Công Phượng, Xuân Trường và nỗi lo xuất ngoại

HOÀI ĐAN |

Sau Đặng Văn Lâm, Xuân Trường và Công Phượng là hai tuyển thủ quốc gia ra nước ngoài thi đấu ở mùa giải 2019.

CLB HAGL đã để Công Phượng sang Incheon United (Hàn Quốc) thi đấu 1 năm theo dạng cho mượn. Xuân Trường cũng sẽ chuyển tới Buriram United (Thái Lan) dưới dạng cho mượn. Đó là hai tuyển thủ quốc gia tiếp theo xuất ngoại sau Đặng Văn Lâm. Thế nhưng, chỉ khác rằng, cả hai đều chỉ dừng lại ở các bản hợp đồng cho mượn thay vì một bản hợp đồng có thời hạn đến 3 năm như thủ thành Văn Lâm ký với Muangthong United (Thái Lan).

Thực tế, sau những thành công lớn của bóng đá Việt Nam năm 2018, nhiều tuyển thủ quốc gia đã lọt vào tầm ngắm của các đội bóng nước ngoài ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Như Quang Hải, Văn Hậu cũng không ít lần nhận được những lời mời hấp dẫn. Thế nhưng, câu chuyện về cầu thủ Việt Nam xuất ngoại vẫn là đề tài đã được bàn đến rất nhiều. Bởi một câu hỏi luôn được đặt ra trước những lời mời đó, là cầu thủ Việt Nam đã đủ tầm thi đấu nước ngoài?

Công Phượng, Xuân Trường và nỗi lo xuất ngoại - Ảnh 1.

Công Phượng trong màu áo Mito Hollyhock. Ảnh: Mito

Thực tế, câu trả lời đã có, chúng ta có Lê Huỳnh Đức từng sang Trung Quốc, Công Vinh đến Nhật, gần đây là Xuân Trường sang Hàn Quốc, Công Phượng, Tuấn Anh thi đấu tại Nhật Bản. Thế nhưng, kết quả của các chuyến xuất ngoại đó đều chỉ mang giá trị quảng bá hình ảnh, thương mại nhiều hơn là chuyên môn. Điều này khiến cho mỗi lần các cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu, dù là tin vui nhưng nhiều chuyên gia lại lo ngại về việc các cầu thủ khó có thể tích luỹ được khả năng chuyên môn khi không thường xuyên ra sân thi đấu.

Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam dù đã có được những thành công nhất định thời gian qua ở cả đấu trường khu vực và châu lục nhưng nền bóng đá của chúng ta, cụ thể là giải vô địch quốc gia vẫn không thể được xếp chung mâm với Thái Lan. Còn với Nhật Bản và Hàn Quốc thì lại là một khoảng cách xa. Thế nên, cầu thủ Việt Nam muốn bắt nhịp với các giải đấu có đẳng cấp thì không phải chuyện dễ dàng.

Thủ thành Đặng Văn Lâm đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về điều này, anh nói rằng: “Tại Asian Cup 2019, ĐT Việt Nam đã lọt đến top 8 đội mạnh nhất còn Thái Lan dừng bước ở vòng 16 đội. Vì thế, Việt Nam hiện tại nhỉnh hơn Thái Lan một chút. Tuy vậy, tôi phải thừa nhận rằng giải vô địch quốc gia của Thái Lan có nhiều điểm mà Việt Nam không thể sánh bằng. Đó là sự chuyên nghiệp của từng đội bóng, cách quản lý đội, quản lý sân”.

Công Phượng, Xuân Trường và nỗi lo xuất ngoại - Ảnh 2.

Xuân Trường từng sang Hàn Quốc thi đấu cho Incheon United và Gangwon FC (K-League Classic). Ảnh: TL

Điều này khiến nhiều người nhớ lại quãng thời gian của Công Phượng , Tuấn Anh tại Nhật hay Xuân Trường tại Hàn Quốc. Đó đều là những ngôi sao trên mặt báo, thu hút nhiều khán giả cho CLB nhưng lại không thường xuyên ra sân thi đấu. Việc phải ngồi trên băng ghế dự bị khiến cho những cầu thủ Việt Nam không có điều kiện phát huy khả năng. Nói đúng hơn thì khả năng của họ vẫn chưa thể thi đấu cho giải hạng 2 của Nhật hay sân chơi K.League của Hàn Quốc.

Để chuẩn bị cho AFF Cup 2016, HLV Hữu Thắng đã gọi cả 3 cầu thủ trên cho ĐT Việt Nam. Điều đó đã khiến cho những tranh cãi nổ ra. Bởi lẽ với những cầu thủ không thường xuyên được thi đấu nhưng vẫn lĩnh xướng vai trò trụ cột. Sau này, tất cả cũng đã trở lại V.League, kết thúc chuyến đi trở thành bài học của sự nghiệp.

Bây giờ, dù bóng đá Việt Nam đã ở một vị thế khác, nhưng rốt cuộc cả Công Phượng và Xuân Trường đều chỉ xuất ngoại theo những con được cũ là “cho mượn”. Điều này khiến cho nhiều khán giả đặt ra dấu hỏi lớn về yếu tố chuyên môn liệu có được đặt lên hàng đầu cho những thương vụ này?

Hy vọng, những cầu thủ vốn đã được trải qua những tháng học việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc như Công Phượng, Xuân Trường sẽ có được vị trí trong màu áo mới. Mong rằng, những chuyến xuất ngoại đầu năm của cầu thủ Việt sẽ có được nhiều vận may.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại