Politico: Ông Trump có ra lệnh thì QĐ Mỹ cũng không dám đánh Triều Tiên vì tình báo mù thông tin

Trung Phạm |

Một quan chức tình báo hàng đầu nước Mỹ đã phải thốt lên rằng, Triều Tiên “là một trong những mục tiêu rất khó khăn, nếu không muốn nói là khó nhất”.

Mục tiêu khó khăn nhất

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng hôm 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tuyên bố "hành động quân sự chắc chắn là một lựa chọn" và nếu được thực hiện thì đó sẽ là "một ngày rất buồn đối với Triều Tiên".

Thế nhưng, theo một bài viết trên Politico, đang tồn tại một nghịch lý là các nỗ lực xâm nhập Triều Tiên của cộng đồng tình báo Mỹ đều chưa đạt hiệu quả. Nó hạn chế tới mức mà quân đội nước này còn không có đủ thông tin chính xác để đưa ra quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng ngay cả khi Tổng thống có ra lệnh.

Triều Tiên là một trong những mục tiêu tình báo khó xâm nhập nhất, đến mức một quan chức tình báo hàng đầu nước Mỹ hồi đầu năm phải thốt lên rằng "đó là một trong những mục tiêu khó khăn, nếu không muốn nói là khó nhất".

Vậy nên, có một câu hỏi đặt ra rằng, không kích hay các biện pháp tấn công nào khác liệu có thể dập tắt được toàn bộ các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên hay lại vẫn để sót nhiều mục tiêu rồi sau đó Triều Tiên vẫn có thể sử dụng để đáp trả?

"Bạn không muốn chọc vào tổ ong nhưng khi bạn đã chọc vào rồi thì các con ong vẫn còn đó", Douglas Paal, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và là cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống George H.W. Bush nhận xét.

"Khi đệ trình các lựa chọn lên cho Tổng thống, một trong những câu hỏi đầu tiên chúng ta phải trả lời là chúng ta có thể tấn công vào những gì chúng ta nhìn thấy nhưng chúng ta lại chẳng biết cái chúng ta không nhìn thấy", ông Paal lý giải.

"Nói tóm lại, tôi nghĩ sẽ không quá khi nói rằng chúng ta vẫn đang mò mẫm trong bóng tối ở Triều Tiên".

Những thông tin tình báo bất nhất

Khó khăn trong việc thu thập và phân tích thông tinh tình báo về Triều Tiên là một phần nguyên nhân các cơ quan tình báo Mỹ thường đưa ra những kết luận khác nhau về khả năng của Triều Tiên và nhiều khi còn rất gây mâu thuẫn, kể cả về vụ thử bom nhiệt hạch ngày 3/9.

Chẳng hạn như năm 2013, Cơ quan tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) báo cáo, họ "tin tưởng tương đối" rằng Triều Tiên đã phát triển được một đầu đạn hạt nhân có thể gắn trên tên lửa.

Nhưng chẳng bao lâu sau, Giám đốc tình báo quốc gia khi đó là ông James Clapper đã phải rút lại thông tin và cho biết phát hiện đó không phải là kết luận thống nhất của toàn thể cộng đồng tình báo.

Politico: Ông Trump có ra lệnh thì QĐ Mỹ cũng không dám đánh Triều Tiên vì tình báo mù thông tin - Ảnh 1.

Quân đội Triều Tiên tham gia buổi lễ chúc mừng các nhà khoa học nước này đã có những đóng góp cho vụ thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch hôm 3/9. Ảnh: Getty Images

Đến mùa hè năm nay, một phân tích tình báo quân sự về các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên lại phải điều chỉnh với kết luận Bình Nhưỡng có thể gắn một quả bom nguyên tử lên đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ vào cuối năm 2018, sớm hơn hai năm so với các dự đoán trước đó.

Nhưng cũng chỉ vài tuần sau đó, các cơ quan tình báo khác của Mỹ lại kết luận Triều Tiên đã bắt đầu chế tạo các đầu đạn hạt nhân sẵn sàng gắn vào tên lửa.

Và rồi đến ngày 3/9, việc Triều Tiên kích nổ dưới lòng đất một vũ khí hạt nhân ở vùng Đông Bắc đất nước đã làm rung chuyển, theo đúng nghĩa đen, toàn bộ khu vực mà theo đánh giá của các chuyên gia thì nó tương đương với vụ nổ 140 kiloton, mạnh hơn cả 5 vụ nổ trước đó cộng lại.

Các phương thức tình báo đều bất lực?

Mỹ thường thu thập thông tin tình báo về các nước khác và các tổ chức khủng bố chủ yếu bằng việc sử dụng điệp viên, nghe lén, tình báo mạng và vệ tinh do thám. Nhưng theo các chuyên gia có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực tình báo, mỗi phương thức này đều đặc biệt khó thực hiện ở Triều Tiên bởi nhiều lý do khác nhau.

Một trong những lý do đó là Mỹ thiếu các quan hệ ngoại giao và thương mại, Bruce Klingner, người đã có 20 năm làm việc cho CIA và DIA trước khi gia nhập Quỹ Heritage cho biết.

"Chúng ta rõ ràng đã chưa thâm nhập Triều Tiên tốt. Thậm chí ngay cả Hàn Quốc cũng còn gặp khó khăn trong việc điều hành các điệp viên vì những khác biệt về phát âm và ngôn ngữ bản địa", Klingner nói thêm.

Điều đó có nghĩa là, bất cứ thông tin tình báo con người nào mà Mỹ/đồng minh có được cũng chỉ đến từ những người Triều Tiên đào tẩu. Nhưng đây chỉ là số ít, mà thường là những cá nhân thiếu hiểu biết trực tiếp về các hoạt động nội bộ nhạy cảm nhất của quốc gia này.

Douglas Paal nói rằng, những người đào tẩu cũng thường có xu hướng "tô hồng" thêm thông tin họ chia sẻ để nhận được sự đối đãi tốt hơn, và do đó các tin tức thường không đáng tin cậy.

Thu thập thông tin tình báo thông qua các phương tiện điện tử hay tình báo tín hiệu cũng bị hạn chế vì ở Triều Tiên, việc sử dụng công nghệ, truy cập Internet và điện thoại di động bị kiểm soát rất chặt chẽ.

Những người được sử dụng mạng lưới máy tính ở Triều Tiên, kể cả quan chức chính phủ cũng dùng mã hóa rất mạnh.

"Băng thông cực kỳ giới hạn", ông Dan Coats, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ phát biểu trong một phiên họp tại Thượng viện hồi tháng 5/2017. "Vì vậy, sử dụng phương thức này để thu thập chúng tôi nhận được những kết quả rất hạn chế".

Politico: Ông Trump có ra lệnh thì QĐ Mỹ cũng không dám đánh Triều Tiên vì tình báo mù thông tin - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong một chuyến thị sát đơn vị đặc nhiệm của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Các phương tiện thu thập thông tin tình báo khác cũng chẳng khá khẩm hơn.

"Chúng tôi không có được các khả năng liên tục, nhất quán (về tình báo, trinh sát, do thám), bởi vậy vẫn còn những khoảng cách và Triều Tiên biết được những hạn chế này", ông Coats giải trình trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. "Đây là thách thức tương đối lớn ở một xã hội khép kín và cô lập như Triều Tiên".

Các chuyên gia đánh giá, sử dụng vệ tinh để chụp ảnh là chiến thuật thu thập tình báo thành công nhất khi Mỹ muốn do thám Triều Tiên. Nhưng ngay cả biện pháp này cũng có những giới hạn.

Klingner nói rằng, mặc dù hình ảnh có thể giúp theo dõi các động thái di chuyển quân sự, phân tích hoạt động hay công tác chuẩn bị tại các địa điểm thử hạt nhân hoặc tên lửa nhưng nó lại cho một bức tranh không hoàn thiện.

Các hình ảnh do thám cũng rất khó thu thập bởi rất nhiều căn cứ quân sự và vũ khí của Triều Tiên được cất giấu dưới lòng đất, vì cả lý do an ninh và vì Triều Tiên có nhiều địa hình đồi núi nên thiếu các không gian cất giữ rộng.

Đặc điểm địa hình như vậy khiến việc chụp nhiều hình ảnh một căn cứ từ các góc nhìn khác nhau cũng gặp khó khăn.

Minh chứng rõ nét nhất trong việc theo dõi các hoạt động quân sự bí mật của Triều Tiên chính là vụ thử bom H ngày 3/9 khiến rất nhiều nhà quan sát bị bất ngờ.

"Điều khó nhất là xác định họ đã làm gì ở chỗ thử hạt nhân", Jon Wolfsthal, nguyên Giám đốc cấp cao phụ trách kiểm soát vũ trang và phổ biến vũ khí của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nhận xét.

"Họ có đánh lừa hay không? Điều đó là bởi vì chúng ta không có liên hệ tốt với nội tình bên trong chương trình hạt nhân của họ. Họ đã rất thành công trong việc đảm bảo không gì có thể lọt ra khỏi vị trí thử".

Nhiều chuyên gia khác cũng chia sẻ quan điểm rằng, việc nhiều thiết bị tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được đặt dưới lòng đất, trong hang động hoặc hầm ngầm, đã đóng sập khả năng đưa ra các lựa chọn cho giới hoạch định quân sự.

"Nhân tố bí ẩn đối với tôi là họ đã phát triển bao nhiêu tổ hợp ngầm như thế? Chúng ta không có chút nhận thức nào về điều đó", Andrew Peek, cựu sĩ quan tình báo Lục quân Mỹ và hiện là nghiên cứu viên ở Trung tâm Clements về An ninh Quốc gia, thuộc Đại học Texas ở Austin, chia sẻ.

Tất cả dường như đều khiến "điểm mù" của các cơ quan tình báo Mỹ và đồng minh, vốn đã tối lại càng trở nên tăm tối hơn.

"Nếu bạn nhìn vào hình ảnh chụp ánh sáng ban đêm từ vệ tinh", ông Dan Coats chia sẻ hồi tháng 5/2017. "Có một điểm tối chẳng có chút ánh sáng nào, đó chính là Triều Tiên".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại