Người có “Nhất dương chỉ” bóc mẽ bí kíp võ công của Huỳnh Tuấn Kiệt

Lê Sơn |

Theo Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo Nguyễn Văn Thắng, ngay cả khi Lăng không kình của Huỳnh Tuấn Kiệt dù có thật đi chăng nữa thì đó cũng không phải là một công phu đặc dị.

Để giáp đáp câu hỏi đâu là thứ công phu đặc dị bậc nhất làng võ Việt, chúng tôi đã tìm gặp Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo Nguyễn Văn Thắng, người được giới võ lâm ca ngợi là "Đông Nam Á đệ nhất nội công", sở hữu nhiều loại công phu đặc dị như Khẩu lợi công, hay tiêu biểu nhất phải kể tới "Nhất dương chỉ".

Công phu đặc dị là gì và "Lăng không kình" của Huỳnh Tuấn Kiệt liệu có "đặc dị"?

Theo Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng, muốn biết đâu là công phu đặc dị nhất làng võ Việt thì đầu tiên cần phải phân biệt rõ ràng "công phu đặc dị" thực chất là gì để tránh việc bị nhầm lẫn với những loại võ công khác.

Vị Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo lý giải: "Cần hiểu công phu đặc dị là những công phu có thật mà một người luyện tới trình độ đỉnh cao và uyên thâm. Những người khác có thể cũng luyện thành nhưng ở trình độ thấp hơn.

Tuyệt nhiên đây phải là thứ công phu có thật chứ không thể là cái không có hoặc chưa từng có. Còn nếu một người có khả năng riêng biệt mà không một ai biết được thì đó lại không phải là công phu đặc dị. Đó có thể là… công phu tự đặt".

Người có “Nhất dương chỉ” bóc mẽ bí kíp võ công của Huỳnh Tuấn Kiệt - Ảnh 1.

Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng sở hữu thân hình mảnh khảnh nhưng có nội công cực kỳ thâm hậu, từng thực hiện nhiều màn biểu diễn khiến làng võ phải khâm phục.

Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng tiếp tục lý giải: "Nói về công phu Lăng không kình của Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt, tôi chưa từng thấy ai nói về thứ võ công ấy.

Ngay cả những cao thủ giỏi nhất của Việt Nam như cụ Cử Tốn, Ba Cát, Hàn Bái, cụ Trần Tiến, Nguyễn Văn Thơ… và cả những cao thủ giỏi nhất thế giới mà tôi biết, đều chưa thấy ai nhắc tới hay biểu diễn Lăng không kình cả.

Tôi không khẳng định Lăng không kình của Huỳnh Tuấn Kiệt là giả tuy nhiên ngay cả khi ông ấy có làm được thực đi chăng nữa thì đây cũng chắc chắn không phải là một loại công phu đặc dị.

Công phu đặc dị là tu luyện theo những cái chân truyền của dòng tộc mà đạt được. Có người đặc dị về cương, người khác lại đặc dị về nhu. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều quan trọng nhất rằng công phu đặc dị phải là thứ có thật và đạt được trình độ cao hơn so với người khác chứ đặc dị ở đây không có nghĩa là chỉ duy nhất một người làm được.

Tôi bảo lưu quan điểm rằng nếu những công phu kỳ lạ mà trên thế giới chưa ai có, một mình ông có thì đó không phải là công phu đặc dị. Đó phải là những thứ hiện diện trong cuộc sống, được ghi danh trong lịch sử, hay được cộng đồng công nhận, được thể hiện và khẳng định trong các đại hội võ thuật… chứ không phải là tự mình lại tôn vinh mình".

Người có “Nhất dương chỉ” bóc mẽ bí kíp võ công của Huỳnh Tuấn Kiệt - Ảnh 2.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng (thứ 5 từ trái qua) trong một đại hội võ thuật từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Sau khi lý giải về công phu đặc dị trong võ thuật và liên hệ với "Lăng không kình" của Huỳnh Tuấn Kiệt, Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng cũng nêu quan điểm rằng hiện nay, nhiều môn phái quá lạm dụng biểu diễn công phu và cho đó là công phu đặc dị:

"Ngày xưa cách đây vài chục năm, ở những kỳ đại hội võ thuật đầu tiên, làm gì có mấy người biểu diễn công phu? Nhưng bây giờ các môn phái thi nhau trình diễn rồi gọi đó là công phu đặc dị.

Ngày xưa các cụ phải khổ luyện vô cùng vất vả để sáng tạo ra một bài quyền, một bí kíp… Nhưng bây giờ các phái biểu diễn nhan nhản, ngay như một cháu mới 17 tuổi đã đứng trên sân khấu diễn võ nhưng đó đâu phải là công phu. Đã gọi là công phu thì đâu có chuyện dễ dàng như thế được?

Ngay như trò nhảy thủy tinh. Tôi có thể hướng dẫn học trò trong khoảng 30 giây là có thể nhảy được nhưng đó đâu phải là công phu đặc dị?".

Người có “Nhất dương chỉ” bóc mẽ bí kíp võ công của Huỳnh Tuấn Kiệt - Ảnh 3.

Ngoài là Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo, võ sư Nguyễn Văn Thắng từng là bác sĩ, công tác ở bệnh viện Thanh Nhàn.

Vậy đâu là công phu "đặc dị" thực sự ở Việt Nam?

Nói về những công phu được cho là "đặc dị" của Việt Nam, Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng cho rằng "Nhất dương chỉ" của ông là một trong số đó.

"Trước kia Hải Đăng pháp sư cũng luyện thành Nhất dương chỉ. Tôi cũng luyện thứ công phu ấy nhưng luyện theo một cách khác. Đó là công phu đặc dị.

Nhất dương chỉ là có thật trong hệ thống những công phu võ thuật và phải luyện thành thì mới gọi là đặc dị. Nhất dương chỉ của Hải Đăng pháp sư là khác so với Nhất dương chỉ của tôi.

Hải Đăng pháp sư luyện Nhất dương chỉ theo lối cương lực còn của tôi là luyện theo âm công. Thí dụ âm công là có thể để cả tảng đá lên ngón tay, sau đó đập vỡ tảng đá mà ngón tay không sao… còn cương công là dùng ngón tay công phá…

Tất nhiên, không thể bảo một người luyện cương công để biểu diễn âm công và ngược lại. Nôm na, cương công là luyện để tạo lực tấn công người khác khi ra đòn, còn âm công là luyện để chịu được ngoại lực tàn phá cơ thể mình mà không sao.

Âm công là tạo ra kình lực bên trong để chế lại cái cương lực bên ngoài. Nên không thể so sánh cương công và âm công với nhau. Giống như con cá mạnh ở dưới nước, con chim mạnh ở trên không. Không thể bắt con cá nhảy lên đọ sức mạnh với con chim và ngược lại.

Trước kia, tôi dùng Nhất dương chỉ chém vỡ kính hay dùng nhị chỉ (hai ngón trỏ và ngón giữa) chém vỡ ấm tích nhưng cơ bản là tôi luyện nội lực để chịu được cái cương lực, tức là luyện sức mạnh bên trong".

Người có “Nhất dương chỉ” bóc mẽ bí kíp võ công của Huỳnh Tuấn Kiệt - Ảnh 4.

Bàn thờ của Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng thờ 3 huyền thoại của làng võ Việt, từ trái qua phải gồm: ông ngoại - cụ Cử Tốn (Nguyễn Đình Tốn), thân phụ Nguyễn Văn Nhân và cụ Vũ Thống Nghị.

Nói về công phu đặc dị nổi tiếng của những huyền thoại có thật trong làng võ Việt, Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng cho rằng:

"Chắc các bạn cũng từng nghe câu: Một cú đấm Tư Vá, 3 cú đá Tư Côi. Đó là những câu chuyện có thật kể về cú đấm có sức mạnh kinh khủng của Tư Vá hay cú đá làm gãy cột điện của Tư Côi. Những đòn đấm đá thì xưa nay võ nào chẳng luyện, nhưng đạt tới sức mạnh của Tư Vá, Tư Côi, được ghi vào lịch sử thì đó là công phu đặc dị.

Hay như Mùi Đen chẳng hạn. Đây là người từng bẻ gãy chân hổ ở thời kỳ Pháp thuộc và hoàn toàn là chuyện có thật. Rõ ràng cầm nã thủ là công phu rất nhiều người luyện nhưng để đạt tới trình độ của Mùi Đen thì đó là đặc dị.

Hay như cụ Cử Tốn, người có khả năng thiện xạ, chỉ bắn chim đang bay chứ không bắn chim đậu, từng được vua Tự Đức ban là "Xạ Năng Quán Quốc" thì đó là công phu đặc dị. Đó là những khả năng vượt trội của nhưng cao thủ, danh sư có thật, được cộng đồng và lịch sử công nhận.

Trẻ hơn có thể kể tới đại lực sĩ Hà Châu – người có những màn biểu diễn phi thường khiến thế giới kinh ngạc – đó cũng là công phu đặc dị".

Người có “Nhất dương chỉ” bóc mẽ bí kíp võ công của Huỳnh Tuấn Kiệt - Ảnh 5.

Đây là nơi Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng vẫn ngày ngày ngồi thiền.

Trở lại với Lăng không kình của Huỳnh Tuấn Kiệt, Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng đưa ra quan điểm:

"Tôi nghĩ thôi thì chúng ta không nên phê phán bởi chúng ta cũng không thể chắc chắn đó là công phu thật hay giả. Tuy nhiên, mọi người không nên đưa nó trở thành một hiện tượng, một chuyện lạ hay gọi đó là một bí kíp vì nếu đó là bí kíp thì xưa nay còn có nhiều chân sư thành danh hơn, vĩ đại hơn nhiều".

Người có “Nhất dương chỉ” bóc mẽ bí kíp võ công của Huỳnh Tuấn Kiệt - Ảnh 6.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng từng thụ giáo cố đại lão võ sư Trần Tiến (Chưởng môn phái Thiếu Lâm nội gia quyền). Võ sư Văn Thắng kể rằng ông định đứng đằng sau bậc tiền bối để chụp ảnh nhưng cụ Trần Tiến đã đề nghị ông được ngồi ngang bằng vì hai người đều là những bậc Chưởng môn.

Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng là một trong những võ sư trình diễn nội công sớm nhất trong các đại hội võ thuật cổ truyền của Việt Nam.

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, ông từng gây kinh ngạc khi biểu diễn tiết mục Nhất dương chỉ. Ông đặt ngón tay trỏ lên một tảng đá, sau đó dùng một tảng đá khác nặng đúng 1 tạ đặt lên phía trên. Kế đến, ông để cho người dùng búa tạ đập vỡ tan tảng đá ở phía trên nhưng ngón tay của ông vẫn chẳng hề hấn gì.

Năm 1989 tại Liên hoan Võ thuật cổ truyền toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, ông thực hiện màn biểu diễn khác là Khẩu lợi công khiến làng võ phải thán phục.

Khi đó, ông chỉ nặng hơn 50kg nhưng đã đứng lên 2 chiếc cọc sắt rồi dùng hàm răng nhấc cả chiếc bàn thờ với đỉnh đồng, nến, hạc, kiếm… nặng tới 85kg.

Những năm gần đây, do tuổi tác nên Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng không còn biểu diễn trước công chúng nhưng vẫn tập luyện võ thuật đều đặn và dành nhiều thời gian để ngồi thiền, nghiên cứu Phật pháp và một số lĩnh vực khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại