Nhắn ông Vũ Trọng Lương: Hay là mình đổ cho Vũ Trọng Phụng

Hiệu Minh |

Không biết có họ hàng gì với nhau không, mà cách ông Lương dựng nên những thủ khoa quá giống với cách ông Vũ Trọng Phụng tạo ra nhà quán quân Xuân Tóc đỏ cách đây 80 năm.

Còn những "Phó Đoan", còn nhiều người "số đỏ"

Giờ tôi mới tiếc, vì sao đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, môn Văn không liên quan gì đến tác phẩm "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng?

Cách đây 80 năm, nhà văn đã tạo ra vĩ nhân Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ bị coi là hạ lưu bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ vào sự gian manh.

Nhân vụ việc ở Hà Giang, tôi chợt nghĩ ông Vũ Trọng Lương chắc là con cháu gì đây của Vũ Trọng Phụng: Ông hô biến học sinh thường thành quán quân quốc gia trong vòng 6 giây, có học sinh đạt tới 32,5/30 điểm do được cộng ưu tiên miền núi, không có đối thủ trong hàng triệu sỹ tử mùa hè qua.

Trong Số đỏ, Xuân Tóc đỏ gian manh được bà Phó Đoan "đạo diễn" và trợ giúp, đưa hai nhà quán quân thật vào bót cảnh sát, để hắn có cơ hội "cứu nước", từ đó tiến thân vào hội Khai trí Tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

Với "Số đỏ của Vũ Trọng Lương", cốt truyện cũng tương tự: Người giỏi bị loại, người kém đỗ đạt, không loại trừ sẽ lên lãnh đạo đè đầu cưỡi cổ người tài.

Nên tôi thầm trách nhà văn Vũ Trọng Phụng: Ông "đẻ" ra Xuân Tóc đỏ làm chi, để ngày nay ông Vũ Trọng Lương "tái bản".

Trước kia là hai kỳ thi riêng biệt, tốt nghiệp PTTH và đại học. Ngại lằng nhằng và tốn kém vì hai lần thi với gần triệu sỹ tử, Bộ GD-ĐT đã sáng tạo ra kỳ thi "2 trong 1" do địa phương trông coi.

Chưa ai nghĩ tới việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi quá trình học, điểm trong học bạ, lời phê của thầy cô, chưa đủ thông tin để cấp bằng tốt nghiệp.

Thi thì cứ phải thi. Nhưng nếu không sửa đổi, kiểu thi hiện nay sẽ còn tạo ra dài dài những bà Phó Đoan và Xuân Tóc đỏ đời mới nữa.

Đa dạng thi của thế giới

Trên thế giới có nhiều kiểu thi vào đại học khác nhau. Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và một số nước khác chọn kiểu thi đại học toàn quốc kiểu Việt Nam.

Các nước phát triển như Mỹ, Canada, EU thì các trường tự đề ra kiểu chọn cho mình và tự chịu trách nhiệm với đầu vào và đầu ra.

Nga cho phép các trường tự tổ chức thi và không quan tâm nhiều đến kết quả học trong trường phổ thông.

Anh quốc cho học sinh đăng ký học thử nghiệm vài môn thông qua website trong vài tháng, dựa vào kết quả học tập trung học và chính các môn thử nghiệm này, trường quyết định nhận hay không.

Các nước Bắc Âu hay Canada được cho là "thi" vào đại học dễ nhất, dựa vào kết quả học tập từ trung học, có thể phải qua vài test kiến thức chung.

Hoa Kỳ cho dân sự tổ chức thi đại học

Ở Mỹ cũng không thấy tổ chức thi tốt nghiệp trung học hay thi đại học toàn quốc đồ sộ như Việt Nam bởi 50 bang là 50 bộ luật giáo dục khác nhau, qui định khác nhau.

Các trường được tự chủ chọn đầu vào và sinh đầu ra. Tốt nghiệp ra trường có nơi nhận là một chứng chỉ chất lượng đào tạo tại trường đó.

Lúc học trung học, các em học sinh muốn đi tiếp vào đại học phải lựa chọn một số trường đại học hợp với khả năng, sự yêu thích và cân đối tài chính. Đơn xin vào trường kèm theo phí nên học sinh và cha mẹ phải rất thận trọng khi chọn lựa.

Mỗi trường có tiêu chí riêng để chọn sinh viên đầu vào. Có vài tiêu chí chung là dựa vào điểm ACT hay SAT, những hoạt động ngoại khóa, xã hội, GPA, và bài tự viết (essay).

ACT (American College Testing) là một kỳ thi chuẩn hóa được sử dụng đánh giá năng lực học tập của học sinh trung học và là một trong những điều kiện tiên quyết khi xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng tại Hoa Kỳ, do tổ chức phi lợi nhuận cùng tên – ACT.

Như vậy một trong những điểm quan trọng vào đại học ở Mỹ lại do tổ chức dân sự quyết định.

Tương tự, SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học cũng do tổ chức phi lợi nhuận tổ chức, chẳng liên quan gì đến chính quyền.

Trong thời gian học phổ thông, học sinh có thể tự thi lúc nào cũng được, tất nhiên phải trả phí kha khá. Các trường nhìn vào kết quả SAT hay ACT có thể đoán học sinh này có học lực ra sao và không phân biệt SAT hay ACT mà chỉ cần đạt ngưỡng là OK.

Nhắn ông Vũ Trọng Lương: Hay là mình đổ cho Vũ Trọng Phụng - Ảnh 2.

Hai hệ thống kiểm tra ACT và SAT chạy song song mà không bị xung đột lợi ích.

Do cạnh tranh sống còn, chỉ muốn chứng minh học điểm cao ACT hay SAT là thực sự có tài, nên khó có chuyện "sửa 6 giây" như Hà Giang và luật tiểu bang vô cùng khắt khe với chuyện mua bán điểm.

Như vậy, học sinh Mỹ có thể "thi đại học" ngay từ lúc học phổ thông và có thể biết mình học được ở trường nào mà phần này lại do một tổ chức dân sự quyết định.

Điểm GPA (Grade Point Average) gọi nôm na là điểm trung bình trong học bạ trong một thời gian nhất định của học sinh trung học. Điểm trung bình cao nghĩa là em đó học giỏi và nếu thấp thì có thể chọn môn nào em đó mạnh.

Và cuối cùng là bài luận tự viết (essay). Nhìn vào bài viết người ta có thể đoán học sinh này tư duy ra sao, có điểm mạnh gì và có hợp với ngành nghề được chọn hay không.

Nước Mỹ có học thêm để thi SAT và ACT, có cố vấn kiếm tiến viết essay, có người viết hộ, nhưng phải đảm bảo thí sinh hiểu những gì trong bài phòng khi bị phỏng vấn trực tiếp.

Quay lại chuyện thi ở Hà Giang, tôi thích bài báo trên Vnexpress "phong" cho ông Vũ Trọng Lương là "anh hùng", vừa là tội đồ trong một hệ thống đầy kẽ hở, vừa là một người cảnh báo.

Sự trớ trêu này có thể là bước ngoặt để giáo dục Việt Nam thay đổi cho kịp với thế giới.

Đó là các trường phải tự chủ lựa chọn đầu vào, tự đặt ra chương trình để có đầu ra có ích, hơn là đợi một ông cùng tên họ với nhà văn Vũ Trọng Phụng "đẻ" tiếp ra nhiều nhân vật Xuân Tóc đỏ gửi cho trường và bắt nhận, học dốt vẫn điểm cao, vẫn huân chương bội tinh, rể dâu nhà VIP và ngày nào đó ngồi lên đầu người giỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại