Từ năm 2008, Chính phủ đã có quyết định không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe có giới ba bánh. Vậy vào thời điểm này, các quy định nào đang ràng buộc sự xuất hiện của dòng xe này tại Việt Nam?
Không cấp phép lưu hành mới cho xe ba bánh
Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP đã thảo luận và quyết nghị nhiều vấn đề, trong đó liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Theo đó Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Giao các cơ quan chức năng và các tỉnh/thành rà soát, ban hành các quy định về điều kiện an toàn, đăng ký, cấp biển số các loại xe thô sơ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe cơ giới ba bánh; đối với các loại xe cơ giới ba bánh hiện có đang lưu hành thì ban hành quy định cấm lưu hành (kể cả xe cơ giới ba bánh nhập khẩu) trong nội thành, nội thị và các quốc lộ (trừ xe xích lô phục vụ du lịch, xe thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật).
Và thực hiện theo chỉ đạo này, Bộ GTVT đã ra văn bản 1762/BGTVT-VT ngày 24 tháng 3 năm 2008 gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo đó: Ngừng việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới ba bánh kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2008 (trừ các loại xe cơ giới dùng làm phương tiện đi lại cho thương binh, người tàn tật).
Kể từ đó đến nay, đây là căn cứ để quyết định các dòng mô tô ba bánh có được phép nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam hay không.
Vậy thế nào là xe ba bánh dành cho thương binh, người tàn tật?
Vào ngày 21/12/2007, Chính phủ đã ra công văn số 1992/TTG-CN của Thủ tướng Chính phủ về việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành xe ba bánh, xe cơ giới dùng cho người tàn tật. Công văn nêu rõ trách nhiệm của bộ Giao thông Vận tải:
- Tổ chức kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô ba bánh, xe cơ giới cho người tàn tật;
- Quy định kiểu, loại xe cơ giới dùng cho người tàn tật theo điều kiện sức khỏe, mức độ bị hạn chế về vận động của người tàn tật.
- Tổ chức việc đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe cho người khuyết tật.
Từ ý kiến chỉ đạo này, ngày 22/2/2028, Bộ Giao thông Vận tải số ra Quyết định số 03/2008/QĐ-BGTVT, quy định cụ thể về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật.
Đi kèm với quyết định này là các Quy định cụ thể về việc “kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng cho người tàn tật ".
Theo đó, quy cầu về kỹ thuật về kiểm tra xe ba bánh dành cho người tàn tật là:
- Xe có thể lắp động cơ nhiệt hoặc động cơ điện. Nếu là động cơ nhiệt thì dung tích động cơ không lớn hơn 125 cm3.
- Các bánh xe phải đối xứng với nhau qua mặt phẳng trung tuyến dọc của xe.
- Kích thước lớn nhất của xe không vượt quá giới hạn sau: Chiều dài 2,5 m, chiều rộng 1,2 m, chiều cao 1,4 m
Vậy Piaggio MP3 400 HPE là "Xe Ba bánh nhưng không phải xe Ba Bánh"
Như vậy với quy định kể trên chắc chắn Piaggio MP3 400 HPE để có thể được phép bán ra thị trường thì không thể là “chủng loại xe Ba bánh” mà chỉ là xe “Hai bánh”.
Và chắc chắn mẫu xe “có Ba bánh – mà không phải xe Ba bánh” này đã đảm bảo các tiêu chí hiện tại thì mới có thể thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam để bán tới tay người tiêu dùng. Đây chính là mẫu chốt mà Yamaha Tricity, Can-Am Ryker/Spyder hay Polaris Slingshot, hay các loại xe mô tô có thùng bên tham khảo để có thể đáp ứng các yêu cầu lăn bánh tại Việt Nam.
Theo Thế giới Phương tiện