1. Đối thủ U19 Indonesia, ngày 22/9/2013, U19 Việt Nam thua trên chấm luân lưu trong một trận đấu được miêu tả giống như một võ đài. U19 Việt Nam từng không thắng được bạo lực và đá xấu.
Đối thủ U19 Tottenham, ngày 10/1/2014, U19 Việt Nam thua trong một trận đấu mà đối phương cao hơn chúng ta ít nhất một cái đầu. U19 Việt Nam từng không thắng được sự chênh lệch thể hình.
Đối thủ U19 Myanmar, ngày 23/8/2014, U19 Việt Nam thua ngược trong một thế trận đuối sức về cuối cực kỳ rõ ràng. U19 Việt Nam từng không thắng được vì yếu về thể lực.
Nhưng U19 Việt Nam không phải là đội bóng duy nhất phải đối mặt với những vấn đề trên. Những đội bóng vĩ đại có kêu ca vì đối thủ to con hơn họ, có khóc lóc vì đối phương chơi bạo lực, có thua ngược khi đã dẫn bàn?
Không! Những đội bóng lớn chiến thắng không phải vì họ không đối đầu với khó khăn. Những đội bóng lớn chiến thắng vì bất chấp nghịch cảnh, họ vẫn đánh bại đối thủ. Đêm 5/9/2014, U19 Việt Nam đã lần đầu tiên thể hiện một chút chất “lớn” của mình.
Minh Vương cũng từng là nạn nhân của lối chơi tiểu xảo từ Australia. Thể hình nhỏ bé khiến cầu thủ hay nhất V-League gặp nhiều khó khăn ở vị trí tiền đạo cắm
2. Trước đối thủ U19 Australia - một đội bóng có thể hình cao to, thể lực của người châu Âu, đầy kinh nghiệm, biết đá tiểu xảo, U19 Việt Nam đã chiến thắng. Bất chấp tất cả những lợi thế của đối thủ, các học trò của huấn luyện viên Guillaume Graechen đã đọ sức bền với những cầu thủ da trắng, đã tranh chấp thành công với các hậu vệ trên 1m8, đã đứng vững trước hàng loạt pha va chạm và vào bóng thô bạo. U19 Việt Nam đã chiến thắng.
Trong buổi họp báo trước trận, các phóng viên chất vấn huấn luyện viên Graechen vì chuyện thể lực của đội bóng. Vào trận, các học trò trả lời cho ông thầy bằng những màn rượt đuổi khiến U19 Australia kiệt sức. Đội bóng áo trắng đã chơi pressing suốt 90 phút, đã dồn ép đối thủ, đã rất nhiều lần buộc những hậu vệ da trắng to cao làm mất bóng ngay ở 1/3 sân cuối cùng.
Thể lực sung mãn và tốc độ của U19 Việt Nam đã buộc các cầu thủ Australia phải phạm lỗi. Minh Vương, Hoàng Thanh Tùng đều bị đốn ngã trong vòng cấm ít nhất một lần. Quang Hải bị phạm lỗi nhiều tới mức buộc phải phản ứng đối thủ. Công Phượng được chăm sóc tận răng. Ở một tình huống kéo áo lộ liễu, đội trưởng của U19 Việt Nam chán nản tới mức phải dừng tình huống, giang tay thất vọng, nhìn về phía đối thủ. Phạm lỗi chiến thuật, kéo áo, đẩy người, U19 Australia đã làm tất cả.
Quang Hải phản ứng với thủ môn Australia sau một tình huống vào bóng nặng chân của thủ thành này
90 phút tại Mỹ Đình, U19 Việt Nam cũng thể hiện sự tập trung đáng nể. Nếu như trước đây, đội bóng chỉ chơi thực sự tốt trong 45 phút đầu tiên thì hôm ấy, 30 phút cuối cùng mới là khoảng thời gian hay nhất của U19 Việt Nam. Chứng kiến hàng thủ của đội bóng đứng vững dù không còn Đông Triều ở cuối trận, chứng kiến Công Phượng bình tĩnh xử lý chính xác từng động tác trong bàn thắng phút 88, chúng ta hiểu rằng U19 Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều.
3. Chiến thắng thứ hai trước U19 Australia chứng tỏ U19 Việt Nam không hề ăn may trong quá khứ. Một chiến quả khác trước U19 Nhật Bản sẽ chứng minh U19 Việt Nam đã thực sự lột xác. Đội bóng mạnh thực sự phải vượt qua tất cả để chiến thắng. Đêm 5/9, U19 Việt Nam là một đội bóng như thế.
Công Phượng từng phải rời sân để điều trị chấn thương do các va chạm với cầu thủ U19 Australia