Quốc hội Myanmar có 664 ghế nhưng do cuộc bầu cử chọn 7 ghế hạ viện tại các khu vực biên giới bị hủy nên NLD chỉ cần giành thêm 2 ghế (để đạt cột mốc 329 ghế) là nắm được thế đa số trong quốc hội mà không cần quan tâm đến 25% ghế trong tay quân đội.
Cụ thể, NLD đang có trong tay 217 ghế hạ viện, 110 ghế thượng viện và 382 ghế nghị viện cấp vùng, bang. Các con số này của USDP lần lượt là 28, 12 và 54.
Điều được quan tâm lúc này là quá trình bầu chọn tổng thống mới ở Myanmar, dự kiến diễn ra vào tháng 2-2016 hoặc sau đó.
Theo Hiến pháp Myanmar, quốc hội mới sẽ lập ra Hội đồng Bầu cử tổng thống (PEC) gồm 3 ủy ban, trong đó có 1 ủy ban chỉ gồm nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm trong toàn quốc hội, 2 ủy ban còn lại đại diện cho hạ viện và thượng viện.
Mỗi ủy ban sẽ đề cử một ứng viên tổng thống và PEC bỏ phiếu bầu chọn, ai nhiều phiếu nhất sẽ thành tổng thống, 2 người còn lại đảm nhận vị trí phó tổng thống. Nếu NLD giành thế đa số ở cả thượng viện và hạ viện thì họ càng nhiều cơ hội đề cử.
Do bà Aung San Suu Kyi bị cấm làm tổng thống theo một điều khoản của Hiến pháp Myanmar nên theo Reuters, có 3 nhân vật nhiều khả năng được NLD cân nhắc.
Người đầu tiên là ông Tin Myo Win - 64 tuổi, bác sĩ riêng của bà Suu Kyi. Trả lời phỏng vấn trang Irrawaddy của người Myanmar ở Thái Lan gần đây, ông Tin Myo Win nói sẵn sàng chấp nhận đề nghị làm tổng thống “vì lợi ích của đất nước”.
Dù vậy, không ít cư dân mạng ở Myanmar không tin ông này trở thành người kế nhiệm Tổng thống Thein Sein. Hai lựa chọn khả dĩ hơn có thể là cựu tướng lĩnh Shwe Mann, hiện là chủ tịch hạ viện, hoặc ông Tin Oo, Chủ tịch danh dự NLD.
Quá trình chuyển giao quyền lực ở Myanmar hứa hẹn diễn ra suôn sẻ sau khi cả ông Thein Sein lẫn tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội, đều chúc mừng chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, đồng thời cam kết đối thoại và hợp tác với NLD.
Ngoài ra, người phát ngôn Tổng thống Thein Sein cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện để chúc mừng ông vì tổ chức một cuộc tổng tuyển cử “tự do và công bằng”.