Sức mạnh chiến tranh điện tử của Nga

Theo “Báo Độc lập” ngày 20/12, bức thông điệp liên bang truyền thống đọc trước quốc hội của Tổng thống Putin ngày 12/12 là một trong các sự kiện quan trọng nhất trong năm của Nga.

Hình ảnh minh họa hệ thống Krasukha của Nga.

Ở cương vị tổng tư lệnh, trong thông điệp của mình, ông Putin một lần nữa thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề củng cố quốc phòng, phát triển các lực lượng vũ trang. Tổng thống Nga lưu ý: “Học thuyết quân sự và các vũ khí tiềm tàng của chúng ta, đang và sẽ được trang bị cho quân đội, cho phép chúng ta hoàn toàn đảm bảo an toàn cho nhà nước Nga”.

Với những gì ông Putin đã khẳng định, có thể thấy Nga không hề quá sức trong việc tăng mạnh về số lượng tiềm năng quân sự, như Liên Xô trước đây, cũng như tái vũ trang về quân đội và hải quân. Nói cụ thể, Nga đã chọn cách tiếp cận để không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Con đường phát triển quốc phòng này được xác định thông qua một phân tích thấu đáo từ điều tra về lĩnh vực quốc phòng mà các nước khác theo đuổi. Ông Putin nói: “Chúng ta đều biết rõ hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ phòng thủ về tên gọi, còn trên thực tế là phần quan trọng của khả năng tấn công chiến lược. Gây lo ngại còn là việc phát triển các hệ thống vũ khí mới, như thiết bị nổ hạt nhân năng lượng thấp, tên lửa chiến lược không sử dụng đầu đạn hạt nhân, các hệ thống chính xác siêu âm phi hạt nhân để tấn công trong thời gian ngắn, ở khoảng cách xa. Chúng ta đang theo dõi sát sao sự phát triển của cái gọi là mô hình “tấn công phủ đầu chớp nhoáng toàn cầu”, có mô hình như vậy, và một số nước đang tích cực phát triển. Việc thực thi các kế hoạch này có thể dẫn tới hậu quả vô cùng tiêu cực đối với sự ổn định khu vực và toàn cầu”.

Tổng thống Putin cho rằng các mô hình đó kết hợp với việc tăng khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa có thể vô hiệu hóa tất cả các thỏa thuận đạt được trước đó về hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, phá bỏ cái gọi là cân bằng sức mạnh chiến lược. Nguyên thủ quốc gia Nga nói: “Chúng ta hiểu rõ điều này. Và chúng ta hiểu trong vấn đề này chúng ta cần làm gì. Không ai được có ảo giác về khả năng đạt được sự vượt trội quân sự so với Nga. Chúng ta không bao giờ cho phép điều này. Nga sẽ đáp lại tất cả những thách thức đó bằng chính trị và công nghệ”.

Bảo vệ hoàn toàn

Cần lưu ý rằng, trong cuộc họp ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga kéo dài 3 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã chuyển những luận điểm Tổng tư lệnh Putin đề ra thành thực tế. Ông yêu cầu Bộ tổng tham mưu xem xét soạn thảo kế hoạch quốc phòng mới liên quan tới việc phát triển kế hoạch mới phòng thủ trước các nguy cơ liên quan tới phát triển mô hình “tấn công chớp nhoáng toàn cầu” và việc Mỹ thực thi kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa.

Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov được giao thực thi các nhiệm vụ trong chương trình vũ trang quốc gia, đảm bảo chế tạo và cung cấp cho quân đội những vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại nhất. Trọng tâm chính là phát triển vũ khí tầm xa, độ chính xác cao, cho tất cả các quân chủng.

Theo Báo Độc lập, giải pháp của Tổng thống Putin trước những thách thức công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng là thay đổi đáng kể về chất thiết bị quân sự của tất cả các quân chủng. Đó là sở hữu, ví dụ như, những vũ khí siêu hiện đại cho chiến tranh điện tử (EW), do công ty cổ phần khổng lồ, trong thành phần gồm 97 xí nghiệp quốc phòng vốn là một phần của tập đoàn quốc doanh Rostec, phát triển và sản xuất. 2-3 năm trước, điều này được xem là không tưởng.

Hãy tưởng tượng một vụ tấn công bằng tên lửa vào chủ thể nào đó trên lãnh thổ LB Nga. Có thể thấy rõ một số tên lửa đang tiến tới mục tiêu. Bỗng nhiên, ở khoảng cách khoảng 0,5km, các tên lửa này lần lượt vấp phải bức tường vô hình, một mái vòm nào đó, và phát nổ trên không.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Vladimir Mikheev, hiệu ứng vấp phải bức tường thép chỉ là ảo tưởng. Trên thực tế để hạ gục các tên lửa này, theo hướng của chúng, người ta phóng đi một chùm tia mạnh tần số siêu cao ((UHF), và ở khoảng cách lớn vừa đủ cách mục tiêu bị tấn công, các tên lửa này bị phá hủy và hoàn toàn “bốc hơi”.

Một phương pháp bảo vệ điện tử chủ động khác – cụ thể là trên máy bay lên thẳng là hệ thống “President-S” của Nga có thể làm chệch hướng bất cứ loại tên lửa vác vai phòng không (MANPADS) hiện đại nào. Theo mô hình nhiệt các mục tiêu máy bay khác nhau, người ta đã bắn thử khoảng 50 MANPADS khác nhau – của Nga là Igla và Strela, còn của Mỹ là Stinger….

Tên lửa được bắn đi từ khoảng cách 1000 m, nhằm trực diện. Tuy nhiên nhờ sự bảo vệ của “President-S” tên lửa vẫn không thể bắn trúng mục tiêu. Tất cả các tên lửa, sau khi kích hoạt hệ thống phát xạ chủ động, sẽ quay ngoắt (gần như 180º) và rời khỏi mục tiêu đồng thời tự phá hủy. Người ta tiến hành bắn thử vào máy bay lên thẳng Mi-8. Chiếc máy bay này được cố định trên không, trên một giàn giáo đặc biệt. Động cơ máy bay được điều chỉnh hoạt động hết công suất, để đạt tới độ tỏa nhiệt tối đa. Tuy nhiên “bộ não” của MANPADS vẫn bị đánh lừa và tên lửa bay khỏi mục tiêu. Hệ thống “President-S” là một cuộc cách mạng thực sự trong việc bảo vệ máy bay trước mọi loại tên lửa tìm nhiệt.

Hệ thống điện tử gây nhiễu mới “Khibiny” của Nga làm cho hầu như bất cứ loại máy bay nào trở nên tàng hình trước các hệ thống phòng không. Giám đốc Phòng đơn hàng quốc phòng nhà nước thuộc công ty cổ phần trên, ông Vladimir Mikheev cho biết nếu lắp hệ thống bảo vệ này lên các máy bay Su-30, Su-34, Su-35 khả năng sống sót của máy bay tăng 30 lần. Có nghĩa là các máy bay này trở nên hầu như không thể bắn hạ bằng các hệ thống phòng không hiện có trên thế giới.

Tổng giám đốc công ty cổ phần, ông Nikolai Kolesov tự tin tuyên bố rằng Nga về cơ bản trong việc phát triển các hệ thống chiến tranh điện tử trên đất liền đã đi trước các đối tác phương Tây nhiều năm. Ông giải thích: “Hầu hết các nước đi sâu vào việc phát triển hệ thống EW đều tư duy chế tạo các thiết bị nhiễu để đảm bảo cho đòn tấn công của máy bay và tên lửa, vì họ thường tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ nước khác. Nga cũng phát triển hệ thống EW, song đặc biệt chú trọng tới chế tạo các hệ thống bảo vệ lãnh thổ. Kết quả là Nga sở hữu các hệ thống chiến tranh điện tử có thể, ví dụ, 100% chế ngự hoạt động hệ thống Airborne Warning and Control System (AWACS) của Mỹ”.

Nga đã bắt đầu thực hiện hợp đồng cung cấp cho quân đội nước này lô đầu tiên 9 hệ thống “Moskva-1”. Ông Kolesov cho biết: “Ngày nay chẳng nước nào trên thế giới có hệ thống như Moskva”. Hệ thống này ứng dụng công nghệ số mới nhất và cho phép radar quét trên không ở chế độ thụ động trong khoảng cách 400km, để phát hiện và cung cấp số liệu về mục tiêu cho các hệ thống điện tử khác, cũng như hệ thống phòng không và máy bay, điều khiển chúng vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt kẻ địch.

Trong khi đó Nga đang phát triển Divnomorie – hệ thống thực sự mạnh và phức tạp hơn nhiều Moskva. Bộ Quốc phòng Nga dự định giới thiệu hệ thống này với khách hàng đầu năm 2016. Theo ông Kolesov, Divnomorie thực sự có thể “giải quyết cả vấn đề phòng thủ vũ trụ”. Còn chống lại các vệ tinh do thám là hệ thống Krasukha-4. Năm 2013 quân đội Nga nhận được 2 hệ thống kiểu này.

Tuy vậy, Báo Độc lập cũng dân lời các chuyên gia Nga cho rằng dù có chế tạo những vũ khí và trang thiết bị quân sự tối tân tới mức nào, không ai có thể bảo đảm họ hoàn toàn an toàn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại