Người mẹ ung thư giai đoạn cuối chưa một lần gặp con, sức khỏe khó tiên lượng

THẢO ANH |

Người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối quyết sinh con chưa một lần được nhìn thấy con. Các bác sĩ cho biết tình trạng sức khoẻ của người mẹ khó tiên lượng.

Trao đổi với Lao Động chiều 28.5, ThS.BS Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K cho biết, sản phụ bị ung thư giai đoạn cuối vẫn quyết tâm sinh con - Nguyễn Thị Liên phải mở nội khí quản để thở, được theo dõi tích cực.

BS Bá Tĩnh chia sẻ, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương đang nỗ lực dốc sức để hai mẹ con được gặp nhau.

Sáng nay (28.5), GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, chủ trì cuộc hội chẩn về tình trạng của sản phụ này. Các bác sĩ đánh giá lại sức khoẻ của sản phụ, tiếp tục hồi sức tích cực.

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức, tuy nhiên sức khoẻ của người mẹ còn rất khó nói, tiên lượng dè dặt. Chỉ mong chị Liên có thể gặp con trai trong tuần này” - bác sĩ Bá Tĩnh nói.

Người mẹ ung thư giai đoạn cuối chưa một lần gặp con, sức khỏe khó tiên lượng - Ảnh 1.

Sản phụ Liên phải mổ đẻ trong tư thế ngồi. Ảnh: BSCC.

Trước đó, ngày 22.5, khi thai nhi ở tuần thứ 31, các bác sĩ Bệnh viện K nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh.

Khi đang mang thai ở tháng thứ 3, chị Liên phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn, sản phụ Nguyễn Thị Liên (28 tuổi, ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn kiên trì đến giây phút cuối cùng với hy vọng con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào, cơ hội sống của bé càng cao.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca sinh hy hữu này chia sẻ: “Sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, dường như sự sống rất mong manh, có thể đi bất cứ lúc nào, nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời".

Trong ca mổ, thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho bệnh nhân ở tư thế ngồi. Khi mổ, ekip cũng không thể gây mê vì có thể bệnh nhân không tỉnh lại được, vì thế chỉ gây tê tủy sống. Trong khi mổ bệnh nhân gần như tỉnh táo.

Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, vẫn có thể có nguy cơ mất cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, sản phụ Liên mắc ung thư vú di căn phổi nhưng thai nhi vẫn phát triển bình thường là điều rất may mắn.

Người mẹ ung thư giai đoạn cuối chưa một lần gặp con, sức khỏe khó tiên lượng - Ảnh 2.

Bé Đỗ Bình An được chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Công lý.

Tiếng khóc của bé trai 1,5 kg khiến người mẹ trẻ và ekip phẫu thuật trào nước mắt. Con đến với thế giới này bằng nghị lực, quyết tâm và tình yêu thương vô bờ của người mẹ.

Bé sơ sinh được đặt tên Đỗ Bình An, được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sau ca mổ, cuộc chiến khác với hy vọng cứu người mẹ lại bắt đầu.

Ông Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Kcho biết trong buổi làm việc giữa các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K Trung ương, các phương án đưa chị Liên hoặc bé Đỗ Bình An sang đều không khả thi vì tình hình của cả hai mẹ con chưa ổn định để có thể di chuyển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại