Kỳ vọng gây "sốc và sợ hãi" với Nga
Các biện pháp trừng phạt bao gồm tài chính, năng lượng, công nghệ, du lịch, vận tải, hệ thống điện tử hàng không và hàng hóa, nhằm vào một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, áp lực kinh tế đối với Nga không quá lớn như các chiến dịch trừng phạt chống chiến tranh trước đây, chẳng hạn như lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iraq.
Một năm sau khi áp đặt, cấm vận đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và triển vọng tăng trưởng trong tương lai của nước này. Nhưng chúng không gây ra sự sụp đổ của nền kinh tế Nga hay giúp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow được kỳ vọng, như một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từng nói, như một hình thức gây “sốc và sợ hãi” về kinh tế.
Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn tài chính ngắn ngủi, Nga đã định tuyến lại phần lớn hoạt động thương mại của mình sang các nền kinh tế châu Á và vượt qua được tác động từ các lệnh trừng phạt ban đầu.
Nhiều ý kiến cho rằng sự thống trị của đồng đô la Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây.
Nhưng những kết quả khác nhau của chiến dịch kinh tế chống lại Nga chứng tỏ rằng một xu hướng đối kháng mạnh mẽ hầu như không được chú ý: sự trỗi dậy của những thế lực thương mại châu Á, với tư cách là nhân tố tạo điều kiện cho hoạt động chuyển hướng thương mại của Moscow, đã giúp giảm tác động từ cấm vận của phương Tây.
Chiến dịch trừng phạt năm 2022 chống lại Nga đã phơi bày những hậu quả chiến lược của sự thay đổi này.
"Cứu tinh" của Nga
Vào năm 2021, các nền kinh tế châu Á chiếm 39% GDP danh nghĩa toàn cầu, khiến khu vực này trở thành lục địa có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới.
Châu Á ngày nay chiếm tới 3/4 chỉ số trên, với Trung Quốc và Ấn Độ chiếm một nửa tổng mức tăng trưởng GDP toàn cầu hàng năm.
Các nền kinh tế châu Á đã đóng vai trò là điểm đến thay thế cho hàng xuất khẩu của Nga cũng như các nguồn nhập khẩu mới. Liên kết thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh và các nước Trung Á đã thúc đẩy kinh tế Nga tăng trưởng.
Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc tăng 29% vào năm 2022 và 39% trong quý đầu năm 2023. Con số này có thể đạt 237 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Năm 2022, thương mại của Nga với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 68%, trong khi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ tăng 87%. Thương mại Nga-Ấn tăng 205% lên 40 tỷ USD.
Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành 2 khách hàng mua dầu Nga lớn nhất
Chuyển hướng xuất khẩu đã là phao cứu sinh cho ngành công nghiệp năng lượng của Nga, với doanh thu vốn chiếm một phần lớn trong thu ngân sách của nước này.
Vào tháng 1/2022, các nước châu Âu đã nhập khẩu 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga trong khi các khách hàng châu Á mua 1,2 triệu thùng. Đến tháng 1/2023, doanh số bán hàng của Nga sang châu Âu đã giảm xuống dưới 100.000 thùng mỗi ngày nhưng xuất khẩu sang châu Á đã tăng lên 2,8 triệu thùng.
Nhu cầu của châu Á đã thay thế nhiều hơn cho sự sụt giảm xuất khẩu dầu sang châu Âu. Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển lớn nhất của Nga, khi mua hơn 1,4 triệu thùng mỗi ngày kể từ đầu năm 2023.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng không kém cạnh, mua từ 800.000 - 1,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2022. Trong một năm, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã thay thế hoàn toàn nhu cầu của châu Âu đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Các nhà xuất khẩu châu Á cũng đã lấp đầy một phần khoảng trống do các nhà cung cấp thiết bị sản xuất tiên tiến và công nghệ cao của phương Tây để lại. Các công ty Trung Quốc hiện chiếm 40% doanh số bán ô tô mới và 70% doanh số điện thoại thông minh ở Nga.
Việc phương Tây rút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nga đã chuyển sang nhập khẩu ô tô châu Âu và Nhật Bản đã qua sử dụng thông qua các nước thứ ba, trong đó ô tô mới chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) đã trở thành những nhà cung cấp vi mạch chính mà Nga bắt đầu dự trữ trước chiến dịch quân sự.
Dù vẫn còn phải đánh giá tính hiệu quả của các kênh nhập khẩu này về lâu dài nhưng trong ngắn hạn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của phương Tây đã không tạo ra cuộc khủng hoảng chip ở Nga.
Các đối tác thương mại của Nga trong Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bỏ qua các hạn chế xuất khẩu công nghệ. Các nền kinh tế Trung Á đang hoạt động tích cực như các đường dẫn nhập khẩu song song và thương mại quá cảnh. Trong đó, đáng chú ý là nhập khẩu máy móc và các sản phẩm hóa chất.
Tính đến tháng 10/2022, mức tăng hàng năm trong xuất khẩu sang Nga từ Trung Quốc, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia gần bằng mức giảm xuất khẩu của châu Âu, Mỹ và Vương quốc Anh sang Nga.
Bằng cách đóng vai trò là nhà cung cấp thay thế cho nền kinh tế Nga, cũng như với tư cách là khách hàng mới quan trọng cho hàng hóa và là người định giá cho xuất khẩu dầu của Nga trên thị trường toàn cầu, các nền kinh tế châu Á đã giúp làm giảm đáng kể tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Do đó, sức mạnh thương mại của châu Á trong việc giảm thiểu tác động của cấm vận đối với Nga chủ yếu thuộc về Trung Quốc và Ấn Độ, bên cạnh một số nền kinh tế Trung Đông và Trung Á.
Những thực tế địa kinh tế này dường như sẽ làm phức tạp thêm việc sử dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong tương lai.