuấn, H’Hen. Tất cả hài hòa và hết sức tự nhiên.

"Thời trang là xu hướng, nhưng không thể tách rời văn hóa bản địa. Đó là cái cốt lõi, phần sâu nhất của thời trang, mà người làm nghề cần thẩm thấu được điều đó".

Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 7.
Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 8.

Hiếm có người phụ nữ nào sinh mổ lại lựa chọn sinh nhiều con, nhưng tôi sinh tới 4 lần, 3 trai 1 gái. 3 đứa con sau này là sự chờ đợi biết bao tháng ngày sau khi không may mất đứa nhỏ mới hoài thai vào đúng thời điểm đang dốc sức mở GenViet. Suốt 3 tháng trời, tôi phải điều trị vết mổ tử cung như một người bị ung thư, bơm hóa chất để điều trị, nhưng đau đớn về thể xác chẳng là gì so với nỗi đau tinh thần của người mẹ mất con, tôi khóc suốt những ngày ấy.

Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 9.

Phải đến hai năm sau mới được đón đứa con tiếp theo, tôi biết rằng, mình phải có lúc dừng lại để dành cho con cái. Đánh đổi sức khỏe, gia đình là điều tôi không muốn lặp lại. Làm mẹ là công việc toàn thời gian và khó khăn hơn nhiều so với vị trí đại diện truyền thông, kiêm phụ trách sáng tạo của GenViet.

Với hai đứa con lớn, tôi muốn làm bạn với chúng; với hai đứa nhỏ hơn, tôi lại cần bỏ thời gian để chơi với chúng. Các con, đặc biệt là hai đứa nhỏ cho tôi nguồn năng lượng tươi trẻ hơn rất nhiều. Ngoài 40 tuổi, nhưng tôi vẫn đi trà đá "chém gió" với các bạn của con để hiểu những cô cậu 19 tuổi nghĩ gì, làm gì. Tôi cũng từng ngồi sau chiếc motor phân khối lớn để đi phượt cùng con.

Không khó để làm bạn với con cái, nếu không được thì làm bạn với bạn của chúng. "Đi đêm" là cách nhanh nhất để hiểu xu hướng, sở thích của bọn trẻ là gì.

Bà chủ GenViet: Tôi không sợ gì cả, tôi thích sự thất bại để xem mình đứng lên như thế nào - Ảnh 10.

Sau tất cả công việc và con cái, tôi còn muốn hoàn thiện vai trò làm vợ, chăm sóc gia đình. Tôi cũng thay đổi khá nhiều để làm người vợ tốt hơn, nhưng tôi cũng cho rằng, hi sinh quá không phải là tốt.

Thế nên tôi cũng biết cách nuông chiều bản thân mình, cần sự luôn cần sự chở che của người chồng. Tôi vẫn đi đi du lịch một mình, viết nhật ký, viết thư cho chồng và các con, sống hòa nhập với thiên nhiên. Đó là cách trân trọng bản thân và tìm đến sự cân bằng, hài hòa trong cuộc sống.

Tôi làm hướng đạo sinh, làm thiện nguyện. Đó không chỉ đơn giản là cách tôi tự cân bằng, hài hòa trong cuộc sống mà còn muốn đóng góp cho xã hội phần sức lực nhỏ bé.

Tôi vẫn nói với chồng rằng "Em sẽ trở thành người vợ không ngoan, người mẹ chưa tốt, bằng cách đi chơi cũng là một việc" bởi tôi hiểu rằng một người mẹ hạnh phúc mới dạy được con hạnh phúc – người vợ hạnh phúc mới làm chồng hạnh phúc và người lãnh đạo cũng vậy./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại