Anh nói đưa tàu sân bay tới biển Đông, tướng TQ mỉa mai: London sau Brexit sao lại giống phượng hoàng trụi lông vậy?

An An |

Tướng Trung Quốc cho rằng, tuyên bố đưa tàu sân bay tới biển Đông của Anh có thể liên quan đến cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Ngày 11/2, Bộ Quốc phòng Anh thông báo, London sẽ triển khai nhóm tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabeth, mang theo máy bay F-35 tới biển Đông.

Mới đây ngày 16/2, chuyên gia quân sự - Thiếu tướng hải quân Trung Quốc Trương Thiệu Trung cho rằng, tuyên bố này kết hợp với động thái Mỹ điều hai tàu khu trục USS Spruance và USS Preble tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam) để tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông, cũng như việc Australia chính thức ký thỏa thuận đầu tư 35,5 tỷ USD để mua 12 tàu ngầm tấn công của Pháp đều có liên quan đến nhau.

"Ba sự kiện lớn diễn ra vào cùng ngày 11/2 đều có liên quan đến Biển Đông và trùng với thời gian hội đàm thương mại Trung-Mỹ. Mỹ, Anh và Australia phải chăng đã lên kế hoạch trước rồi không?", tướng Trung Quốc nói.

"Vẫn còn đang rắc rối với nhiều vấn đề hậu Brexit mà Anh vẫn còn tâm tưởng lao vào cuộc chơi này (ý chỉ biển Đông). Tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabeth lại theo hướng "phượng cầu hoàng" (ý chỉ sự theo đuổi).

Tàu sân bay này đến biển Đông vốn để khoe mẽ rồi nhân tiện làm loạn, không ngờ lại bị phản đối, chỉ trích.... Nước Anh sau Brexit sao lại giống phượng hoàng trụi lông vậy?", Trương Thiệu Trung châm biếm.

Hồi tháng trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố, London đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ ở khu vực Đông Nam Á, ông Trương Thiệu Trung cũng đã cáo buộc, Mỹ và Anh đang "cố tình khuấy đảo cục diện biển Đông".

Trước tuyên bố, "đây là thời điểm để chúng tôi trở thành quốc gia có tầm hưởng trên toàn cầu một lần nữa sau khi thế chiến thứ II kết thúc" của Bộ trưởng Anh, Thiếu tướng Trung Quốc cho rằng, câu nói này giống như "tiếng thét cuối cùng trước khi sụp đổ của Đế quốc Anh".

"Muốn gây rắc rối ở biển Đông thì cần phải lượng sức mình trước đã", tướng Trung Quốc cảnh báo.

sau khi 2 tàu chiến Mỹ tiến hành hoạt động mà Mỹ gọi là "tuần tra tự do hàng hải", tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép hôm 11.2.

Ngày 15/2, trả lời về việc ngày 11/2, tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn - đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép và đề cập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông là rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế và đã được nhấn mạnh nhiều lần".

Bà Hằng nhấn mạnh: "Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982".

"Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại