Trước đây, Nga lần lượt ký hiệp định gia hạn các căn cứ của mình tại Tajikistan và Kyrgyzstan đến năm 2042 và 2032, đồng thời viện trợ quân sự cho 2 nước này.
Moscow cũng cho biết sẽ tăng cường quân số ở Tajikistan từ 5.900 lên 9.000 người vào năm 2020, đồng thời dự định thay mới toàn bộ máy bay tại căn cứ không quân ở vùng Kant - Kyrgyzstan vào năm 2016.
Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích cho động thái tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Á bằng cách nêu bật mối đe dọa mà cả Nga và khu vực này đang đối mặt từ Afghanistan và những nơi khác.
Nguy cơ càng nghiêm trọng bởi sự hiện diện của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan.
“Ước tính có 5.000-7.000 chiến binh từ Nga và các nước thành viên CIS đang chiến đấu cho IS.
Dĩ nhiên chúng ta không thể cho phép họ sử dụng kinh nghiệm thu thập được từ Syria tại quê nhà” - ông Putin cảnh báo tại hội nghị thượng đỉnh CIS, đồng thời kêu gọi các nước thành viên cần cảnh giác với hành động trả đũa của bọn khủng bố và cùng hợp tác bảo vệ đường biên giới.
Tuyên bố trên được ông Putin đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố kế hoạch duy trì khoảng 9.800 binh lính Mỹ tại Afghanistan trong gần hết năm 2016.
Trong khi đó, theo báo Telegraph, Nga đang giảm bớt cường độ không kích IS tại Syria. Ngày 13-10 lập kỷ lục về số cuộc không kích với 88 lượt cất cánh và 86 căn cứ của IS bị phá hủy.
Tuy nhiên, sang ngày 15-10, Nga chỉ ném bom 33 mục tiêu của IS. Lý do, theo Bộ Quốc phòng Nga, là quân đội Syria đang mở rộng các chiến dịch trên bộ.
Ngày 16-10, quân đội Syria với sự hỗ trợ của nhóm Hezbollah (Lebanon) và các binh sĩ Iran tấn công phía Nam TP Aleppo.
Như vậy, quân chính phủ đang gia tăng sức ép lên quân nổi dậy tại nhiều mặt trận gần các thành phố lớn ở miền Tây Syria.
Kiểm soát được dải miền Tây sẽ giúp Tổng thống Bashar al-Assad giữ được quyền lực bất chấp việc IS đang chiếm giữ miền Đông.