Một nhà báo ở Hà Nội kể chuyện bị lạm dụng suốt 3 năm thơ ấu

Hoàng Minh Trí |

Tôi bị lạm dụng lần đầu tiên năm 1987 khi học lớp 2 và còn tiếp tục kéo dài 3 năm sau đó.


LTS: Anh Hoàng Minh Trí, một nhà báo đang công tác tại một tờ báo có trụ sở ở Hà Nội mới đây đã kể lại câu chuyện bản thân là nạn nhân của nạn ấu dâm, hồi mới chỉ 7-8 tuổi. Đáng sợ hơn, theo câu chuyện anh kể, việc bị lạm dụng đó đã kéo dài suốt vài năm.

Tòa soạn xin đăng lại nguyên văn chia sẻ của anh.

Hắn thuộc làu mọi ngõ ngách hoặc con đường tôi đi chơi, đi học. Hình như trong khu phố cũng có lác đác vài đứa trẻ nữa.

Tôi cho là vậy, bởi khi đi cùng nhau, nếu gặp hắn, chúng tôi đều có chung một nỗi sợ hãi, phải bỏ chạy thục mạng không ngoái lại hoặc nép sát vào tường, hai tay giữ chặt đũng quần, không đứa nào nói lại với nhau bất kể điều gì.

Khu phố này không riêng trẻ con mà cả người lớn cũng ngại hắn. Người đàn ông đó to khoẻ, có thể chửi nhau sang sảng cả một buổi sáng hoặc thậm chí ngay cả mùng Một Tết bằng thứ giọng chói tai.

Tôi không dám nói bất cứ điều gì với bố mẹ và chị gái. Tôi biết mình sợ. Tôi sợ hắn chửi bố mẹ mình như những người khác mà tôi từng đứng xem.

Hắn luôn xuất hiện bất ngờ, buổi trưa vắng lao ra ghì chặt không thể thở nổi. Tay còn lại xọc vào quần bóp ngấu nghiến, đôi mắt vằn máu. Tôi điên cuồng đấm thẳng vào mặt hắn.

Gương mặt khốn ấy cứng trơ như đá, hắn không né mà giơ mặt ra hứng trọn lấy những cú đấm nhỏ xíu như nắm xôi vào xương gò má và cười khoái trá. Tôi học chửi bậy. Có lần hắn sàm sỡ tôi trước mặt mẹ hắn, tôi giãy giụa chửi dù không thực sự hiểu nghĩa câu đó là gì nữa.

Lần ấy hắn đánh tôi rất đau, bóp cổ và lấy dây thừng buộc chân treo ngược tôi lên móc quạt trần nhà hắn từ sáng đến gần trưa, giờ mẹ tôi đi làm về, thì thả xuống. Tôi nhớ hôm đó chắc chắn mẹ nhận ra điều gì đó bất thường, gặng hỏi nhưng tôi im như thóc. Bởi quá sợ hãi.

Có thể phần đời sau của tôi đủ may mắn để những vết thương tinh thần đó không hằn sâu trong trí não và ảnh hưởng đến nhân cách. Nhưng sau này nghe bất kể chuyện gì liên quan ấu dâm tôi đều lạnh sống lưng. Những đứa trẻ bị lạm dụng khác có thể sẽ không được may mắn như tôi, tổn thương nghiêm trọng hơn.

Và những kẻ bệnh hoạn ấy cần bị trừng phạt.

Luật Việt Nam về các hành vi liên quan đến lạm dụng hay quấy rối tình dục trước nay khá sơ sài. Theo quy định hiện hành thì mức phạt cho hành vi quấy rối mới chỉ ở mức vi phạm hành chính.

Trong Bộ luật Hình sự hiện tại thì chỉ chủ yếu tập trung vào giao cấu, nên các hành vi làm tình khác sẽ bị chuyển sang tội dâm ô. Luật Hình sự mới - đã đưa hành vi quan hệ tình dục khác vào cùng với các tội danh về hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu - nhưng chưa có hiệu lực.

Cho đến lúc này, xét về khung pháp lý, vẫn chưa có hướng dẫn đầy đủ để nhận diện "hành vi quấy rối tình dục" nói chung, chứ chưa nói đến ấu dâm - tình trạng mà đối tượng thường xuyên không thể tố cáo chính xác những gì mà kẻ thủ ác đã làm với chúng. Và tất nhiên, giáo dục trong nhà trường về chủ đề này vẫn đầy những khoảng trống.

Sau tất cả những sự kiện gây chấn động trong xã hội gần đây, sau tất cả đau đớn của những người mẹ, những phẫn nộ của cộng đồng, đã đến lúc cần lấp đầy khoảng trống cả về nhận thức lẫn pháp lý cho xã hội về loại hình tội phạm này.

Tội phạm ấu dâm không chỉ tạo ra hậu quả trước mắt lên thân xác những đứa trẻ, mà khiến tinh thần chúng bị tổn thương lâu dài, không thể khắc phục.

Hơn tất cả, các bố mẹ cần có người đứng ra nhận vị trí làm bạn đúng nghĩa với con, để nghe chúng tâm sự, chia sẻ và "cảm giác" được những bất thường của trẻ. Thế giới của con nít là thế giới riêng, người lớn muốn biết, muốn hiểu và bảo vệ chúng, không có cách nào khác phải tham gia vào đó.

Không có sự nghiệp hay đồng tiền nào có thể bù đắp tổn thương nổi cho con cái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại