Người bị cáo buộc giật dây âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là ai?

Ngọc Minh |

"Là một nạn nhân của nhiều cuộc đảo chính quân sự trong suốt 5 thập kỷ, thật là một sự xúc phạm khi tôi bị cáo buộc có bất kỳ mối quan hệ nào với một âm mưu như thế này".

"Tôi dứt khoát bác bỏ cáo buộc"

Trong cuộc đảo chính bất thành nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7, cái tên Fethullah Gulen một lần nữa được nhắc tới. Người ta nghi ngờ rằng vị giáo sĩ 75 tuổi đang sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999 là chủ mưu.

Đặt chân tới sân bay thành phố Istanbul sau thông báo "đẩy lùi" đảo chính được cơ quan tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) đưa ra, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã ngay lập tức buộc tội Gulen.

Ông Erdogan nói, vụ đảo chính được tiến hành bởi một "nhóm thiểu số" trong quân đội. Một số quân nhân đã nhận lệnh từ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, và âm mưu lật đổ cho thấy phong trào Gulen "là một tổ chức khủng bố có vũ trang".

Trái ngược với sự hỗn loạn ở Ankara và Istanbul là bầu không khí khá yên bình vẫn bao trùm khu vực quanh nơi ở của ông Fethullah Gulen tại ngoại ô thị trấn Saylorsburg, Pennsylvania, Mỹ.

Các phóng viên cố gắng tiếp cận người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong này đều nhận được câu trả lời từ một bảo vệ rằng, ông Gulen không gặp gỡ báo chí.

Một phát ngôn viên của ông này nói với Financial Times: "Sức khỏe của ông Gulen đang rất không ổn định và tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ gặp bất cứ phóng viên nào".

Người bị cáo buộc giật dây âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là ai? - Ảnh 1.

Ông Gulen tại nhà riêng ở Mỹ

Trong một tuyên bố gửi bằng email sau đó, ông Gulen bác bỏ cáo buộc giật dây âm mưu đảo chính: "Bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất, tôi lên án âm mưu đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ cần phải giành chiến thắng thông qua quá trình bầu cử tự do và công bằng, không phải thông qua vũ lực.

Là một nạn nhân của nhiều cuộc đảo chính quân sự trong suốt 5 thập kỷ, thật là một sự xúc phạm khi tôi bị cáo buộc có bất kỳ mối quan hệ nào với một âm mưu như thế này.

Tôi thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc như vậy".

Cuộc phỏng vấn "lịch sử"

Người ta có lý do để nghi ngờ ông Gulen đứng sau âm mưu lật đổ chính phủ của Tổng thống Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Gulen một thời là đồng minh rất thân thiết của Erdogan, từng giúp ông này cùng cố quyền lực trong những năm đầu tiên lên nắm quyền Thủ tướng.

BBC dẫn lời Cựu Đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ James Jeffrey nói rằng, Gulen có lẽ là người đàn ông quyền lực thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ - giáo sĩ Hồi giáo đứng đầu phong trào Hizmet có hàng triệu tín đồ, với kinh phí hoạt động ước tính lên tới hàng tỉ USD tại 150 quốc gia.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhân vật quyền lực này chấm dứt vào năm 2013, khi Gulen cáo buộc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chuyên quyền. Các quan chức thực thi pháp luật và cán bộ tư pháp được cho là trung thành với học giả này thì cáo buộc những nhân vật thân cận với Erdogan tham nhũng.

Đầu năm 2014, Erdogan đã sa thải hàng nghìn quan chức cảnh sát, công tố viên và thẩm bị bị nghi có liên quan tới ông Gulen, đóng cửa các tờ báo đối lập hoặc sa thải biên tập viên của các tờ báo này, bao gồm nhật báo hàng đầu Zaman.

Tại Mỹ, Gulen sống cuộc đời ẩn dật và không nhận lời tham gia bất cứ cuộc phỏng vấn nào. Những lần liên hệ hiếm hoi của ông với truyền thông gần như chỉ thông qua email.

Mãi tới năm 2014, Gulen mới miễn cưỡng nhận lời xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn riêng với hãng tin BBC tại nhà ở Mỹ, sau khi được các cố vấn ra sức thuyết phục.

12 người trong đoàn quay phim của BBC chen chúc trong không gian riêng tư của Gulen tại một tòa nhà nhỏ nằm sát kề khu phức hợp lớn, xem bộ sưu tập cát từ các bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Căn phòng không có nhiều đồ đạc - những giá sách màu nâu sẫm, chiếc giường đơn thấp tè, một chiếc thảm để cầu nguyền và cuốn kinh Koran to ngoại cỡ.

Một trong những ấn tượng sâu đậm của cả đoàn phim BBC đối với Fethullah Gulen là tình trạng sức khỏe rất yếu của ông này - ông mắc rất nhiều bệnh mạn tính và vừa mới điều trị xong chứng rối loạn hô hấp.

Tới mức, của BBC tiết lộ, cuộc phỏng vấn riêng đầu tiên sau nhiều năm suýt chút nữa đã phải hủy bỏ.

Người bị cáo buộc giật dây âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là ai? - Ảnh 2.

Gulen và Erdogan thời còn là đồng minh chính trị

Lần thứ nhất là khi vị bác sĩ riêng của ông ta ngồi ở góc phòng lập tức bật dậy, lao nhanh về phía nhân vật chính khi nhìn thấy ông ta ra hiệu bằng cách vẫy tay đầy mệt mỏi - vội vã tới mức vấp cả vào thảm.

Ông bác sĩ đo huyết áp, và đút tay vào trong túi, lôi ra một viên thuốc nhai đưa cho bệnh nhân của mình. Cuộc phỏng vấn vài lần bị gián đoạn vì những lần kiểm tra, đo đạc các chỉ số sức khỏe.

Lần thứ hai, khi đứng dậy sau cuộc trò chuyện kéo dài, Gulen bất ngờ loạng choạng. 13 cấp dưới của ông lại vội vàng chạy lại xốc vai, dìu ông đứng thẳng.

Trong ký ức của phóng viên BBC Tim Franks, vị giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ này một người khó tính, thi thoảng mới thấy ông nhếch mép cười.

Khi chờ phiên dịch viên truyền đạt lại câu trả lời của mình, ông thường nhắm mắt, nghiêng mặt về phía thành ghế - trông mệt mỏi hơn là dáng vẻ của một người đợi chờ phản ứng của người đối diện.

Ông chẳng có vẻ gì là muốn khoét sâu thêm một cách quá trực diện vào mối thù hằn với Erdogan. Gulen thích dùng những động từ bị động hơn là chủ động, danh từ số nhiều, chung chung hơn là ám chỉ một cá nhân cụ thể.

"Cá nhân tôi vẫn sẽ im lặng, tôi sẽ không đáp trả hành động của họ".

Để theo dõi diễn biến mới nhất, mời bạn đọc xem tại đây:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại