Phạm Công Danh lớn tiếng vì không được trình bày "có đầu có đuôi", sau đó ra ngoài chăm sóc y tế

MX - Viết Dũng |

Phạm Công Danh cho rằng hành vi làm giả hồ sơ vay 4.700 tỷ của BIDV là sai về lý, nhưng đề nghị HĐXX xem xét trong bối cảnh bị thúc ép lúc bấy giờ.

Sáng 12/1, phiên toà xét xử đại án Phạm Công Danh - Trầm Bê gây thất thoát cho ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 6.000 tỷ đồng tiếp tục với phần thẩm vấn.

Hôm nay toà tập trung vào phần các bị cáo làm giả 12 hồ sơ của 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng của BIDV tại 3 chi nhánh Hội sở 2, Bến Thành và Gia Định.

Sau khi Mai Hữu Khương (thành viên HĐQT VNCB), Nguyễn Quốc Viễn (trưởng ban kiểm soát VNCB), Hoàng Ngọc Hà (Phó giám đốc BIDV Gia Định)... khai trước hành vi, toà gọi Phạm Công Danh lên đối chứng.

Danh cho biết sức khoẻ yếu, trí nhớ kém nhưng sẽ cố gắng trả lời HĐXX. Bị cáo Danh trình bài, cáo trạng trạng xác định hành vi sử dụng 12 công ty dựng lên hồ sơ giả mạo để vay BIDV 4.700 tỷ là đúng. Tuy nhiên, theo Danh, bối ảnh lúc đó là do NHNN yêu cầu tăng vốn điều lệ nhanh nên gây áp lực rất lớn.

"NHNN yêu cầu tăng vốn, áp lực quá lớn, bị cáo bị ép. Tại cuộc họp với NHNN phía nam, yêu cầu bằng cách nào đó phải tăng vốn còn tăng như thế nào đó là chuyện của ngân hàng. Bị cáo kính xin giảm tiến độ, giãn ra mỗi lần tăng 500 tỷ hoặc 1.000 tỷ nhưng NHNN không đồng ý. Vì áp lực đó mà bị cáo làm sai", Danh nói trước toà.

Toà hỏi khi kết thúc cuộc họp này có lưu lại văn bản gì làm chứng không thì Danh nói không có, vì đó là cuộc họp nội bộ. Toà hỏi thời điểm diễn ra cuộc họp, bị cáo nói cũng không nhớ rõ, vì lúc đó rất nhiều cuộc họp.

Phạm Công Danh lớn tiếng vì không được trình bày có đầu có đuôi, sau đó ra ngoài chăm sóc y tế - Ảnh 1.

Bị cáo Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank. Ảnh: MX

Toà gọi bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng giám đốc VNCB lên đối chứng với lời khai Phạm Công Danh. Mai khai rằng những lời khai của Danh trước toà là đúng. Toà hỏi, cơ sở nào nói NHNN thúc ép tăng vốn điều lệ, không cho giãn tiến độ? Bị cáo Mai trả lời là VNCB có đề nghị chia nhỏ, giãn tiến độ tăng vốn nhưng NHNN không đồng ý.

Thẩm phán nói, việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ là có trong phương án tái cơ cấu trình lên NHNN. Chính có phương án này mà NHNN mới có cuộc họp mà bị cáo Danh và Mai kể. Nếu không có văn bản lưu lại thì chưa có bằng chứng NHNN thúc ép tăng vốn điều lệ, đó chỉ là thông tin để HĐXX xem xét. 

Đến đây bị cáo Phạm Công Danh nói xét về lý thì mình sai nhưng xin toà cho trình bày có đầu có đuôi về hoàn cảnh, bối cảnh lúc đó khiến bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo tiếp tục nói về khoản tiền trả lãi 2.700 tỷ cho ông Trần Quý Thanh của công ty Tân Hiệp Phát nhưng toà cho dừng và mời bị cáo về chỗ ngồi.

Danh xúc động nói lớn, dù bị cáo sức khoẻ yếu nhưng xin toà cho phép trình bày đầy đủ sức ép và bối cảnh lúc đó, nhưng thẩm phán không đồng ý. Sau đó chủ toạ thấy Danh bị choáng nên đồng ý cho ra ngoài để được chăm sóc y tế.

Tòa hỏi bị cáo Phạm Công Danh

- Bị cáo cho rằng việc tăng vốn điều lệ do bối cảnh bị thúc ép thì HĐXX sẽ xem xét. Nhưng, cáo trạng truy tố hành vi liên quan 4.500 tỷ là đúng đúng không?

- Thưa, đúng nhưng bị cáo xin HĐXX xem xét bối cảnh chứ nếu nói đúng sai thì không thể đầy đủ. Nếu không bị Ngân hàng Nhà nước thúc ép thì chúng tôi không làm sai trái như thế này. Đây là do bối cảnh chứ hoàn toàn chúng tôi không muốn làm điều này. Mong HĐXX tạo điều kiện để chúng tôi làm rõ bối cảnh.

- Bị cáo cho biết cáo trạng xác định hành vi của bị cáo để vay tiền BIDV có đúng không?

- Bị cáo Phạm Công Danh: Tôi xác nhận là đúng nhưng bổ sung thêm là lúc đó Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng vốn khiến chúng tôi gặp áp lực. Lúc đó thanh khoản ngân hàng yếu mà lại phải lo vốn để tăng vốn nên bối cảnh đó ép tôi phải sai phạm.

- Căn cứ vào đâu để bị cáo cho rằng bị cáo bị ép phải làm?

- Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An yêu cầu chúng tôi bằng cách nào đó phải tăng vốn ngân hàng. Lúc đó tôi đã nhiều lần trình bày tình hình ngân hàng là thanh khoản kém, đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, các cuộc họp với ngân hàng nhà nước chi nhánh Long An thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng vốn bằng cách nào đó thì tăng. Tôi đã nói rõ là nếu tôi bỏ vào mấy nghìn tỷ thì rất khó khăn.

- Bị cáo cho biết cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước là họp với ai?

- Là ở bến Chương Dương. Họp với Ngân hàng Nhà nước phía nam. Có lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước là ông Thảo.

- Sau cuộc họp này có văn bản nào yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ không?

- Buổi họp đó có nhiều người, trong đó có anh Mai, bị cáo Khương. Tòa có thể hỏi để làm rõ.


Tòa hỏi bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng

- Bị cáo Danh nói bị thúc ép tăng vốn điều lệ, có đúng không?

- Thưa, theo cách hiểu của bị cáo thì đúng như vậy còn câu từ thì có thể chưa sát. Trong buổi họp đó thì anh Danh có trình bày những khó khăn, xin giãn tiến trình tăng vốn điều lệ dần dần…

- Thế tăng vốn điều lệ có trong hồ sơ tái cơ cấu không?

- Thưa có trong hồ sơ tái cơ cấu.

- Hồ sơ tái cơ cấu thì Ngân hàng Nhà nước có thúc ép các bị cáo phải tăng vốn điều lệ không?

- Thưa không.

- Hồ sơ tái cơ cấu là do các bị cáo trình lên để xin khi thực hiện nhận chuyển nhượng vốn điều lệ ngân hàng đúng không?

- Thưa đúng. Nhưng bị cáo xin thưa thêm là hồ sơ xin tái cơ cấu đúng là thế nhưng khi tiếp nhận thì nhiều sự việc phát sinh và ngân hàng khó khăn hơn rất nhiều dự kiến.

- Thôi được rồi, HĐXX sẽ xem xét sau. Nhưng nói như vậy là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng vốn là đúng theo đề án tái cơ cấu đúng không?

- Thưa, là về lý là đúng. Tuy nhiên, nếu tăng vốn sẽ được tăng trưởng tín dụng nhưng không tăng vốn cũng chết mà tăng vốn thì cũng chết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại