Thảm họa Baltimore có thể trở thành vụ đền bù bảo hiểm lớn nhất lịch sử hàng hải

Linh Anh |

Những người trong ngành tài chính cho rằng vụ sập cầu ở Baltimore có thể dẫn đến những khoản thanh toán bảo hiểm lớn nhất lịch sử hàng hải từ trước tới nay.

Thảm họa Baltimore có thể trở thành vụ đền bù bảo hiểm lớn nhất lịch sử hàng hải- Ảnh 1.

Các nhà phân tích hiện vẫn đang dự đoán tổn thất mà các công ty bảo hiểm phải thanh toán trong vụ tàu container đâm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Mỹ. Tuy nhiên, số tiền sẽ lên tới hàng tỷ USD và có thể liên quan tới rất nhiều tập đoàn bảo hiểm toàn cầu khác nhau bởi thiệt hại không chỉ nằm ở con tàu và hàng hoá cũng như cây cầu bị sập.

“Chúng tôi đang bắt đầu chuẩn bị các nguồn lực với dự đoán đây sẽ là vụ bồi thưởng bảo hiểm rất quan trọng của ngành. Với thị trường của Lloyd, sẽ mất một khoảng thời gian để có thể đánh giá hết tác động”, Chủ tịch Bruce Carnegie-Brown của công ty bảo hiểm có trụ sở tại London, Anh, nói về sự chuẩn bị của doanh nghiệp với những thiệt hại tiềm năng từ vụ tai nạn gây ra.

“Vẫn còn rất sớm để nêu ra một con số. Tại thời điểm này, tôi hy vọng rằng số tiền bồi thường sẽ không nằm ngoài kịch bản ứng phó thảm hoạ của chúng tôi. Có vẻ đây là một tổn thất đáng kể, thậm chí là tổn thất lớn nhất lịch sử hàng hải từ trước tới nay nhưng mong là nó không vượt qua con số mà chúng tôi dự kiến”, ông Carnegie-Brown nói.

Ông Carnegie-Brown cho biết ngoài tiền bảo hiểm với con tàu, hàng hoá và cây cầu, ngành bảo hiểm cần sẵn sàng cho những “tác động cấp hai” bởi chúng sẽ trở nên “rất đáng kể”.

“Rất nhiều hoạt động kinh doanh sẽ bị gián đoạn, chuỗi cung ứng cũng bị gián đoạn bởi những con tàu mắc kẹt trong cảng và tất nhiên, cả những con tàu đang cố gắng cập cảng nữa. Sẽ cần một thời gian dài để đánh giá hết tác động”, ông Carnegie-Brown nói.

Baltimore là cảng lớn thứ 11 ở Mỹ nhưng lại là cảng bận rộn nhất nền kinh tế số 1 thế giới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ô tô và xe tải hạng nhẹ. Các nhà khai thác chuỗi cung ứng đang nỗ lực giảm thiểu tác động từ vụ tai nạn với thương mại.

Các nhà phân tích của Morningstar DBRS ước tính rằng thiệt hại được bảo hiểm sẽ trong khoảng từ 2 đến 4 tỷ USD tuỳ thuộc vào thời gian cảng bị phong toả. Con số này sẽ vượt qua số tiền bảo hiểm siêu tàu du lịch Costa Concordia khi nó lật nghiêng năm 2012.

Các chính sách bảo hiểm khác nhau có thể được kích hoạt đối với trách nhiệm hàng hải, thân tàu, tài sản, hàng hoá và gián đoạn kinh doanh…. Và nhiều công ty bảo hiểm sẽ liên quan tới các vụ bồi thường do thảm hoạ này gây ra, bao gồm cả các tác động thứ cấp.

“Dù tổn thất có thể nặng nề tới đâu, chúng tôi hy vọng ngành bảo hiểm có thể quản lý được chúng bởi vụ việc này liên quan đến một nhóm lớn và đa dạng các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm có vốn hoá tốt”, Morningstar DBRS cho biết.

Barclays thì dự đoán số tiền bảo hiểm trong vụ này có thể từ 1 tới 3 tỷ USD.

Con tàu container khổng lồ treo cờ Singapore được hãng tàu biển Maersk của Đan Mạch thuê và đang vận chuyển hàng hoá cho khách hàng. Con tàu được điều hành bởi công ty Synergy Group. Báo cáo ban đầu cho thấy con tàu bị mất điện trước khi đâm vào cầu.

Một cuộc điều tra sẽ được cơ quan chức năng tiến hành cả ở Singapore và Mỹ để xác định trách nhiệm pháp lý. Đây là một phần của quy trình phức tạp, có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Maersk có trách nhiệm pháp lý với tư cách là người thuê tàu thay vì là đơn vị điều hành tàu.

Một số công ty toàn cầu cho biết họ đang đánh giá tác động của thảm kịch với hoạt động của mình và dự kiến sẽ phải điều chỉnh lại tuyến đường thương mại, do đó khiến thời gian giao hàng kéo dàu hơn. Tuy nhiên, người ta hy vọng không xảy ra tình trạng gián đoạn thời gian dài ở hiện tại.

Các nhà phân tích của Barclays cho biết các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW, Mercedes và Volkswagen sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì nhập khẩu từ châu Âu chiếm tới 40-50% doanh số bán xe ở Mỹ trong những năm gần đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại