Chúng tôi gặp ông chủ trà Tiên Hưởng, một người Đài Loan, tại thời điểm mà trà sữa đang là món “hot” của giới trẻ; trong khi nhiều chuỗi cà phê phải nói lời tạm biệt với thị trường thì nhiều quán, chuỗi trà sữa vẫn sống ngon lành.
Vào Việt Nam vì “cái duyên”, 1-1,5 năm là hoàn vốn
4 - 5 năm trước, khi ông Hùng (tên thường gọi của ông chủ hiệu Tiên Hưởng) còn bên Đài Loan, một người quen nói với ông, trà ngon như vậy không mang về Việt Nam. Từ gợi ý này ông Hùng bắt đầu nghĩ đến việc mang trà sang Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên ông mở là ở đường Trần Hưng Đạo (TPHCM), khách đến rất đông. Dần dà, ông mở thêm các cửa hàng khác. Đến nay, tại TP HCM, Tiên Hưởng có khoảng 30 cửa hàng, trong đó có 6 cửa hàng của Tiên Hưởng. Còn lại là nhượng quyền.
"Thị trường Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Tiên Hưởng", ông Hùng khẳng định. Lý do vì sao Tiên Hưởng ưu tiên thị trường Việt Nam được vị doanh nhân người Đài Loan đưa ra khá "trừu tượng": "Đó đơn giản chỉ là cái duyên mà thôi".
Theo chia sẻ của ông Hùng, giá vốn đầu tư cho một ly trà sữa thường vào khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Tiên Hưởng thường thu về biên lợi nhuận khoảng 20%. Còn ở thị trường hiện nay, mỗi quán mỗi chuỗi bán một giá, đó là do mức đầu tư khác nhau.
Không ngần ngại tiết lộ về chi phí đầu tư cho một cửa hàng tại Việt Nam, ông Hùng đưa ra con số khoảng hơn 1 tỷ đồng, tùy thuộc vào diện tích mỗi cửa hàng. “Khoảng 1 năm đến 1,5 năm là có thể lấy lại vốn”, người đàn ông Đài Loan tiết lộ.
“Nếu cửa hàng nhượng quyền xảy ra vấn đề, cả thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng”
Tiên Hưởng đang đầu tư trang trí, thiết kế lại nhiều cửa hàng để tạo ra diện mạo mới và “không nhượng quyền tràn lan” vì nhiều lo ngại về quản lý chất lượng.
Ông chủ Tiên Hưởng cho biết công ty ông quản lý rất chặt các cửa hàng nhượng quyền và kiên quyết không để các chủ cửa hàng mua đồ trôi nổi ở ngoài thị trường. “Nếu cửa hàng nhượng quyền xảy ra vấn đề gì thì cả thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói.
“Nếu chúng tôi phát hiện chủ điểm bán không trung thực, tự mua nguyên liệu thì sẽ cắt hợp đồng ngay”, ông Hùng cho biết.
Về nguồn nguyên liệu, ông Hùng cho hay, ông có vùng nguyên liệu tại Đài Loan và nhập trà từ Đài Loan về. Sữa được nhập từ Thái vì theo ông “sữa Thái phù hợp với trà, giúp trà ngon hơn”. Ngoài ra, Tiên Hưởng cũng có nhà máy sản xuất đường từ mía riêng tại Việt Nam và chỉ để phục vụ cho công ty.
Theo doanh nhân này, bài toán mặt bằng vẫn luôn là câu chuyện lớn đối với các chuỗi trà sữa hay cà phê, không riêng gì Tiên Hưởng.
Ví dụ như tại một điểm bán trung tâm TP HCM của Tiên Hưởng, giá thuê là 5.000 USD/tháng với diện tích ngoài 20 m2, không lầu. Hợp đồng ký theo năm. Đắt đỏ là thế nhưng cửa hàng này chỉ đông khách vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần thì thưa thớt nhưng “vẫn phải thuê”.
Tiên Hưởng vào Việt Nam cách đây 4 năm và hiện giờ đã có 50 cửa hàng trong cả nước, cả nhượng quyền và của chính Tiên Hưởng. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại TP HCM.
Trà Tiên Hưởng cũng đã có mặt tại Mỹ và sắp hiện diện ở Australia.